Khoảng 180.000 người hồi hương, lời giải nào cho bài toán lao động của các doanh nghiệp phía Nam?
Chưa xong với COVID, doanh nghiệp lại đứng trước bài toán khó về lao động
Các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất các tỉnh thành phía Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng khi làn sóng người lao động rời các nơi về quê chưa có dấu hiệu dừng lại kể từ sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách.
Hiện chỉ còn 46% lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp, tương đương 135.000 người còn ở lại làm việc (trước đó có khoảng 288.000 lao động), ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban phòng chống dịch COVID-19 TP HCM, cho biết tại buổi họp báo chiều 4/10.
Tại Bình Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo tỉnh có thể thiếu hụt tới 40.000 - 50.000 lao động trong khi trên 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại.
Một trung tâm KCN khác là Đồng Nai, lượng nhân công không có việc làm cũng chiếm tỷ trọng cao. Hiện tại chỉ còn 1/5 tức là hơn 134.000 người lao động đang làm việc theo phương án "3 tại chỗ". Còn lại có 500.000 lao động đang tạm nghỉ chờ việc tại các địa phương trong tỉnh hoặc đã trở về các tỉnh, thành khác.
Chia sẻ tại đối thoại về phục hồi ngành dệt may - da giày mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cùng đời sống khó khăn khi không đi làm đã khiến hàng triệu lao động ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, các tỉnh phía Nam... đã về quê.
Ngành dệt may, da giày một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung cầu bên ngoài mà do khan hiếm lao động.
Đây là hai ngành dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% lao động toàn ngành chế biến chế tạo. Da dày cũng sử dụng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%.
Thực tế, bài toán lao động không chỉ là vấn đề lớn đối với ngành dệt may, da giày. Khi làn sóng lao động hồi hương vẫn chưa dừng lại, đây là vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều ngành sản xuất khác.
Theo thống kê từ ngày 1/10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người đã trở về địa phương.
Nỗi lo của người lao động và lời giải cho bài toán khó
Trao đổi với người viết, Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc hàng nghìn người từ các tỉnh thành phía Nam như TP HCM, Bình Dương,... rời bỏ thành phố để về quê là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử cận đại của đất nước. Có hai lý do chính khiến người dân về quê bất chấp khó khăn.
Thứ nhất, chính là nỗi lo sợ về mặt tâm lý của người lao động. Họ lo sợ cho tương lai của chính mình khi ở lại thành phố, bởi sau nhiều tháng giãn cách xã hội, có người được hưởng trợ cấp nhưng cũng có nhiều người không được tiếp cận các gói hỗ trợ vì vậy đời sống vô cùng khó khăn.
"Đây cũng là lý do khiến nhiều người mất đi sự tin tưởng và quê nhà trở thành nơi nương tựa duy nhất mà họ có được", ông Hiếu nói.
Thứ hai, mặc dù tình hình kinh tế đã phần nào được mở cửa nhưng người lao động lại không nhận được một cam kết nào về việc được phục hồi việc làm cũng như ổn định đời sống. Chính bởi những nỗi lo về mặt tâm lý và kinh tế đã khiến nhiều người vội vàng "bỏ phố về quê"'.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để giải quyết vấn động lao động cho TP HCM cũng như một số tỉnh thành phía Nam trong thời điểm hiện tại, cả doanh nghiệp và nhà nước đều cần đảm bảo những chính sách, giải pháp để ổn định đời sống, công việc cho người lao động.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phải có cam kết với người lao động về tiền lương, công việc như đảm bảo ít nhất 6 tháng tiền lương, không kể đến vấn đề doanh nghiệp lên xuống hay có đơn đặt hàng, sản xuất kinh doanh hay không.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo nơi ăn chốn ở cũng như về mặt y tế khi người lao động không may bị nhiễm COVID-19.
Về phía Nhà nước, cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng người người lao động từ vấn đề y tế đến chế độ BHXH, hỗ trợ thất nghiệp,...
Theo ông, nếu doanh nghiệp và chính phủ có những cam kết rõ ràng, minh bạch và quan trọng là phải thực hiện thì mới mong có cơ hội đón người lao động quay trở lại. Nếu không những người đã về quê vẫn sẽ e ngại, lo sợ và có lẽ vấn đề đón người lao động từ quê trở lại thành phố sẽ rất khó khăn.
Cần đưa người lao động quay lại càng sớm càng tốt
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong thời gian qua đã có những doanh nghiệp thực hiện tốt trong vấn đề duy trì sản xuất, vì vậy bây giờ họ có thể tiếp tục sản xuất một cách dễ dàng.
Song đối với những doanh nghiệp khác, họ cần có những chính sách, trợ cấp cụ thể từ vấn đề vận chuyển người lao động ra sao tới những cam kết trong việc hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở và sự đảm bảo về công việc.
"Tất cả những biện pháp này, doanh nghiệp cùng chính quyền các địa phương cần phải có sự phối hợp, hợp tác để có thể tiếp cận người lao động và đưa người lao động quay trở lại càng sớm càng tốt", ông Doanh cho hay.
Theo ông, phần lớn người lao động chắc chắn muốn quay lại để có công việc, có thu nhập. Về phía địa phương, doanh nghiệp hoạt động cũng là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, toàn thể hệ thống chính quyền, người lao động và doanh nghiệp cần phải hợp tác để thực hiện điều đó.
Nếu không có cam kết cụ thể, giữa năm 2022 lao động mới có thể phục hồi
Dự báo về thời gian khôi phục lực lượng lao động, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời điểm phục hồi lao động sẽ phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp và chính phủ. Nếu cả hai có những cam kết hỗ trợ người lao động, đặc biệt về vấn đề tiền lương và phúc lợi xã hội thì có thể trong cuối tháng 10 hoặc chậm nhất là cuối năm nay sẽ phục hồi.
Song, ông cũng nhấn mạnh, nếu không có những cam kết ấy thì vấn đề phục hồi lao động sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trong nước và có lẽ sớm nhất sẽ là giữa năm 2022 mới có thể khôi phục lại.
Nói về thời điểm phục hồi kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định điều này phụ thuộc nhiều vào điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp như sản xuất, chế biến nông sản (có nguồn nguyên liệu tại chỗ) thì giai đoạn phục hồi sẽ nhanh chóng hơn.
"Song với các doanh nghiệp đã bị đứt gãy chuỗi giá trị thì quá trình này sẽ lâu hơn, đặc biệt khi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện, vì vậy việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào sẽ gặp khó khăn hơn. Các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm ở những nơi khác như Ấn Độ, Bangladesh,...", ông Doanh nhận định.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM, dựa vào những điều trên, chúng ta cần phải có những nỗ lực rất lớn và có lẽ sẽ mất tới năm 2022 kinh tế mới có thể phục hồi.
Theo ý kiến của cả hai chuyên gia, bên cạnh những tác động về kinh tế, làn sóng người lao động hồi hương chính là bài học kinh nghiệm lớn và đau xót đối với cả địa phương và trung ương.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/