Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang ứng phó như nào trước đợt sóng COVID-19 mới?
Theo thống kê của Worldometers, tính đến thời điểm ngày 31/5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 171 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 3.5 triệu người tử vong. Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước Đông Nam Á vẫn diễn biến vô cùng phức tạp với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.
Điển hình như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia với số ca nhiễm trong ngày trung bình từ 4.000 đến hơn 7.000 ca.
Chỉ trong vòng 4 tháng qua, Malaysia đã phát hiện hơn 1.000 ổ dịch COVID-19, cùng với đó là 129.000 ca mắc mới. Số ca mắc hằng ngày tại đây luôn dao động ở mức hơn 7.000 ca mỗi ngày. Vào ngày 29/5 vừa qua, lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại Malaysia vượt ngưỡng với 9.020 ca nhiễm với 98 ca tử vong.
Với tốc độ tăng nhanh của dịch bệnh, tổng số ca nhiễm COVID-19 của Malaysia đã tăng lên hơn 565.000 trường hợp Malaysia “lọt vào danh sách” những quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao so với số dân hàng đầu thế giới. Theo Our World in Data, trung bình 7 ngày, cứ 1 triệu người Malaysia thì có 205,1 trường hợp mắc bệnh, trong khi Ấn Độ con số này là 150,4 người.
Hiện Malaysia đang thực hiện Lệnh hạn chế di chuyển và tiến hành thắt chặt các quy định phòng chống dịch từ ngày 25/5 - 7/6. Sau đó sẽ nâng cấp thành phong tỏa toàn diện giai đoạn một từ ngày 1/6 đến ngày 14/6. Nếu số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu giảm, Malaysia sẽ bước sang giai đoạn hai trong 4 tuần với việc tái mở cửa đối với một số hoạt động kinh tế và vẫn yêu cầu không tụ tập đông người, duy trì giãn cách xã hội.
Tại Philippines, làn sóng lây nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca mắc mới trong ngày của nước này hiện đang tăng lên nhanh chóng. Đồng thời số ca tử vong đứng thứ hai trong khu vực. Trong ngày 28/5, đất nước này đạt mốc 8.724 ca mắc mới và 187 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu tháng 5/2021. Theo đó, tính đến nay, tổng cộng số ca COVID-19 tại đây đã nâng lên hơn 1.2 triệu ca, số ca tử vong tăng lên 20.860 người.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kéo dài một số biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận cho đến giữa tháng 6 nhằm kiểm soát dịch bệnh. Các cuộc tụ tập tôn giáo vẫn được tiến hành ở mức 30% sức chứa của địa điểm tổ chức, các nhà hàng hoạt động ở mức 20% công suất ở vùng đô thị Manila và các tỉnh lân cận. Các hoạt động đi lại không cần thiết vẫn sẽ tiếp tục bị cấm.
Bên cạnh đó, Tổng thống nước này cũng gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ (hoặc đã từng đến những nơi này trong 14 ngày qua) Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Oman, Nepal và UAE cho đến ngày 15/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Ấn Độ.
Indonesia cũng là một trong những quốc gia Đông Nam Á "điêu đứng" vì số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh. Dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ tăng đột biết sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr và đạt đỉnh vào giữa tháng 6 tới. Hiện Indonesia đang là quốc gia có số trường hợp tử vong cao nhất Đông Nam Á khoảng trên 50.400 trường hợp trong tổng số hơn 1.8 triệu ca mắc COVID-19.
Ngày 31/5, Bộ Y tế Indonesia cho biết công dân Indonesia và công dân nước ngoài đến từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines sau khi nhập cảnh vào nước này phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc tại các khách sạn được chỉ định. Hiện, Chính phủ Indonesia cũng đang tiến hành đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 bằng các chương trình tiêm chủng của chính phủ và tiêm chủng hợp tác với khu vực tư nhân.
Vào ngày 17/5, Thái Lan ghi nhận số ca mắc kỷ lục lên tới 9.635 ca nhiễm, trong đó có 6.853 ca ghi nhận tại các nhà tù. Ngày 27/5, đất nước này đã ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất từ đầu dịch với 47 người. Trước tình hình hiện tại, hệ thống y tế Thái Lan đang phải đứng trước nguy cơ quá tải do số ca mắc mới liên tục. Sau nhà tù, một loạt chuỗi lây nhiễm COVID-19 mới đã xuất hiện trong các KCN, nhà máy. Điều này đã gây ra ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh và nền kinh tế Thái Lan nói chung.
