|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

30 doanh nghiệp phi tài chính vay nợ hơn 700.000 tỷ đồng

14:00 | 30/08/2023
Chia sẻ
30 doanh nghiệp phi tài chính có tổng nợ vay lớn nhất, ghi nhận 731.107 tỷ cuối quý II, chiếm khoảng 52% tổng dư nợ trên sàn chứng khoán.

Theo thống kê từ dữ liệu của Wichart, nợ vay của hơn 1.000 doanh nghiệp phi tài chính trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) có xu hướng giảm mạnh kể từ cuối quý III/2022 và giảm sâu trong quý cuối năm ngoái (giảm 5% so với quý III). Tổng nợ vay của các doanh nghiệp tăng trở lại trong quý I/2023, sau đó lại có xu hướng giảm trong quý II.

Biến động dư nợ vay của các doanh nghiệp trên sàn có xu hướng biến động theo tình hình lãi suất. Lãi suất VND đã tăng cao từ đầu quý III/2022 và mới chỉ bắt đầu giảm dần vào cuối quý II/2023. 

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Biểu đồ lãi suất huy động 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn (ACB, VPB, TCB, MBB) và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Lãi suất bắt đầu tăng mạnh từ quý III/2022 nên chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trên ba sàn đã tăng mạnh trong quý IV/2022 do có độ trễ giữa các kỳ hạn. Song chi phí lãi vay đã hạ nhiệt trong quý đầu năm 2023 khi nhiều doanh nghiệp lớn có xu hướng giảm tỷ trọng nợ vay để ứng phó với đà tăng lãi suất. 

Sang tới quý II, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng dù tổng dư nợ vay trên ba sàn đã giảm so với quý I đồng thời doanh nghiệp cũng tăng tích trữ tiền mặt .

Thống kê 17 doanh nghiệp trên sàn có lượng tiền, tiền gửi trên 10.000 tỷ tại ngày 30/6 thì có tới 16 công ty ghi nhận sự tăng trưởng giá trị so với cuối quý I.

Chứng khoán VNDirect cho biết chi phí lãi vay của thị trường (không bao gồm ngân hàng) trong tăng mạnh trong khi tỷ lệ D/E giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm do lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và các doanh nghiệp chưa sẵn sàng vay thêm trong bối cảnh triển vọng kinh doanh không chắc chắn.

  Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Tính riêng khối sản xuất và thương mại, cơ cấu nợ vay cuối quý II của khối này không có nhiều thay đổi so với quý I, các doanh nghiệp đang cố giữ mức đòn bẩy ở mức an toàn trong bối cảnh lãi suất vay bình quân cao như hiện nay.

Thống kê của Wichart cho thấy tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của khối sản xuất, thương mại ở mức 0,58 lần vào cuối quý II. Chi phí lãi vay trong quý II tiếp tục tăng do lãi suất vay bình quân trong kỳ cao, dù đã có định hướng giảm lãi suất cho vay nhưng sẽ có độ trễ giữa các kỳ hạn. 

 Nguồn: Wichart.

Tổng nợ vay của 30 doanh nghiệp là 731.107 tỷ cuối quý II, chiếm khoảng 52% tổng dư nợ trên sàn chứng khoán.

Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) hiện là doanh nghiệp có quy mô nợ vay (bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn) lớn nhất và chi phí lãi vay cao nhất trên sàn chứng khoán trong quý II. 

Quy mô nợ vay của Vingroup cuối quý II là 176.049 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn và gấp gần 1,28 lần vốn chủ sở hữu. Trong quý II, chi phí lãi vay của doanh nghiệp là 3.572 tỷ đồng. 

Nợ vay của Vingroup có xu hướng tăng mạnh từ năm 2017 - đây là năm đánh dấu mốc tập đoàn này chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất xe ô tô với lễ khởi công nhà máy VinFast Hải Phòng và tiếp tục gia tăng trong năm 2022 khi doanh nghiệp trên con đường hiện thực hoá tham vọng xuất khẩu xe điện đồng thời chuẩn bị nguồn lực trước thềm IPO và niêm yết ở Mỹ.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart.

Ngoài ra, công ty con của Vingroup là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) - đơn vị chuyên phát triển các dự án bất động sản có quy mô nợ vay lớn thứ 5 trên sàn với 43.369 tỷ đồng tại ngày 30/6. 

Một doanh nghiệp khác trong nhóm bất động sản có dư nợ lớn trên sàn là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL), ghi nhận 61.579 tỷ đồng tại ngày 30/6. Dù có dư nợ vay cao thứ ba trên sàn song quý II chi phí lãi vay của Novaland chỉ có 200 tỷ đồng nhưng thực tế lãi vay đã thanh toán là 534 tỷ. Chi phí lãi vay nửa đầu năm là 384 tỷ và số tiền thực trả là 2.043 tỷ.

