|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TTCK tháng 11 qua góc nhìn chuyên gia phân tích: Khởi sắc sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

07:00 | 05/11/2024
Chia sẻ
Một số nhà phân tích dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có những biến động khó lường trong đầu tháng 11, giai đoạn diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tâm lý thị trường có thể cải thiện hiện về cuối tháng.

Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Môi giới của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá tổng quan, bối cảnh kinh tế hiện hữu nhiều thách thức hơn là cơ hội, song cũng mở ra những cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán tận dụng ở nhịp biến động.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng kênh chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn cả. Nhìn vào lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra thời gian qua, nhà đầu tư có thể kỳ vọng doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch trả cổ tức 2024 khá tốt.

-Đâu là cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong và ngoài nước có thể tác động đến TTCK Việt Nam khi bước qua tháng 11, thưa ông?

Ông Lê Vương Hùng: Đây là tháng có nhiều thông tin kinh tế trong nước và thế giới đáng chú ý. Trong nước, kỳ họp Quốc hội diễn ra từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 với nhiều chính sách, định hướng, ban hành những văn bản luật mới, kỳ vọng mang đến những hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Từ đầu tháng 11 sẽ có những thông tin kinh tế nổi bật. Như chỉ số PMI tháng 10 dù chịu ảnh hưởng bão Yagi song vẫn ở mức 50 điểm. Điều này cho dự báo 1-3 tháng tới về hoạt động sản xuất trong nước vẫn ổn định.

Các chỉ số kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ được công bố. Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi, sau những tháng tăng trưởng chậm về sản xuất trước đó, đồng thời sau gói kích thích kinh tế. Đầu tháng 11, quốc hội nước này có thể sẽ họp bàn tiếp về một gói kích thích kinh tế với giá trị kỷ lục.

 Ông Lê Vương Hùng. (Ảnh: VDSC).

Với Mỹ, tôi kỳ vọng nền kinh tế này “hạ cánh mềm” thay vì suy thoái. Một sự kiện quan trọng nhất năm nay là cuộc bầu cử tổng thống. Người trúng cử có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến bộ mặt nền kinh tế thế giới nói chung. Sau đó đến lượt Fed sẽ họp và kỳ vọng giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm.

Ngoài ra, về căng thẳng khu vực Trung Đông, Iran đang có động thái muốn “trả đũa”. Tôi đánh giá điều này không tác động đáng kể đến bối cảnh chung, song sẽ làm ảnh hưởng đến giá dầu và thứ hai là làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tổng quan, bối cảnh kinh tế hiện hữu nhiều thách thức hơn là cơ hội, song cũng mở ra những cơ hội cho nhà đầu tư tận dụng ở nhịp biến động.

Việt Nam vẫn duy trì yếu tố vĩ mô rất tốt, ổn định, lành mạnh, đúng hướng. GDP Việt Nam vẫn đang tăng trưởng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang ký rất nhiều hiệp định kinh tế, nếu tận dụng được sẽ phát triển nhanh.

Ông Nguyễn Thế Minh: Yếu tố bên ngoài, các NHTW vẫn đang trong xu hướng nới lỏng tiền tệ. Đà hồi phục một số nền kinh tế thế giới cũng hỗ trợ cho Việt Nam, do hiện chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, FDI. Chứng khoán thế giới cũng sẽ hồi phục theo nền kinh tế, phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Yếu tố vĩ mô Việt Nam vẫn là điểm tựa vững chắc cho TTCK. Kỳ họp Quốc hội dự kiến sẽ thông qua nhiều chính sách, luật quan trọng, trong đó bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, sửa đổi một số điều khoản Luật Chứng khoán...

Việt Nam vẫn kiểm soát tốt vấn đề tỷ giá. Áp lực đồng USD có xu hướng trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực này có thể hạ nhiệt trong tháng 11, vì khả năng Fed sẽ giảm lãi suất sau cuộc họp sắp tới. Điều này có thể mở ra cơ hội cho TTCK, vì làm giảm áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài.

Lợi nhuận doanh nghiệp quý III đa số có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ quý III/2023. So với quý II liền trước có giảm nhưng vẫn đang trong xu hướng đi lên. Thị trường sẽ có mức định giá mới.

Thời gian qua, nhờ việc Nhà nước đẩy nhanh sửa đổi một số luật về bất động sản đã hỗ trợ cho thị trường này, tính pháp lý dự án đã có phần khơi thông, giúp giải tỏa bớt tâm lý của nhà đầu tư lên nhóm cổ phiếu bất động sản. Đà chững lại (nếu có) của nhóm cổ phiếu này phần nào sẽ tạo ra những cơ hội cho TTCK tháng 11.

