Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua, thu nhập thấp chưa từng thấy
Ngày 12/10, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021.
Theo đó, đại dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, trong quý III, số người thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,8 triệu người, tăng 700.000 người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý III là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý III vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý III là 8,89%, tăng 1,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,75 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 12,71%, cao hơn 5,56 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Ngoài ra, cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý III thấp hơn đáng kể so với quý II năm 2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II năm 2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trong đó, lao động tại vùng Đông Nam Bộ bị sụt giảm thu nhập nhiều nhất. So với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, biến thể Delta đã cuốn đi khoảng một phần tư mức thu nhập bình quân tháng của người lao động vùng này.
Thu nhập bình quân của lao động vùng này trong quý III là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (giảm tương ứng 29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (giảm tương ứng 24,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP HCM còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng (giảm tương ứng 31,0%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (giảm tương ứng 30,3%) so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP HCM chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.