60 năm trước còn nghèo, một quốc gia châu Á giờ đã vươn mình thành mãnh hổ và thống trị luôn 4 ngành kinh tế mũi nhọn
Vào đầu những năm 1960, các chính trị gia Hàn Quốc từng rất ngưỡng mộ “Phép màu sông Rhine” của Tây Đức sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nước này hậu Thế chiến thứ hai.
Lúc bấy giờ, nền kinh tế Hàn Quốc đang suy sụp không khác gì Đức trước kia. Hầu hết các cơ sở công nghiệp của Hàn Quốc đều bị phá huỷ trong Chiến tranh Triều Tiên. Đất nước cũng không có vốn và thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên.
Ôm giấc mơ về một phép màu kinh tế cho riêng mình, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã vạch ra một kế hoạch lớn. Và đó là điểm khởi đầu cho một trong những cuộc cải cách kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 60 năm qua.
Sau này, giới chuyên gia đặt tên cho phép màu kinh tế của Hàn Quốc là “Kỳ tích sông Hán”, gợi nhắc đến con sông lớn chảy qua thủ đô Seoul. Nhờ “Kỳ tích sông Hán”, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một trong những quốc gia kém phát triển nhất thành nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu thế giới.
“Kỳ tích sông Hán”
Bắt đầu từ năm 1961, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai một loạt chính sách phát triển kinh tế lấy trọng tâm là xuất khẩu.
Ban đầu, các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là sản phẩm công nghiệp nhẹ được sản xuất tại các nhà máy quy mô nhỏ hoặc từ các nguyên liệu thô với giá trị thấp.
Tuy nhiên, đến những năm 1970, Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm sang đầu tư vào các cơ sở hoá chất quy mô lớn, tạo nền tảng cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng.
Thế vận hội mùa hè năm 1988 (hay Olympic Seoul 1988) đã tiếp thêm sinh khí để Hàn Quốc trở thành một quốc gia bán tiên tiến.
Đăng cai thế vận hội giúp sản lượng kinh tế tăng thêm 7 tỷ USD và thu nhập quốc dân tiến thêm 2,7 tỷ USD trong giai đoạn 1981 - 1988. Sự kiện đó không chỉ mang lại 300 triệu USD lợi nhuận mà còn thúc đẩy hoạt động xây dựng tại Hàn Quốc, nền tảng K-Developedia nhấn mạnh.
Từ một nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế vào thập niên 1990. Truyền thông quốc tế xếp chung Hàn Quốc vào nhóm “4 con hổ châu Á” cùng Đài Loan, Singapore và Hong Kong.
Đến năm 1995, Hàn Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển. Đến tháng 12/1996, nước này trở thành thành viên thứ 29 của OECD.
Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ xấp xỉ 67 USD vào năm 1953 (tức sau khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt). Thước đo này nhảy vọt hơn 198 lần lên 13.320 USD vào năm 1996.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này chỉ đạt 32,8 triệu USD vào năm 1960. Kim ngạch vượt mốc 10 tỷ USD 17 năm sau đó và tăng vọt lên 129,7 tỷ USD vào năm 1996.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Hàn Quốc trong giai đoạn kể trên còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của các gia tộc chaebol, những rường cột kinh tế quan trọng của nước này.
Thành công ban đầu của các tập đoàn chaebol đã giúp tiền lương và mức sống của người dân khởi sắc, đồng thời thúc đẩy cỗ máy xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trong cuốn “Republic of Chaebol”, nhà kinh tế Park Sang-in tiết lộ tổng doanh thu của 5 tập đoàn chaebol lớn nhất Hàn Quốc luôn chiếm hơn một nửa GDP quốc gia trong 15 năm qua.
Mãnh hổ lần nữa trỗi dậy
Đến tháng 11/1997, một cú sốc bất ngờ đã xảy ra, buộc chính phủ Hàn Quốc phải chú ý hơn đến vấn đề tài khoá và dự trữ ngoại hối bên cạnh việc tăng tốc độ phát triển kinh tế.
Cuối năm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lan tới Hàn Quốc. Dự trữ ngoại hối của nước này chỉ có vỏn vẹn 6 tỷ USD và phần lớn đã được phân bổ để chính phủ chi tiêu cho năm tài khoá tiếp theo.
Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xin viện trợ khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sau nhiều ngày đàm phán, Seoul đã đạt được thoả thuận để nhận khoản cứu trợ 55 tỷ USD.
Cùng lúc, Hàn Quốc thực hiện những bước đi quyết liệt như loại các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ra khỏi thị trường và tiến hành tái cấu trúc lĩnh vực công nghiệp.
Trong quá trình phục hồi kinh tế, khoảng 3,5 triệu người đã tham gia chiến dịch đóng góp vàng để giúp chính phủ trả các khoản vay từ IMF. Tổng cộng, Seoul nhận được 227 tấn vàng. Thế giới cũng phải kinh ngạc trước sự sẵn lòng hỗ trợ chính phủ trả nợ của người dân Hàn Quốc.
Chỉ trong vòng hai năm, Hàn Quốc đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng GDP trước kia. Theo dữ liệu của World Bank, GDP nước này đã tăng gấp ba lần từ 504,6 tỷ USD vào năm 2001 lên 1.760,9 tỷ USD vào năm 2024.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã cải thiện đáng kể - đạt 395,6 tỷ USD vào năm 2023, trở thành tấm lá chắn vững chắc giúp chính phủ chống lại các cú sốc bên ngoài.