-Ông dự báo kịch bản nào phù hợp cho TTCK tháng 11?

Ông Lê Vương Hùng: TTCK Việt Nam đang có mức định giá tương đối thấp. Sau báo cáo tài chính quý III, P/E thị trường khoảng 13 lần, thấp hơn so với bình quân nhiều năm khoảng 15 lần. Như đã nhận định phía trên, thị trường nếu muốn tăng tốc có thể phải sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tháng 11 có thể chia làm hai nửa, nửa đầu tháng khá biến động, nửa cuối tháng khả quan hơn.

Thanh khoản dự báo vẫn chưa cải thiện, đi ngang so với tháng 10. Tỷ giá đang có xu hướng nhích lên. Về cuối năm doanh nghiệp có như cầu sử dụng tiền hơn, nên dòng tiền vào chứng khoán cũng thể sớm vượt 20.000 tỷ đồng/phiên.

   Ông Nguyễn Thế Minh. (Ảnh: NVCC). 

Ông Nguyễn Thế Minh: Áp lực tỷ giá quay lại nhanh khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại trong tháng 10. Qua tháng 11, với kỳ vọng áp lực tỷ giá giảm thì đây khả năng là tháng tăng điểm của VN-Index.

Tuy nhiên, tuần đầu tiên của thị trường có thể chịu ảnh hưởng của diễn biến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Quan sát thống kê trước đây, đa phần thị trường đều tăng điểm sau kết quả bầu cử, dù đảng nào lên nắm quyền, khi không còn yếu tố lo ngại nữa.

Nhà đầu tư vẫn chịu tâm lý trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm. Thị trường vẫn cần những câu chuyện có tính chất “mạnh” hơn để thị trường vượt qua cột mốc này. Thanh khoản có thể cải thiện so với tháng 10.

-Theo ông, chứng khoán liệu đang khả quan hơn các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm...?

Ông Lê Vương Hùng: Vàng đã tăng giá khoảng 40% từ đầu năm, là mức sinh lời rất lớn trong lịch sử của tài sản này. Theo tôi, vùng giá hiện tại thì vàng chỉ nên dành cho chiến lược tích sản, không nên đầu tư với kỳ vọng lời hơn 20% trở lên vào thời điểm này.

Bất động sản là một trong những lênh tiềm năng thời gian tới, với những động thái nới lỏng hơn. Chu kỳ của bất động sản thường là 4-5 năm, nên trong ngắn hạn vẫn cần thêm thời gian.

Chứng khoán hiện là kênh tiềm năng, với P/E 13 lần thì tỷ suất sinh lợi khoảng 7,7%, cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm (khoảng 6%/năm). Chưa kể, sắp tới Việt Nam có triển vọng nâng hạng, cùng tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.

Dòng tiền ngoại dự kiến quay lại khi Fed cắt giảm lãi suất. TTCK Mỹ hay Ấn Độ đang có mức định giá rất cao, nên dòng tiền sẽ tìm đến các thị trường tiềm năng như Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh: Dòng tiền năm 2024 bị chia sẻ rất nhiều kênh. Với vàng, hiện tại rủi ro đang cao, cơ hội tạo ra không đủ bù so với rủi ro có thể gặp phải. Thông thường nhà đầu tư trú ẩn vào vàng khi lo ngại suy thoái kinh tế, suy yếu của USD, hay các căng thẳng địa chính trị. Song những rủi ro này không còn nhiều trong ngắn hạn. Khi hạ nhiệt, dòng tiền đầu tư vàng sẽ nhanh chóng tìm đến các kênh đầu tư khác.

Bất động sản có phần nổi lên sau hai năm 2022-2023 trầm lắng. Tôi đánh giá dòng tiền vào bất động sản hiện mang nhiều tính FOMO, khi nguồn cung thấp. Để giải bài toán bất động sản, Nhà nước đang muốn tăng nguồn cung. Do đó, thanh khoản thị trường này có thể tăng trở lại, song để đầu tư, tìm cơ hội trong thời gian ngắn thì biên độ không quá lớn. Khi thanh khoản tăng, giá cả thị trường sẽ dần được phản ánh chính xác hơn.

Về gửi tiết kiệm, dự kiến đến giữa năm 2025, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp, do vẫn kiểm soát được tỷ giá.

Do đó, kênh chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn cả. Nhìn vào lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra thời gian qua, nhà đầu tư có thể kỳ vọng doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch trả cổ tức 2024 khá tốt vào 2025. Như nhiều ngân hàng tại kỳ họp ĐHĐCĐ đã thông qua những chính sách trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Thói quen của nhà đầu tư Việt Nam vẫn tìm kiếm các kênh truyền thống như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm. Nên khi có một tín hiệu thu hút thì dòng tiền ngay lập tức đổ vào trở lại các kênh này. Tôi cho rằng sau nhưng đợt FOMO như vậy dòng tiền sẽ tìm đến chứng khoán.

