|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Top 10 lợi nhuận quý I gọi tên Hòa Phát, Vinhomes, PV GAS và 7 ngân hàng

14:23 | 05/05/2022
Chia sẻ
Hầu hết doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán quý I/2022 là các ngân hàng. Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép duy nhất góp mặt trong top 10. Các ngành bất động sản và dầu khí cũng chỉ có một đại diện là Vinhomes và PV GAS.

Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) trong lễ ký kết thỏa thuận tín dụng với 8 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, VPBank, BIDV, VietinBank, Agribank, MB, TPBank và MSB. (Ảnh: Vietcombank).

Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến ngày 4/5, đã có 941 doanh nghiệp đại diện cho 94% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Trong số này có 119 doanh nghiệp báo lỗ, 231 báo lãi giảm so với cùng kỳ năm trước và 591 có lợi nhuận tăng trưởng.

Tổng lợi nhuận sau thuế của 941 doanh nghiệp nói trên là gần 136.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với quý I/2021. Các doanh nghiệp niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) chiếm ưu thế tuyệt đối với tổng lợi nhuận 111.500 tỷ đồng, tương đương 82% toàn thị trường. 

Đa số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý I/2022 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay đã có ít nhất 28 doanh nghiệp thông báo lợi nhuận sau thuế quý I trên 1.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) dẫn đầu với lãi sau thuế đột biến 8.917 tỷ đồng, tăng trưởng 178% so với cùng kỳ 2021. Một trong những nhân tố quan trọng giúp kết quả kinh doanh của VPBank khởi sắc là việc ghi nhận toàn bộ 5.000 tỷ đồng khoản phí ứng trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền với AIA trong quý I năm nay thay vì phân bổ trong 5 năm.

Nếu không tính khoản thu bất thường này, lợi nhuận của VPBank tăng trưởng khoảng 53% và thấp hơn doanh nghiệp đứng ngay sau trong bảng xếp hạng là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).

VPBank (Mã: VPB) và Hòa Phát (Mã: HPG) chia nhau hai vị trí đầu bảng về lợi nhuận sau thuế quý I/2022.

Trong quý I vừa qua, tập đoàn thép của Chủ tịch Trần Đình Long ghi nhận lãi sau thuế 8.206 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2021 và là mức cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động. Sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của Hòa Phát, phần còn lại đến từ mảng bất động sản và nông nghiệp.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,17 triệu tấn, tăng 12% so với quý I năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm tăng 57% lên 1,34 triệu tấn, tiêu thụ HRC tăng 15% lên 763.000 tấn.

Hòa Phát hiện nay là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với công suất 8 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 670.000 tấn mỗi tháng. Năm 2022, Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 25.000 – 30.000 tỷ đồng, tức là trung bình 6.250 – 7.500 tỷ đồng mỗi quý.

Hòa Phát vượt lên trên Vinhomes về lợi nhuận sau thuế quý đầu năm 2022.

Ngoài Hòa Phát, top 10 lợi nhuận quý I còn có hai doanh nghiệp phi ngân hàng khác là Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas – Mã: GAS). Biểu đồ bên trên cho thấy quý I/2022 là lần thứ 2 trong lịch sử, Hòa Phát đứng trên Vinhomes về kết quả kinh doanh.

PV GAS ghi nhận lãi sau thuế 3.495 tỷ đồng, tăng 70% so với quý I/2021 và là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Giá dầu thô Brent bình quân quý I/2022 là 102 USD/thùng, cao hơn 67% so với một năm trước. Bên cạnh đó, sản lượng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) kỳ này tăng 19%. Đây là những nguyên nhân chính giúp PV GAS cải thiện kết quả hoạt động.

Ở nhóm ngân hàng, ngoài VPBank giữ ngôi quán quân về lợi nhuận, các đại diện đứng sau đều là những cái tên quen thuộc như Vietcombank (Mã: VCB), Techcombank (Mã: TCB), Ngân hàng Quân đội (Mã: MBB), VietinBank (Mã: CTG), Ngân hàng Á Châu (Mã: ACB), ...

  Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ nhưng giá cổ phiếu vẫn đi xuống theo thị trường chung trong một tháng gần đây. 

Song Ngọc - Đức Quyền