|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những tỷ phú 'sụp đổ' nhanh nhất thế giới

20:13 | 19/11/2022
Chia sẻ
Sam Bankman-Fried từng là tỷ phú tiền số giàu bậc nhất thế giới trước khi sàn FTX sụp đổ, khiến ông gần như "trắng tay" sau một đêm. Trước Sam, từng có một số tỷ phú nổi tiếng cũng gần như mất tất cả chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần dù từng sở hữu khối tài sản ròng trị giá hàng chục tỷ USD.

Sam Bankman-Fried từng là một trong những tỷ phú tiền số giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, sự sụp đổ của sàn giao dịch mà ông sáng lập, FTX, đã khiến Sam gần như “mất trắng” chỉ sau một đêm khi giá trị khối tài sản ròng của ông giảm xuống dưới mức 1 tỷ USD, qua đó rời khỏi danh sách tỷ phú thế giới, theo tạp chí Forbes.

Thực tế, không có nhiều tỷ phú chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình gần như “bốc hơi” sau một đêm tương tự Sam Bankman-Fried. Trong số những người mất gần như toàn bộ tài sản của mình chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần có nhà đầu tư Adolf Merckle, từng là một trong những người giàu nhất nước Đức, nhưng đã bị phá bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và Kanye West, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất thế giới hiện nay.

Kanye West

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 2 tỷ USD vào tháng 4/2022

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: 400 triệu USD

Kanye West là một trong những nam rapper nổi tiếng nhất thế giới. (Ảnh: Forbes).

Sau khi nam rapper người Mỹ Kanye West đưa ra luồng bình luận chống đối, thuyết âm mưu và các hành vi gây tranh cãi khác, anh đã bị đối tác kinh doanh chính của Yeezy là Adidas cắt hợp đồng vào tháng 10. Trước đó một tháng, Kanye West cũng đã chấm dứt hợp đồng 10 năm với nhà bán lẻ quần áo Gap.

Một số đơn vị khác cũng cắt đứt mối quan hệ với Kayne West còn có hãng thời trang Pháp Balenciaga, nhà bán lẻ Foot Locker, cơ quan tài năng CAA và chủ ngân hàng JPMorgan.

Dù chứng kiến hàng loạt nhà tài trợ cắt hợp đồng cũng như rời khỏi danh sách tỷ phú USD, Kanye West vẫn sở hữu khối tài sản ròng trị giá khoảng 400 triệu USD từ danh mục đầu tư bất động sản và âm nhạc cá nhân, cũng như 5% cổ phần tại Skims, thương hiệu thời trang trị giá 3,2 tỷ USD được sáng lập bởi vợ cũ của anh, Kim Kardashian.

Rishi Shah

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 3,6 tỷ USD vào năm 2017

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: 0 USD

Rishi Shah đã nói dối các nhà đầu tư về tình hình tài chính của doanh nghiệp. (Ảnh: Forbes).

Rishi Shah trở thành người sáng lập trẻ tuổi, bỏ học đại học của công ty khởi nghiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe nổi tiếng Outcome Health, đã huy động được 600 triệu USD và đạt mức định giá 5,6 tỷ USD vào tháng 5/2017.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm sau khi Shah bước vào hàng ngũ tỷ phú, anh và hai giám đốc điều hành hàng đầu từ Outcome đã bị buộc tội gian lận vì bị cáo buộc ăn cắp khoảng 1 tỷ USD từ khách hàng, người cho vay và nhà đầu tư bằng cách trình bày sai về hoạt động tài chính của công ty và sự thành công của các sản phẩm của công ty. Cả ba đều cam kết không phạm tội sau khi họ bị buộc tội vào năm 2019 và sẽ bị xét xử vào năm 2023.

John Kapoor

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 3,3 tỷ USD vào năm 2015

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: N/A

John Kapoor đã bị kết án 5 năm rưỡi tù giam vào năm 2020. (Ảnh: Forbes).