Sở dĩ có việc chênh lệch giữa lãi vay thực trả và chi phí lãi vay trên bảng kết quả kinh doanh đến từ việc vốn hoá chi phí lãi vay. Vốn hoá chi phí lãi vay là việc ghi nhận chi phí lãi vay phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang vào giá trị của tài sản đó. 

Cụ thể, các dự án bất động sản hoặc các dự án đầu tư nhà máy thường có thời gian đầu tư dài, ít nhất trên một năm nên chi phí lãi vay thường được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy. Việc vốn hoá chi phí lãi vay sẽ chấm dứt khi việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành.

Xếp sau Vingroup là Tập đoàn Masan (Mã: MSN) với 68.069 tỷ nợ vay cuối quý II, chiếm hơn 48% nguồn vốn và ghi nhận chi phí lãi vay là 1.786 tỷ trong kỳ. Cơ cấu nợ của Masan chiếm 66% là từ ngân hàng, còn lại là các khoản vay trái phiếu. 

Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) cũng là doanh nghiệp có chi phí lãi vay cao thứ 4 trên sàn trong quý vừa qua. MSR hoạt động chính trong lĩnh vực khai khoáng, sở hữu mỏ vonfram có trữ lượng lớn thứ ba trên thế giới.

Ông lớn số 1 ngành thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG)  có quy mô nợ lớn thứ 4 và chi phí lãi vay cao thứ ba trên sàn. 

Nợ vay cuối quý II của tập đoàn là 60.627 tỷ đồng. Công ty bắt đầu đẩy mạnh nợ vay kể từ 2018 - thời điểm xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 và tiếp tục cần nguồn vốn lớn để triển khai giai đoạn 2 năm 2022.

Dù dư nợ vay của Hòa Phát được duy trì ổn định trong vòng ba quý trở lại đây và tính tới cuối quý II đã giảm hơn 10.000 tỷ so với thời điểm giữa năm 2022, song chi phí lãi vay vẫn tiếp tục đi gia tăng từng quý trong bối cảnh lãi suất gia tăng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có dư nợ trên 20.000 tỷ cuối quý II như Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3 - Mã: PGV) 37.650 tỷ, Vietnam Airlines (Mã: HVN)  27.988 tỷ, Thế Giới Di Động (Mã: MWG)  22.237 tỷ, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) 20.374 tỷ,...

Dù dư nợ vay lớn song Vingroup, Masan, Hoà Phát, Vinhomes, MWG hay PGV có tỷ trọng chi phí lãi vay trên doanh thu thuần ở mức dưới 10%. Trái lại, trong top 30 doanh nghiệp có chi phí lãi vay lớn nhất trên sàn thì nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí lãi vay trên doanh thu thuần ở mức cao trong quý II như: CII - 43%, Điện Gia Lai (Mã: GEG) - 43% Bamboo Capital (Mã: BCG) - 37%, Pomina (Mã: POM) - 28%, HHV - 28%. 

 Top 30 doanh nghiệp có chi phí lãi vay lớn nhất trong quý II/2023. (Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart).

24 doanh nghiệp có tổng dư nợ vay trên 10.000 tỷ cuối quý II. (Khoản lãi vay thực trả được lấy từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các doanh nghiệp). (Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp dữ liệu từ Wichart).

Bớt lo chi phí vốn, áp lực tỷ giá tiếp tục đè nặng lên nhiều doanh nghiệp

Lãi suất có xu hướng hạ nhiệt cuối quý II đã làm giảm áp lực chi phí vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Song câu chuyện tỷ giá gia tăng gần đây đã tạo sức ép cho doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ đặc biệt là USD.

Tính tới trưa 29/8, ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.010 đồng – 24.350 đồng, tương đương với hồi đầu tháng 12/2022. Tháng 11/2022, tỷ giá trong nước lập đỉnh quanh vùng 24.890 đồng/USD.

Nửa cuối năm 2023, tỷ giá USD/VND leo thang đã khiến nhiều doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá, tạo áp lực lên biên lợi nhuận ròng.

Vingroup - đơn vị có dư nợ vay lớn nhất trên sàn chứng khoán với 176.049 tỷ cuối quý II thì có 51.262 tỷ đồng là vay bằng USD.

Tập đoàn Masan với dư nợ 68.069 tỷ thì có 28.308 tỷ vay ngoại tệ, chủ yếu là bằng USD. Hay Tập đoàn Hoà Phát hoặc ENVGENCO3 cũng có dư nợ vay ngoại tệ lớn, trong đó EVNGENCO3 chủ yếu vay nợ bằng USD để tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện.

Hoàng Kiều