|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn dốc tiền hưu tặng đồng bào lũ lụt

16:41 | 23/09/2024
Chia sẻ
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người có công trong việc khai thông đường bay thẳng đầu tiên của Việt Nam ra thế giới và là nhà sáng lập IPPG - tập đoàn đa ngành về thời trang, ẩm thực, đầu tư - quản lý sân bay và trung tâm thương mại.

Trong đêm nhạc "Nghĩa tình phương Nam" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM (VTV9) tổ chức để sẻ chia những khó khăn do cơn bão Yagi vừa gây ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) mang tới 1 tỷ đồng tiền mặt, cùng một bức tranh đặc biệt của cá nhân.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Đây không phải là lần đầu tiên ông Johnanthan đóng góp ủng hộ đồng bào trong đợt lũ này. Trước đó ít ngày, ông đã một mình đến VTV9 để gửi tới Quỹ Tấm lòng Việt 1 tỷ đồng ngay sau khi nghe thông tin về bão lũ. Cùng với ông Johnathan, các thành viên trong gia đình IPPG đã đóng góp trong đợt bão lũ này tổng cộng 6 tỷ.

Tuần trước, nhân dịp Tết Trung thu, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cũng xuất hiện ở khoa Ung Bướu (Bệnh viện nhi đồng 2 TP HCM) để trao những món quà từ thiện.

 

"Trong gia đình tôi có cái quỹ để mà về hưu khoảng 10 tỷ. Qua các cuộc đi thăm các em ở bệnh viện, các cuộc đi cứu trợ cứu nạn thì tôi còn một ít. Các con tôi nói, ba lớn rồi, ba giữ tiền làm gì nữa. Ba đóng hết đi. Có gì tụi con lo cho. Hôm nay tôi, xin đóng góp thêm 1 tỷ tiền mặt."

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ tại chương trình tối 22/9

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 ở Nha Trang, nguyên là thanh tra tài chính của hãng Boeing Mỹ trong 10 năm.

Ông vốn được biết tới là người góp phần khai thông đường bay thẳng từ TP HCM - Manila (Philippines) của Hàng không Việt Nam vào năm 1985. Đây cũng là đường bay đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài, đánh dấu thời kỳ Việt Nam bắt đầu mở cửa giao thương quốc tế.

Những năm đầu khởi nghiệp từ năm 1985 - 1988, ông đã thuê máy bay của Vietnam Airlines để chuyên chở hàng hóa.

Năm 1986, ông sáng lập công ty Liên Thái Bình Dương (tiền thân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG), đầu tư hơn 500 triệu USD vào 30 dự án tại Việt Nam như nhà máy sơn, sản xuất dây khóa kéo, xuất khẩu đồ gia dụng, mây tre lá… 

Đến năm 1993, IPPG khai trương hai cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngoài ra tập đoàn còn làm nhiệm vụ tư vấn các sân bay nâng cấp chất lượng dịch vụ hàng không theo chuẩn quốc tế. 

Từ năm 2000, IPPG phát triển việc đưa các sản phẩm cao cấp quốc tế vào Việt Nam để đón đầu xu thế tiêu dùng. Đến nay, công ty đã phát triển hơn 300 điểm bán trên toàn quốc. 

 Cơ cấu cổ đông cập nhật mới nhất của IPPG. (Nguồn: MH tổng hợp từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

Ông cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPPG) mở rộng bán lẻ thời trang cao cấp, thành lập công ty DAFC phân phối hàng chục thương hiệu thời trang.

Từ đó, IPPG phát triển phân khúc thời trang trung cấp thông qua công ty ACFC phân phối độc quyền hơn chục thương hiệu như Nike, CK, Levis… Đây cũng là mảng đã mang tới cho ông Johnathan Hạnh Nguyễn với danh xưng "vua hàng hiệu". Trên website, doanh nghiệp này giới thiệu đang chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước.  

Từ năm 2010, IPPG tiếp tục lấn sân sang kinh doanh đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Domino's Pizza, Burger King, Dunkin’ Donuts, Popeyes đẩy mạnh phát triển chuỗi khắp các tỉnh, thành.

Để đáp ứng chuỗi sản xuất, vận chuyển và cung ứng khép kín bảo đồng bộ chất lượng cho chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, ông Johnathan thành lập công ty Dịch vụ Phân phối Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương.

Tiếp đó, IPPG mua lại khu mua sắm Rex Arcarde tại trung tâm TP HCM với số tiền khoảng 25 triệu USD. IPPG cũng thuê trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza), đầu tư 45 triệu USD nâng cấp thành một trong những khu mua sắm hàng hiệu xa xỉ nhất Hà Nội. 

Đến tháng 9/2018, IPPG tiếp tục thêm mảng bán lẻ công nghệ khi khai trương cửa hàng eDiGi chuẩn Apple đầu tiên của Việt Nam. 

Ngoài ra, ông Hạnh đang là Chủ tịch tại Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Trong khi đó, IPPG là cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ 24,98% vốn Sasco - đơn vị sở hữu hệ thống cửa hàng miễn thuế và dịch vụ bán lẻ phi hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo quản trị, tại ngày cuối tháng 6/2024, cá nhân ông Johnathan, người nhà và công ty có liên quan đang nắm giữ 47,65% vốn tại Sasco, chỉ xếp sau cổ đông lớn nhất Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là 49,08%.

 Kết quả kinh doanh của IPPG. (Nguồn: MH tổng hợp từ HNX).

Theo số liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2023, IPPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 143 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 3,62%, cải thiện so với năm 2022 là 2,97% và 2021 là 1,81%. Trước đó tập đoàn cho biết đã lãi gần 67 tỷ đồng trong năm 2021. 

Minh Hằng

Chưa đi hết 3/4 chặng đường, nhiều doanh nghiệp xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm
Hơn ba tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2024, nhiều doanh nghiệp đang bứt tốc để "về đích" với kế hoạch năm đã đặt ra. Một số đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực rế.