'Tỉ phú' 9X nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu
Tiểu khu Vườn Đào 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu là một trong những vùng có lịch sử nuôi bò sữa từ lâu đời. Khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây được bao quanh bởi những dãy núi đá, nằm giữa là một thảo nguyên màu mỡ. Với một điều kiện thiên nhiên lí tưởng đó cùng với quỹ đất vô cùng lớn đã giúp các hộ gia đình tại đây dựng trang trại, trồng cỏ voi, ngô đồng để làm thức ăn chăn nuôi bò sữa.
Gia đình người nông dân trẻ Nguyễn Hồng Quang cũng không ngoại lệ. Anh đang sở hữu trang trại rộng 1,4 hecta gồm cả diện tích chuồng trại và diện tích cây trồng.
Trước đó, Bà Nguyễn Thị Thanh (mẹ Quang) từ mảnh đất Hà Tây cũ lên Mộc Châu lập nghiệp vào những năm 90. Trong trong khoảng thời gian này, bà được tiếp cận với công việc chăm sóc bò sữa. Vài năm sau bà vay vốn công ty, tự sở hữu cho mình 4 con bò sữa, một mình chăm sóc trước khi để lại cho con trai gần 10 năm trước.
Nguyễn Hồng Quang, chàng trai 27 tuổi nhưng đã có 7 năm trong nghề chăn nuôi bò sữa. Ngày vừa học hết cấp 3, cậu thanh niên lúc đó cảm thấy việc tiếp tục theo con đường học tập không thật sự cần thiết. Anh tự đặt những câu hỏi, sẽ tốn bao nhiêu tiền nếu xuống Hà Nội học 3-4 năm tiếp theo? Tại sao mình phải học những ngành nghề bản thân không thích như kỹ thuật, công nghệ thông tin?
Cuối cùng, chàng trai lựa chọn phát triển ngành chăn nuôi bò của gia đình mình, cái ngành đã tạo ra không biết bao nhiêu "tỉ phú bò sữa" nổi tiếng của Việt Nam.
Nhiều thanh niên bằng tuổi Quang lúc bấy giờ rất khó chịu hoặc sợ cái mùi xú uế nơi chuồng bò, nhưng anh thì ngược lại. Anh coi đó là nơi sẽ cho mình nhiều thu nhập, có thể xây nhà thậm chí mua xe hơi. Và để bắt đầu hướng đi này, anh đi dọn chuồng thuê cho những trang trại bò lớn trong vùng.
Quãng thời gian này cho chàng trai thêm thu nhập và đặc biệt là thêm những kinh nghiệm về nghề. Sau một năm, Quang trở về làm chủ đàn bò mà mẹ để lại.
Đều đặn 4h30 hàng ngày, thời điểm mà tất cả cảnh vật ở nông trường vẫn chìm trong màn sương sớm thì những người dân nuôi bò sữa đã phải thức dậy để bắt đầu công việc. Tiếng máy bơm nước xen lẫn tiếng bò kêu tạo nên một không khí lao động nhộn nhịp.
Giờ sinh học của hai vợ chồng Quang cũng như được lập trình sẵn, không cần đến đồng hồ báo thức, cả hai cùng thức dậy đúng 4h30. Sau khi đánh răng, rửa mặt, họ khoác vội bộ đồ lao động rồi vào ngay trang trại bò sữa.
Đối với công việc chăn nuôi bò sữa thì một ngày sẽ có 2 khung giờ quan trọng để vắt sữa: 4h30 và 16h. Đây là lúc bò cho sản lượng sữa tốt nhất. Mọi người thường hay trêu đùa rằng công việc chăm sóc bò sữa này cũng giống như chăm những đứa trẻ vậy, quanh năm không ngày nào được nghỉ.
Nhiệt độ sáng sớm tại Mộc Châu đôi lúc xuống dưới 20 độ C, sương mù phủ kín cảnh vật.
Công đoạn đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong quá trình thu hoạch sữa đó là vệ sinh chuồng. Trại bò của Quang được chia làm 4 chuồng nhỏ bên trong: 3 chuồng để nhốt bò và 1 chuồng chuyên để vắt sữa. Vào lúc trời chỉ mới hửng sáng đó, Quang và vợ, mỗi người một xẻng vệ sinh, hì hục làm sạch từng gian chuồng.
Đã quá quen với công việc này nên chỉ mất 20 phút, mọi thứ đã gọn gàng để có thể tiến hành vắt sữa.
Trong lúc Quang chuẩn bị máy thì vợ anh bắt đầu cho bò ăn và lùa chúng vào chuồng vắt sữa. 30 con bò đứng ăn ngay ngắn với những bầu sữa căng đầy sau một đêm dài. Dung dịch sát trùng được chuẩn bị trước, với những thao tác chuyên nghiệp, hai người dùng khăn sạch để vệ sinh quanh bầu sữa rồi đưa máy hút vào.
