|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị bất động sản sáng 17/2

11:32 | 17/02/2023
Chia sẻ
Thủ tướng khẳng định chính quyền không thể buông bỏ các doanh nghiệp vì điều này sẽ kéo theo nhiều thiệt hại cho người lao động, người mua nhà,… Tuy nhiên, nếu việc giải cứu được diễn ra, các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với người dân và xã hội.

Sáng nay (17/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bên cạnh những thành quả đạt được, thời gian qua nền kinh tế xuất hiện một số vấn đề, trong đó có vấn đề của thị trường bất động sản. Dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh đây là diễn biến tất yếu với một đất nước đang phát triển.

“Doanh nghiệp và người dân cần bình tĩnh, không quá hoang mang, dao động trước những khó khăn; ngược lại cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan trước khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ.

Với thị trường bất động sản, đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu. Phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?”.

Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản sáng ngày 17/2. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Sau khi nghe đại diện Vinhomes và Novaland phát biểu, Thủ tướng một lần nữa đề nghị các đại biểu tập trung phân tích thêm về nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, các chủ thể liên quan (như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) có trách nhiệm gì, từ đó đề xuất các giải pháp, các chủ thể phải làm gì thời gian tới.

“Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm. Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, có công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, có người mua nhà thì mới phát triển được bất động sản, khu đô thị.

Tuy nhiên, dự án của Novaland tại Phan Thiết vẫn chưa đáp ứng được điều đó. Doanh nghiệp đã phát triển một loạt bất động sản thuộc phân khúc cao cấp, trong khi số lượng việc làm tại địa phương chưa nhiều”, Thủ tướng nói.

“Có bao nhiêu người mua được nhà ở Phan Thiết?” là câu hỏi Thủ tướng Chính phủ đặt ra không chỉ nói riêng về Novaland mà đây là câu chuyện chung của toàn ngành. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp phải nhìn nhận để sửa đổi về quy hoạch, tạo công ăn việc làm, cơ cấu lại phân khúc để người nghèo, người có thu nhập trung bình sớm có cơ hội mua nhà.

Thủ tướng khẳng định chính quyền không thể buông bỏ các doanh nghiệp vì điều này sẽ kéo theo nhiều thiệt hại cho người lao động, người mua nhà,… Tuy nhiên, nếu việc giải cứu được diễn ra, các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với người dân và xã hội.

Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì ba hội nghị toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản; ban hành nhiều chỉ thị, công điện, kết luận và thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.

Nguyên Ngọc

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.