Và song song với cú trở mình lần này của nền kinh tế Hàn Quốc là sự xuất hiện của một làn sóng văn hoá mới. Từ đầu năm 1999, làn sóng Hàn Quốc Hallyu đã trở thành một trong những hiện tượng văn hoá lớn nhất châu Á, vươn đến cả phương Tây.
Sự quan tâm của thế giới đối với văn hoá Hàn Quốc chủ yếu bắt nguồn từ K-pop và phim ảnh, với những tên tuổi tạo tiếng vang lớn như nhóm nhạc Seo Taiji and Boys, HOT, BTS, BlackPink, bộ phim đoạt giải Oscar Parasite và loạt phim Netflix Squid Game.
Thông qua xuất khẩu văn hoá và du lịch, tác động của làn sóng Hallyu đến nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng gia tăng. Từ con số 1,8 tỷ USD vào năm 2004, Hallyu đã đóng góp thêm 12,3 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2019.
Mắt xích trọng yếu trong 4 lĩnh vực
Ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới và sở hữu một số lĩnh vực đóng vai trò xương sống đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu Hàn Quốc hụt hơi, chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng sẽ chịu tổn thất.
Tương tự Đài Loan, Hàn Quốc cũng là một nhà sản xuất chip có ảnh hưởng. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang thống trị phân khúc chip DRAM và chip nhớ NAND, chiếm hơn 60% thị phần toàn cầu. DRAM và NAND là những con chip được dùng để quản lý và lưu trữ dữ liệu trên máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và thẻ SD.
Samsung Electronics - tập đoàn chaebol lớn nhất Hàn Quốc và là một trong 40 doanh nghiệp hàng đầu thế giới theo vốn hoá - sản xuất khoảng 41% chip DRAM và 36,9% chip nhớ NAND.
Những con chip của Samsung là thành phần quan trọng cho sản phẩm của nhiều công ty công nghệ trên toàn cầu, từ gã khổng lồ Apple của Mỹ cho đến hãng điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc.
Hàn Quốc cũng là nước xuất khẩu lượng lớn máy móc và linh kiện điện tử. Theo dữ liệu từ Bloomberg, nước này hiện sản xuất khoảng 4% tổng số linh kiện điện tử được sử dụng trong các nhà máy trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, nhu cầu về tàu biển cũng gia tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, ngành đóng tàu cũng giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung.
Theo UNCTAD, Hàn Quốc là nước đóng tàu lớn thứ hai thế giới với tổng dung tích (gross tonnage) đạt 18 triệu đơn vị, chiếm 28% thị phần toàn cầu và chỉ xếp sau Trung Quốc.
Lĩnh vực đóng tàu của Hàn Quốc trở nên đặc biệt quan trọng sau khi Nga tấn công Ukraine. Nguyên nhân là Hàn Quốc sản xuất đến 90% tàu chở khí tự nhiên hoá lỏng trên toàn cầu và nhu cầu cho loại nhiên liệu này vẫn tăng cao trong bối cảnh châu Âu tìm cách thay thế nguồn cung giá rẻ của Nga.
Ba hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc cũng là công ty con của các tập đoàn chaebol, gồm Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding và Samsung Heavy. Ước tính trong năm nay, ba công ty đã nhận đơn đặt hàng cho 160 con tàu với tổng giá trị khoảng 22,7 tỷ USD.
Bên cạnh thiết bị điện tử và đóng tàu, Hàn Quốc còn thống trị thị trường thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Hai trong số 10 thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới là các cái tên Hàn Quốc - Hyundai Motor và Kia.
Báo cáo thường niên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cho biết vào năm 2022, sản lượng xe của các doanh nghiệp nội địa đã tăng khoảng 8,5% lên 3,7 triệu chiếc.
Kể từ năm 2020, xứ sở kim chi vẫn giữ vững vị thế là nước sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhờ mạng lưới dày đặc các công ty sản xuất màn hình, bán dẫn và pin trong nước, lĩnh vực chế tạo ô tô của Hàn Quốc dễ nâng sản lượng và chất lượng sản phẩm hơn các nhà sản xuất phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.
Ở diễn biến khác, kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc đã bật tăng mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2018 - 2022, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng hơn 70% so với giai đoạn 2013 - 2017.
Phân tích số liệu kỹ hơn sẽ thấy cho đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của quốc gia châu Á này thường dao động trong khoảng từ 2 đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch đã nhảy vọt lên 7,3 tỷ USD vào năm 2021 và chạm mốc 14 tỷ USD vào năm 2023.
Đến tháng 3/2024, Hàn Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 10 thế giới. Nước này là nhà cung cấp lớn thứ hai cho 6 trong 40 quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất trong giai đoạn 2019 - 2023, gồm Indonesia, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Thái Lan và Anh.
Chính phủ Hàn Quốc đang tham vọng trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027 và vào cuối năm 2022 đã công bố một gói tài trợ trị giá 770 triệu USD để xúc tiến kế hoạch đó.
Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, tính theo tỷ trọng xuất khẩu vũ khí trong giai đoạn 2019 - 2023 thì Mỹ hiện là nhà cung ứng lớn nhất thế giới, theo sau là Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.