|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao loạt ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu?

16:04 | 26/08/2024
Chia sẻ
Các ngân hàng thương mại áp đảo thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp với giá trị đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ và chiếm tới 72% tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm.

Trong tháng 8, ngân hàng tiếp tục là chủ thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lớn nhất trên thị trường. Số liệu cập nhật từ Chứng khoán MB (MBS) cho biết từ ngày 1 đến ngày 20/8, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công khoảng hơn 32.000 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, các ngân hàng chiếm hơn 90%.

Các đợt phát hành đáng chú ý có Agribank đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,7%; OCB (5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng, lãi suất 5,6%) và MBBank (4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,5%).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành trên thị trường đạt hơn 220.800 tỷ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 159.200 tỷ, tăng 163% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4,3 năm.

Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (23.800 tỷ đồng), MBBank (23.300 tỷ đồng), Techcombank (17.000 tỷ đồng).

Các chuyên gia phân tích cho rằng hoạt động mua lại trái phiếu sắp đáo hạn và phát hành mới của ngân hàng nhằm nhằm bổ sung vốn cấp 2, củng cố nguồn vốn trung và dài hạn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch CTCP FiinGroup, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng (15 - 16%) trong năm 2024, các ngân hàng cần đảm bảo có đủ vốn. Do đó, khối ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay để tăng vốn cấp 2.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023, phục hồi trở lại sau khi sụt giảm vào cuối tháng 7.

Tín dụng được dự báo sẽ tăng tốc trong nhưng tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ và sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% trong năm nhưng tương đối thách thức, theo MBS.

Nguồn: FiinRatings

Bên cạnh đó, trái phiếu phát hành mới vẫn tập trung ở các kỳ hạn 3 năm đối với các ngân hàng tư nhân và trên 5 năm với đa phần là các ngân hàng quốc doanh, để củng cố nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng khi chưa tăng được vốn điều lệ.

Đồng thời, nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tới 90% giá trị trong tháng 7 và 44% trong tháng 8 (tính tới 20/8). Lượng mua lại trái phiếu tháng 8 đã giảm 93% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 110.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ.

Nguồn: VIS Rating

Trái phiếu ngân hàng được đánh giá là an toàn hơn so với các ngành nghề khác, với lãi suất dài hạn 3 - 5 năm ổn định ở mức 5 - 6%. Đồng thời, trái phiếu ngân hàng cũng thu hút đầu tư dài hạn nhờ lãi suất cạnh tranh và thanh khoản cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp. 

Nhiều ngân hàng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành trái phiếu từ nay tới cuối năm, có thể kể đến như BIDV là 4.000 tỷ đồng, SHB với 5.000 tỷ đồng, LPBank với khoảng 6.000 tỷ đồng, ngân hàng Vietinbank 8.000 tỷ đồng và ACB khoảng 15.000 tỷ đồng. 

Dự báo của VIS Rating cho thấy trong 1-3 năm tới, khối ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, đảm bảo nguồn vốn ổn định và đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.

Minh Nguyệt