Theo thống kê tới ngày 31/5, Thái Lan có tổng cộng 159.792 trường hợp, trong đó có 1.031 bệnh nhân tử vong. Hiện tại, Bộ Y tế Thái Lan đang tiến hành ưu tiên phân phối vắc xin cho thủ đô Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng tới nhằm đạt mục tiêu chủng ngừa cho ít nhất 70% dân số vào tháng 7.
Các quan chức y tế tại Thái Lan đang ưu tiên phân phối vắc xin ngừa COVID-10 ở Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 6. Mục tiêu nhằm đạt mức tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân vào tháng 7. Đối với các tỉnh khác, việc phân bổ vắc xin sẽ dựa vào mức độ lây nhiễm của từng khu vực.
Ngày 31/5, Campuchia ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 30.000 người, cụ thể là 30.094 ca mắc, sau khi Bộ Y tế nước này công bố 690 ca nhiễm mới. Tổng số người tử vong do COVID-19 tại Campuchia tăng lên 214 ca. Mặc dù nước này đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng số ca nhiễm vẫn có xu hướng đi lên. Nghiêm trọng nhất là việc xuất hiện các ổ dịch tại các nhà máy, khu công nghiệp và nhà giam.
Trước tình hình lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng ngày càng gia tăng, ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, tỉnh Kandal và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu của Campuchia là đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay hoặc trong đầu năm 2022.
Trong khi đó thì Lào có ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca mắc ở mức rất thấp kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai bùng phát dữ dội tại nước này vào cuối tháng 4/2021. Trong ngày 29/5 và 30/5, số ca mắc mới ở đất nước này chỉ dừng lại ở ba ca, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 cả nước lên 1.911 ca nhiễm và chỉ có ba trường hợp tử vong.
Hiện Singapore đang là quốc gia Đông Nam Á đạt nhiều thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Quốc đảo sư tử cũng dẫn đầu khu vực về tốc độ tiêm chủng với 36% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi. Quốc gia này có tỷ lệ tiêm chủng tương đương với một số quốc gia phương Tây. Tính đến ngày 31/5, Singapore có tổng cộng 62.051 ca nhiễm, trong đó đã có 61.434 ca bệnh đã chữa khỏi và 33 trường hợp tử vong.
Với tốc độ tiêm chủng vắc xin nhanh chóng, hiện đã có một phần ba dân số tại Singapore đã được tiêm chủng COVID-19 ít nhất một liều. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết: “Nếu tình hình của chúng ta tiếp tục được cải thiện và số lượng ca nhiễm ngoài cộng đồng giảm hơn nữa, chúng ta có thể nới lỏng các hạn chế sau ngày 13/6”.
Singapore quyết định không chỉ tập trung vào dập dịch hay tung ra gói cứu trợ kinh tế mà còn tính đến tình huống lâu dài là phải sống chung với COVID-19. Chính phủ Singapore nhận định, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường và có khả năng tồn tại mãi như nhiều loại bệnh khác, Theo kịch bản này, Singapore sẽ tiến hành tăng cường tiêm mũi vắc xin bổ sung cho người dân, đồng thời nghiên cứu các phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn.
Khác với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đối mặt làn sóng COVID-19 mới muộn hơn khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu hôm 27/4. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 4.400 ca lây nhiễm ở 30 tỉnh thành. Vào ngày 25/5, số lượng ca nhiễm trong ngày đạt kỷ lục trong 4 đợt dịch - với 444 trường hợp.
Đợt dịch thứ 4 được đánh giá là nguy hiểm nhất và phức tạp do đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng. Những ngày gần đây, khi dịch bệnh tại khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội có tín hiệu dịu lại thì dịch tại TP HCM lại diễn biến phức tạp khi liên tiếp ghi nhận ca mắc mới liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
Để ứng phó với làn sóng COVID-19, ngoài thực hiện chiến lược "phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả", Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh tiến trình đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin để có vắc xin cho người dân sớm nhất, phấn đấu tới cuối năm 2021 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Trong buổi họp hôm qua 31/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 là rất khả thi".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/