|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines giảm lỗ nhờ thoái vốn Cambodia Angkor Air, thu 34 triệu USD

14:07 | 30/05/2022
Chia sẻ
Nếu không có khoản thu từ thoái vốn Cambodia Angkor Air (K6), hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết vì âm vốn chủ sở hữu và lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang chụp hình cùng nhân viên Cambodia Angkor Air năm 2019 tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập hãng hàng không quốc gia Campuchia. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Ngày 3/1 và 29/3 năm nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã nhận các khoản tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của Vietnam Airlines tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6). Trước đó vào năm 2019, Vietnam Airlines đã nhận khoản đặt cọc trị giá 1 triệu USD.

Tổng cộng, Vietnam Airlines đã thoái 35% vốn tại Cambodia Angkor Air và nhận về 35 triệu USD, tương đương hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nhận trong những tháng đầu năm 2022 là 34 triệu USD, ứng với gần 775 tỷ đồng.

Cambodia Angkor Air là hãng hàng không quốc gia của Campuchia, do Vietnam Airlines góp 49% vốn. Vì vậy, Cambodia Angkor Air là công ty liên kết của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Vietnam Airlines ghi nhận khoản đầu tư vào Cambodia Angkor Air tại ngày đầu năm có giá trị theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 412 tỷ đồng, giá gốc là 868,5 tỷ đồng.

Đến ngày cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã thoái bớt 35% vốn và Cambodia Angkor Air không còn là công ty liên kết nên 14% cổ phần còn lại được Vietnam Airlines chuyển sang khoản mục “Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” với giá gốc còn lại 248 tỷ đồng.

Ghi nhận doanh thu trước khi tiền về

Tại ngày 31/12/2021, Vietnam Airlines ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn tiền chuyển nhượng phần vốn góp tại Cambodia Angkor Air trị giá 774,52 tỷ đồng. Như đã nói ở trên, đến tháng 1 và tháng 3/2022, Vietnam Airlines mới nhận được toàn bộ số tiền từ thương vụ này.

Mặc dù sang năm 2022 mới nhận được tiền nhưng do quyền sở hữu cổ phần đã được chuyển giao từ năm 2021 nên theo các chuẩn mực kế toán, Vietnam Airlines đã có thể ghi nhận doanh thu và khoản phải thu trên báo cáo tài chính của năm 2021.

Cụ thể, khoản mục lãi chuyển nhượng vốn góp trong năm ngoái là 648 tỷ đồng, trong khi năm 2020 khoản mục này bằng 0. Biểu đồ dưới đây cho thấy tổng doanh thu tài chính năm 2021 của Vietnam Airlines tăng 675 tỷ đồng so với năm trước và là mức cao nhất từ năm 2016.

Doanh thu tài chính của Vietnam Airlines năm 2021 lên cao đột biến nhờ thương vụ thoái vốn K6.

Khoản thu nhập đột biến từ thoái vốn công ty liên kết K6 đã giúp Vietnam Airlines giảm thua lỗ trong năm 2021, giữ cho lỗ lũy kế tại ngày cuối năm thấp hơn vốn điều lệ, và vốn chủ sở hữu vẫn lớn hơn 0.

Cụ thể, lỗ lũy kế vào ngày 31/12/2021 là 21.961 tỷ đồng, chỉ kém 183 tỷ đồng so với vốn điều lệ (22.144 tỷ). Vốn chủ sở hữu dương 524 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại ngày cuối quý I/2022 là số âm nhưng tại ngày cuối năm 2021 theo báo cáo đã kiểm toán vẫn là số dương, nhờ vậy mà tránh được nguy cơ hủy niêm yết.

Theo quy định tại Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Nếu không có khoản thu 774,52 tỷ đồng từ việc thoái vốn Cambodia Angkor Air, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có nguy cơ cao bị hủy niêm yết vì âm vốn chủ sở hữu và lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines coi việc thanh lý các khoản đầu tư cùng với thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay là những hoạt động quan trọng giúp bổ sung nguồn thu cho hoạt động kinh doanh chính.

Trong năm 2021, Tổng Công ty đã ký thỏa thuận bán hai tàu bay phản lực trong kế hoạch thanh lý 11 chiếc và đã thu được một phần giá trị hợp đồng. Vietnam Airlines sẽ thực hiện kế hoạch bán 9 tàu bay còn lại trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, Tổng công ty đã thông qua chủ trương bán 6 tàu bay cánh quạt ATR72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực.

Vietnam Airlines đã thỏa thuận với các đối tác để hủy (không nhận) 4 tàu bay thân rộng Boeing 787-10 và Airbus A320 NEO. Ngoài ra, 5 tàu bay Boeing 787-10 và A320 NEO còn lại đã được gia hạn nhận tới cuối năm 2022 và 2023 thay vì nhận trong năm 2020 và 2021 theo thỏa thuận ban đầu.

Vietnam Airlines đã trải qua 9 quý thua lỗ liên tiếp. Nếu không có doanh thu bất thường từ thương vụ thoái vốn K6, số lỗ năm 2021 có thể còn cao hơn nhiều.

Mối quan hệ Vietnam Airlines - Cambodia Angkor Air 

Cambodia Angkor Air được thành lập vào tháng 7/2009 dưới sự hợp tác của Vietnam Airlines và Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Hợp đồng liên doanh được ký kết ngày 26/7/2009 giữa Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khi đó là ông Phạm Ngọc Minh và Phó Thủ tướng Campuchia Sok An, với sự chứng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Vĩnh Trọng.

Theo hợp đồng liên doanh, Vietnam Airlines góp 49% vốn trong Cambodia Angkor Air. Đây là lần đầu tiên Campuchia có một hãng hàng không quốc gia kể từ khi Royal Air Cambodge giải thể năm 2001.  

Thành viên HĐQT Vietnam Airlines Tạ Mạnh Hùng đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Cambodia Angkor Air. (Ảnh: Song Ngọc).

Năm 2021, cũng như các hãng hàng không trong khu vực và thế giới, hoạt động kinh doanh của  Cambodia Angkor Air tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Để giảm thiểu thiệt hại, K6 đã phải tái cơ cấu, giảm quy mô hoạt động, chỉ duy trì khai thác một số đường bay chính với tần suất tối thiểu, cắt giảm chi phí, đàm phán giãn hoãn thanh toán, tăng cường khai thác bay thuê chuyến (charter), bay chở hàng, .... Kết quả năm 2021, Cambodia Angkor Air lỗ 17,7 triệu USD. 

Trong năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cho Cambodia Angkor Air trị giá gần 166 tỷ đồng. Tại ngày cuối năm ngoái, Vietnam Airlines đang có khoản phải thu 259 tỷ đồng và phải trả 214 tỷ đồng với hãng hàng không quốc gia Campuchia.

Kết phiên hôm nay 30/5, giá cổ phiếu HVN bật tăng 3% lên 19.150 đồng/cp, vốn hóa đạt 42.400 tỷ đồng.

 

Đức Quyền - Song Ngọc