Doanh nhân và nhà đầu tư trong ngành dược phẩm John Kapoor là người sáng lập, CEO và Chủ tịch của nhà sản xuất thuốc giảm đau Insys Therapeutics. Tháng 10/2017, Kapoor bị bắt và bị buộc tội âm mưu hối lộ các bác sĩ để kê đơn thuốc xịt Fentanyl Subsys của công ty, được làm để giảm đau liên quan đến bệnh ung thư, cho những bệnh nhân không cần đến thuốc này.

Insys tuyên bố phá sản và cho biết sẽ ngừng hoạt động vào năm 2019. Doanh nhân gốc Ấn Độ, người đã rớt khỏi bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes chỉ vài tháng sau khi bị bắt, nhận bản án 5 năm rưỡi tù giam vào năm 2020.

Elizabeth Holmes

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 4,5 tỷ USD vào năm 2015

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: 0 USD

Elizabeth Holmes từng được coi là biểu tượng mới của ngành công nghệ dược phẩm trước khi mọi thứ vỡ lở. (Ảnh: Forbes).

Người đồng sáng lập Theranos Elizabeth Holmes đã từng được cả giới công nghệ chúc mừng vì phát triển một thiết bị mà bà tuyên bố sẽ cách mạng hóa việc xét nghiệm máu bằng cách chỉ sử dụng một hoặc hai giọt máu từ đầu ngón tay của một người.

Năm 2015, sinh viên bỏ học tại Đại học Stanford đã trở thành người phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ. Một năm sau, Forbes đã hạ thấp ước tính về giá trị tài sản ròng của bà, sau khi công nghệ mà bà từng giới thiệu tỏ ra không đáng tin cậy và Theranos phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra từ các cơ quan liên bang.

Năm 2018, bà bị truy tố vì tội lừa đảo. Vụ án được đưa ra xét xử vào năm 2021. Trong quá trình xét xử, Holmes đã cố gắng đổ lỗi cho bạn trai cũ và cựu CEO Theranos, Ramesh “Sunny” Balwani.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã bác bỏ và kết tội Holmes với 4 tội danh lừa đảo các nhà đầu tư vào tháng 1/2022. Balwani cũng bị kết tội và phải đối mặt với bản án lên đến 20 năm tù về tội lừa đảo và âm mưu lừa đảo.

Eike Batista

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 30 tỷ USD vào năm 2012

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: N/A

Eike Batista từng là người giàu nhất Brazil. (Ảnh: Forbes).

Là một người có tham vọng quá lớn, doanh nhân dầu khí người Brazil Eike Batista từng cam kết với Forbes rằng ông sẽ trở thành người giàu nhất thế giới. Đã có những lúc tham vọng của ông được nhiều người ghi nhận.

Vào đầu năm 2012, Batista đã sở hữu khối tài sản ròng trị giá 30 tỷ USD khi giá cổ phiếu của các công ty năng lượng được giao dịch công khai của ông, trực thuộc công ty mẹ EBX Group, tăng vọt.

Dù vậy, chỉ trong một năm, trong bối cảnh không đạt được các mục tiêu về sản xuất và tài chính, đế chế năng lượng của ông bắt đầu sụp đổ. Công ty dầu mỏ hàng đầu của ông là OGX đã phóng đại về trữ lượng dầu của mình. OGX đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2013 sau khi vỡ nợ khoản thanh toán trái phiếu trị giá 45 tỷ USD, đánh dấu vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp khu vMỹ Latinh.

Batista đã bị kết án 30 năm tù vào năm 2018 vì hối lộ cựu Thống đốc Rio de Janeiro Sergei Cabral 16,5 triệu USD để đổi lấy các hợp đồng nhà nước. Ông được cho là đang sống trong biệt thự của mình dưới sự quản thúc tại gia.

Vijay Mallya

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 1,6 tỷ USD vào năm 2007

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: N/A

Vijay Mallya đã trốn sang Anh. (Ảnh: Forbes).

Được biết đến với biệt danh “the King of Good Times” vì lối sống hào hoa của mình, Mallya đã điều hành United Spirits, một trong những công ty rượu lớn nhất Ấn Độ và hãng hàng không Kingfisher Airlines (hiện đã không còn tồn tại).

