|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa ngành BĐS sụt hơn 37.000 tỷ trong phiên thanh khoản kỷ lục, vẫn chiếm 21% toàn thị trường

09:08 | 04/11/2021
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn trong phiên 3/11 nhưng hầu hết đều là các mã vốn hóa vừa và nhỏ, cộng thêm nhóm ngân hàng đi lên trên diện rộng nên VN-Index chỉ giảm hơn 8 điểm.
Vốn hóa ngành BĐS sụt hơn 37.000 tỷ trong phiên thanh khoản kỷ lục, vẫn chiếm 21% toàn thị trường - Ảnh 1.

Một khu đô thị tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Thị trường chứng khoán ngày 3/11 ghi nhận thanh khoản 52.000 tỷ đồng, tăng 43% so với phiên trước và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Nhiều cổ phiếu bất đồng sản - xây dựng đồng loạt giảm sàn như NLG, NBB, VGC, TDH, KHG, HBC, HQC, ... Trong rổ bluechip VN30 không có mã nào nằm sàn nhưng cổ phiếu VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes giảm lần lượt 0,52% và 2,47%, KDH của Nhà Khang Điền và NVL của Novaland mất tương ứng 6,35% và 2,68%.

Mặc dù vậy, vẫn có một số cổ phiếu bất động sản giữ được sắc xanh như VRE tăng 2,8%, VRG và NRC thêm tương ứng 3,8% và 4,5%, ...

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam sụt xấp xỉ 97.000 tỷ đồng trong ngày 3/11, riêng nhóm cổ phiếu bất động sản mất hơn 37.000 tỷ.

Hiện nay, các cổ phiếu bất động sản niêm yết tại sàn HOSE, HNX và đăng ký giao dịch ở thị trường UPCoM có tổng giá trị khoảng 1,56 triệu tỷ đồng, chiếm 21% toàn thị trường. Tỷ lệ này tương đương với giai đoạn đầu tháng 6, 7, 8, 9 năm nay.

Vốn hóa ngành BĐS sụt hơn 37.000 tỷ trong phiên thanh khoản kỷ lục, vẫn chiếm 21% toàn thị trường - Ảnh 2.

Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm sàn HOSE, HNX và UPCoM) lúc kết phiên 3/11 là gần 7,45 triệu tỷ đồng.

Trái ngược với nhóm bất động sản, cổ phiếu ngân hàng lại giao dịch khởi sắc trong phiên 3/11. Vốn hóa của 27 nhà băng trên thị trường chứng khoán tăng tổng cộng 47.840 tỷ đồng. 

Tỷ trọng của các ngân hàng so với quy mô toàn thị trường tăng đáng kể, từ 23,6% trong phiên 2/11 lên 24,5% vào ngày hôm sau, tương ứng giá trị vốn hóa gần 1,83 triệu tỷ đồng. Vào thời hoàng kim hồi đầu tháng 6, tổng giá trị cổ phiếu ngành ngân hàng lên tới trên 1,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 29% toàn thị trường.

Theo thống kê của Algo Platform, trong số 15 mã cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index trong phiên 3/11 có đến 13 mã ngân hàng, hai cổ phiếu còn lại là SAB của Sabeco và VRE của Vincom Retail.

Vốn hóa ngành BĐS sụt hơn 37.000 tỷ trong phiên thanh khoản kỷ lục, vẫn chiếm 21% toàn thị trường - Ảnh 3.

TCB giúp VN-Index có thêm 0,13% trong khi VHM làm chỉ số mất 0,16%.

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản nằm trong top ảnh hưởng tiêu cực tới VN-Index như VHM, NVL, KBC, DIG, ...

Trước khi giảm sàn vào buổi chiều, một số cổ phiếu đã tăng trần trong phiên sáng, biên độ biến động trong một ngày là rất lớn nên những nhà đầu tư "đu giá tím" đều lỗ nặng. 

Ví dụ cụ thể, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) tăng trần lên 62.200 đồng/cp rồi đóng cửa ở giá sàn 54.200 đồng/cp, nhà đầu tư có thể mất tới 12,9% trong một phiên.

Tương tự, cổ phiếu L14 của Công ty cổ phần Licogi 14 tăng trần lên 264.700 đồng/cp rồi kết phiên giá sàn 216.700 đồng/cp, biến động lên tới hơn 18% (tương đương 48.000 đồng/cp). Nhà đầu tư nào mua lô tối thiểu 100 cổ phiếu L14 giá trần thì đến cuối phiên sẽ lỗ ngay 4,8 triệu đồng.

Tuy giảm sâu trong phiên 3/11 nhưng giá các cổ phiếu bất động sản - xây dựng vẫn cao hơn rất nhiều so với một tháng trước. L14 tăng 141% trong một tháng qua, DIG tăng 78%, NBB tăng 79%, IDJ tăng 74%, ...

Song Ngọc