Việt Nam chi khoảng 0,5% GDP cho R&D, các nước khác thế nào và bài học rút ra là gì?

(Ảnh minh họa: Bloomberg).
Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù gỡ vướng cho hoạt động khoa học công nghệ sáng ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam chỉ đạt 0,5% GDP, bằng một phần tư so với mục tiêu 2%.
Số liệu trên cho thấy Việt Nam đang chi tiêu quá ít cho R&D. Theo tính toán gần đây nhất của World Bank vào năm 2021, mức chi cho R&D của thế giới năm 2021 là 2,62% GDP, tức gấp hơn 5 lần Việt Nam.
Vai trò của R&D
Đối với doanh nghiệp, R&D giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ thị trường. Nếu không có chương trình R&D, doanh nghiệp có nguy cơ trở nên lạc hậu và không thể sống sót, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Ví dụ, việc Google chậm chân trong cuộc đua phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm dấy lên lo ngại rằng gã khổng lồ Mỹ có nguy cơ chìm xuồng như tàu Titanic, theo một bài viết hồi cuối năm 2024 trên tờ Wall Street Journal.
Đối với các quốc gia, R&D đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP trong dài hạn. Những quốc gia duy trì chi tiêu đáng kể cho R&D có khả năng phát triển các công nghệ tiên tiến, hình thành những ngành tạo ra giá trị cao, với hai ví dụ điển hình là Hàn Quốc và "quốc gia khởi nghiệp" Israel.

Các nền kinh tế phát triển có xu hướng đầu tư lớn cho R&D xét theo tỷ trọng so với GDP. Ví dụ, chi tiêu cho R&D của Hàn Quốc từ năm 2009 luôn trên 3% GDP và từ năm 2016 thì vượt lên 4% GDP. Mỹ, Đức và Nhật Bản cũng thường xuyên chi cho R&D nhiều hơn mức trung bình của thế giới.
Hai nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng có xu hướng chi tiêu nhiều cho R&D hơn Việt Nam. Chi tiêu của hai quốc gia này cho R&D lần lượt đạt 2,4% GDP và 0,6% GDP cho năm 2020.
Bài học từ các nước
Câu chuyện thành công của Hàn Quốc
Đầu tư vào R&D có thể giúp thay đổi vận mệnh của một quốc gia. Khi nói đến vấn đề này, Hàn Quốc thường được nêu ra làm tấm gương.
Trong thập niên 1960, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc cũng chỉ tương tự như những quốc gia nghèo ở châu Á và châu Phi. Nhưng ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới, với GDP bình quân đầu người đạt 33.121 USD vào năm 2023.
Tạp chí Nature nhận định Tổng thống Park Chung-hee là người có công trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế thần tốc của Hàn Quốc. Năm 1962, ông vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực R&D.
Các chính sách của chính quyền ông Park đã giúp tạo ra những tập đoàn công nghiệp lớn với tên gọi chung là chaebol. Dưới sự hối thúc của chính phủ, các chaebol cũng đầu tư hào phóng cho R&D để phát triển những ngành công nghiệp mới, bao gồm hóa dầu, sản xuất ô tô và đóng tàu.
Samsung là trường hợp điển hình. Từ khởi đầu khiêm tốn là một công ty xuất khẩu hàng tạp hóa như mì khô và rau quả, Samsung đã vươn mình trở thành chaebol lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong những lĩnh vực đa dạng như kinh doanh bảo hiểm, sản xuất đồ điện tử và chế tạo chip.
Những người kế nhiệm của ông Park tiếp tục thúc đẩy đổi mới làm động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong nhiều năm liền, Hàn Quốc luôn là quốc gia đầu tư nhiều nguồn lực nhất cho hoạt động R&D trong số các nước phát triển.
Từ năm 1996 đến 2021, cường độ R&D của Hàn Quốc tăng 122% (từ 2,22% GDP năm 1996 lên 4,93% năm 2021). Để so sánh thì trong khoảng thời gian đó, cường độ R&D của Mỹ chỉ đi lên 41%.
Nỗ lực kiên định của Trung Quốc
Khi xét theo tỷ lệ tương đối với GDP, đầu tư cho R&D của Trung Quốc kém xa Hàn Quốc. Nhưng do GDP hàng năm của nước hàng xóm Việt Nam lên đến gần 18.000 tỷ USD, thực chất số tiền Trung Quốc chi cho R&D rất lớn, lên đến 433 tỷ USD vào năm 2021. Quốc gia duy nhất chi nhiều tiền hơn là Mỹ.
Giống Hàn Quốc, chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong hoạt động R&D. Tại kỳ họp chính trị tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo việc chuyển đổi trọng tâm của chính phủ từ tăng trưởng tốc độ cao sang chất lượng cao. Ông cảnh báo nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ hoặc thụt lùi nếu không thay đổi.
Trong vài năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc phải chịu áp lực từ một loạt thách thức, nổi bật nhất là khủng hoảng bất động sản. Dẫu vậy, Bắc Kinh vẫn từ chối tung ra gói kích thích quy mô lớn mà tập trung chuyển hướng nguồn lực vào việc phát triển các ngành công nghệ cao.
GDP liên quan tới các ngành công nghệ cao của Trung Quốc - bao gồm R&D, dược phẩm, thiết bị tiên tiến, IT và truyền thông - trung bình tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2018 - 2023, nhanh hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa toàn quốc là 7%, theo tính toán của Bloomberg Economics. Và trong 4 ngành công nghệ cao đó, R&D có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Bloomberg Economics dự báo các lĩnh vực công nghệ cao sẽ chiếm 19% GDP Trung Quốc vào năm 2026. Nếu gộp công nghệ cao với “ba lực lượng tăng trưởng mới” của Bắc Kinh – xe điện, pin và tấm pin mặt trời – tỷ trọng của nhóm này trong GDP sẽ tăng thành 23% vào năm 2026, đủ để bù đắp khoảng trống từ lĩnh vực bất động sản.
Nếu dự đoán thành thật sự thật thì điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ thành công trong nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế, chấm dứt sự phụ thuộc vào nhà đất.
Ngay hiện tại cũng đã có một số dấu hiệu cho thấy hiệu quả của chiến lược trên. Ô tô do Trung Quốc sản xuất đang lăn bánh trên toàn thế giới. Các tiến bộ về AI của Trung Quốc khiến cả thế giới ngỡ ngàng.
Hãng xe điện BYD là đối thủ đáng gờm nhất của Tesla. DeepSeek tuyên bố họ chỉ tốn 6 triệu USD để xây dựng mô hình AI - ít hơn nhiều các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của OpenAI và các hãng công nghệ Big Tech của Mỹ.
Nhờ vào sự tập trung kiên định của chính phủ cho đổi mới, Trung Quốc có tiềm năng đạt được thành công vượt trội hơn cả Hàn Quốc. Bà Yan Kun, Phó Giám đốc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc sẽ dao động trong khoảng 4 - 6%. Để so sánh, tốc độ tăng trưởng trung bình của Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay là 3,75%.