Sau khi bước chân vào lĩnh vực hàng không từ năm 2005, ông trùm rượu đã gánh khoản nợ hơn 1 tỷ USD cho nhiều ngân hàng Ấn Độ khi tìm cách giữ cho hãng hàng không Kingfisher Airlines tồn tại.

Từng có thời điểm trở thành hãng vận tải nội địa lớn thứ hai ở Ấn Độ, song Kingfisher đã vỡ nợ và đóng cửa vào năm 2012. Thời điểm đó, các phi công và tiếp viên không được trả lương trong nhiều tháng, trong khi Mallya tiếp tục tổ chức các bữa tiệc xa hoa. Mallya đã trốn sang Anh vào năm 2016 và được cho là vẫn đang sống tại đây ở thời điểm hiện tại.

Anil Ambani

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 45 tỷ USD vào năm 2007

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: N/A

Anil Ambani là em trai của tỷ phú giàu thứ hai châu Á hiện tại, Mukesh Ambani. (Ảnh: Forbes).

Anil Ambani và anh trai Mukesh Ambani thừa kế tài sản lớn nhất của Ấn Độ từ người cha quá cố Dhirubhai Ambani. Một cuộc xung đột để giành quyền kiểm soát công ty đã dẫn đến sự chia rẽ giữa hai anh em.

Mukesh hiện là người giàu thứ hai châu Á, còn Anil gần như điêu đứng về tài chính, do các thương vụ thất bại và nợ nần chồng chất. Sự sụp đổ trong công việc kinh doanh của ông đã dẫn đến nhiều năm tranh chấp pháp lý liên quan đến những người cho vay trên khắp Ấn Độ và Trung Quốc, những người vẫn đang cố gắng thu hồi vốn từ người em trong gia đình Ambani.

Tập đoàn Reliance của ông cuối cùng đã phải làm thủ tục phá sản vào năm 2019. Mặc dù có một mối quan hệ gây tranh cãi trong lịch sử, anh trai của ông, Mukesh cũng đã đứng ra giúp trả một số khoản nợ cho công ty viễn thông Thụy Điển Ericsson khi Anil phải đối mặt với án tù.

Allen Stanford

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 2,2 tỷ USD vào năm 2008

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: 0 USD

Allen Stanford bị kết án tới 110 năm tù vì tội lừa đảo đa cấp. (Ảnh: Forbes).

Stanford bị kết án vào năm 2012 vì điều hành một kế hoạch lừa đảo đa cấp trị giá 7 tỷ USD thông qua Tập đoàn Tài chính Stanford, một ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Antigua.

Theo các công tố viên, cựu tỷ phú đã lừa đảo trong khoảng hai thập kỷ bằng cách bán các chứng chỉ tiền gửi có lợi suất cao, sau đó sử dụng tiền cho các khoản đầu tư đáng ngờ và tài trợ cho lối sống xa hoa của mình.

Năm 2012, ông bị kết án 110 năm tù và hiện đang thụ án trong một nhà tù an ninh ở Coleman, Florida. Các nạn nhân trong kế hoạch lừa đảo của Stanford đã được trả lại tiền, nhưng chưa đủ. Tính đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 1 tỷ USD.

Adolf Merckle

Giá trị tài sản ròng cao nhất: 12,8 tỷ USD vào năm 2007

Giá trị tài sản ròng ước tính hiện tại: N/A

Cựu tỷ phú Adolf Merckle. (Ảnh: Forbes).

Merckle là một nhà công nghiệp người Đức, người có khoản đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vấn đề của ông trở nên nghiêm trọng hơn ông đặt cược lớn vào Volkswagen AG. Merckle đã tìm kiếm hơn 1 tỷ USD cho các khoản vay cầu nối để trang trải các khoản lỗ mà tập đoàn VEM Vermoegensverwaltung của ông phải gánh chịu.

Khi đế chế của ông đứng bên bờ vực sụp đổ, Merckle đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách bước lên trước một chuyến tàu gần nhà ở Blaubeuren, Đức vào năm 2009. Sau cái chết của Adolf, con trai ông là Ludwig đã cố gắng xử lý các vấn đề của cha mình. Hiện anh đang sở hữu khối tài sản ròng có giá trị hơn 5 tỷ USD.

Anh Nguyễn