-Sau mùa báo cáo tài chính quý III, đâu là những nhóm ngành có triển vọng và rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý, thưa ông?

Ông Lê Vương Hùng: Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp quý III ước tính khoảng 16-17%, dự báo qua quý IV (17-18%) và 2025 vẫn khả quan (15-16%).

Quý III, các nhóm có tăng trưởng mạnh là bán lẻ, thực phẩm, dệt may, điện, phân bón... Nhóm dầu khí, nhựa thì đang giảm đà tăng trưởng. Nhóm giảm lợi nhuận đáng kể là ngân hàng tư nhân và chứng khoán.

Thế giới đang có chu kỳ giảm giá một số hàng hóa, nên một số doanh nghiệp chịu tác động này sẽ suy giảm lợi nhuận. Trong khi đó, các ngành không chịu ảnh hưởng này như công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng tương đối bền vững qua từng qua.

Nhóm bán lẻ, tiêu dùng được kỳ vọng tiếp tục hồi phục tích cực, khi GDP, tiêu dùng người dân tăng lên. Ngành logistics cũng dự kiến tăng trưởng bền vùng khi nhu cầu gia tăng. Bên cạnh đó là các ngành hưởng lợi từ đầu tư công. Đó là các nhóm ngành đang có kết quả tăng trưởng và dự báo vẫn ổn định cho những quý tới.

Ông Nguyễn Thế Minh: Nhìn lại tổng quan bức tranh tăng trưởng quý III đã có sự xoáy chiều so với cùng kỳ năm trước. Quý III/2023, tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm tài chính và công nghệ. Sang quý III năm nay, tăng trưởng nhóm ngân hàng vẫn tốt, trong khi nhóm chứng khoán chậm lại hoặc giảm.

Nhóm sản xuất đã hồi phục trở lại trong quý III nhờ hồi phục nền kinh tế. Dự báo những tháng cuối năm, các nhóm ngành có triển vọng như hàng tiêu dùng, bán lẻ, xuất khẩu, nhờ vào mùa mua sắm, tiêu dùng. Một số doanh nghiệp chia sẻ dự báo kết quả khả quan hơn cả quý IV năm 2023.

Mặt khác, chi phí đầu vào (chi phí xăng dầu) giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho nhóm logistics, kỳ vọng biên lãi gộp quý IV tăng lên cao. Nhu cầu xuất nhập khẩu cũng sôi động trở lại. Cùng với đó là chu kỳ giảm lãi suất hỗ trợ cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Trong nhóm tài chính, tôi kỳ vọng nhóm ngân hàng cho quý IV khi tăng trưởng tín dụng ở mức khá, CASA đang tăng trưởng trở lại, từ đó NIM sẽ cải thiện, còn nợ xấu có thể giảm. Còn nhóm chứng khoán sẽ phụ thuộc đáng kể vào tháng khoản của thị trường, dự phóng kết quả kinh doanh đi ngang so với quý IV/2023.

-Nhà đầu tư nên hành động ra sao trong hai tháng cuối năm, thưa ông?

Ông Lê Vương Hùng: Nhiều khả năng diễn biến thị trường hai tháng cuối tương đồng với vài tháng trước, đa số cổ phiếu đi ngang cùng thanh khoản thấp, tạo tâm lý nhà đầu tư rất “chán”. Giai đoạn hiện tại việc trading thì lời lỗ không đáng kể.

Lời khuyên đến nhà đầu tư, TTCK không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Mỗi giai đoạn nhà đầu tư cần có chiến lược phù hợp. Hiện tại, nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp có những thông tin hỗ trợ. Đơn cử, một số doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu đã và đang được hỗ trợ cho hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh: Năm nay thị trường tăng điểm trong ba tháng đầu năm, và đi ngang đến nay. Việc trading ngắn hạn sẽ khiến danh mục nhà đầu tư dễ bị bào mòn. Tôi cho rằng khi thị trường vẫn đi ngang dưới 1.300 điểm, chiến lược nên là nắm giữ, ưu tiên các cổ phiếu tăng trưởng. Những nhịp giảm sâu của thị trường là thời điểm canh mua vào.

Những nhà đầu tư nắm giữ từ đầu năm đang cho hiệu suất khả quan hơn nhiều so với trading ngắn hạn. Do đó, hiện tại nhà đầu tư nên hạn chế việc trading và sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Cám ơn chuyên gia đã trả lời phỏng vấn!

Xuân Nghĩa