Mỗi con bò sẽ mất khoảng 5 phút để thu sữa. Sản lượng sữa mỗi con cho ra khoảng 20–25 lít/ngày.
Hiện nay, 100% trang trại bò tại Mộc Châu đã khai thác sữa bằng máy và thực hiện theo quy trình khép kín hoàn toàn.
"Hôm nay sữa lên đúng không chồng ơi", tiếng của Lý hào hứng cất lên khi đổ sữa bò từ máy vắt vào bình, nhưng vẫn còn dư rất nhiều trong máy. Quang nhanh chóng kiểm tra các thùng chứa, quả thật lượng sữa hôm nay dư ra khoảng 5 lít. Điều đó khiến hai vợ chồng có một buổi sáng vui vẻ hơn ngày thường, đơn giản vì sản lượng sữa đã nhỉnh lên.
Cô gái trẻ là Bùi Thị Hồng Lý - vợ của Quang - luôn cạnh mọi công việc hàng ngày của anh. Trước khi lấy nhau, Lý đã có thời gian học Sư phạm Mầm non tại Hà Nội. Gia đình cô cũng mong muốn một công việc đúng ngành khi cô tốt nghiệp. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ tình cờ qua mạng đã thay đổi mọi suy nghĩ.
Lý và Quang yêu nhau được hơn 1 năm rồi cưới. Bà xã của Quang luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng. Tuy phải gắn với chuồng bò quanh năm nhưng với cô đây là “cuộc sống tự do, thoải mái" mà cô muốn.
Lý là một người phụ nữ mạnh mẽ, có sức khỏe nên làm rất tốt công việc chăn nuôi bò sữa. Thế nhưng, khi cởi bỏ chiếc áo khoác công nhân, cô lại trở về là một người phụ nữ chu toàn của gia đình.
Sau gần 4 tiếng buổi sáng vất vả với công việc ở trang trại, Quang trở về nhà nghỉ ngơi và vui đùa với những đứa trẻ. Cô con gái 9 tháng tuổi cũng vừa mới thức giấc, sà ngay vào lòng ông bố trẻ.
Trong lúc đó, Lý xuống bếp chuẩn bị bữa sáng của cả nhà. Khoảng 8h, mọi công việc trong buổi sáng đã kết thúc. Đôi vợ chồng đi nghỉ ngơi, căn nhà trở về trạng thái yên bình, xung quanh chỉ còn nghe tiếng rì rào của những cánh đồng ngô trải dài.
Buổi chiều sẽ là một chuỗi các công việc gần giống hệt như vậy được lặp lại.
Bữa cơm của gia đình nhỏ đầy ắp tiếng nô đùa, cười nói của cậu nhóc Tí 6 tuổi. Bà Thanh sau khi giao lại đàn bò cho con trai cũng nghỉ hẳn việc. Giờ đây, bà an dưỡng tuổi già và phụ giúp hai vợ chồng trông nom hai đứa cháu nội kháu khỉnh.
Chứng kiến con trai thay đổi từng ngày, từ cậu thanh niên ngây ngô ngày nào đã trở thành một ông chủ trại bò, bà cảm thấy tự hào rất nhiều. Tuy nhiên, đôi lúc bà vẫn hay trêu đôi vợ chồng trẻ vì chưa bao giờ vượt qua được thành tích giành giải "Hoa hậu bò sữa" của bà trước đây.
"Chỉ 4 con bò mà mẹ 2 lần đoạt giải Hoa hậu bò sữa, hai đứa có gần 4 chục con bò mà chưa được cái giải nào", bà Thanh cười đùa trong bữa cơm trưa.
7 năm trong nghề chăn nuôi bò sữa tuy không dài, nhưng anh nông dân trẻ tuổi này đã gặp không ít khó khăn. Quang nhớ lại khoảng thời gian vào giữa năm 2017, khi đàn bò của anh vì bệnh dịch mà chết mất 10 con trong tổng số 30 con lúc bấy giờ.
"Nếu không có đợt dịch đó, giờ đây số lượng bò đã hơn rất nhiều", Quang nhớ lại. Chàng trai coi đây là một trong những thiệt hại nặng nề mà mình đã may mắn vượt qua.
Cũng vì thế, mỗi lúc rảnh rỗi, Quang lại lên các website về chăn nuôi để tìm hiểu thông tin về các bệnh của bò sữa. Anh luôn chủ động trang bị cho mình những kiến thức y tế cần thiết để tránh việc chất lượng sữa bò bị ảnh hưởng hoặc giảm sản lượng do mắc bệnh.
Mọi căn bệnh về bò sữa Quang đều cố gắng tìm hiểu kĩ, anh sẽ là "bác sĩ" đầu tiên chữa trị cho những chú bò khi chúng bị bệnh.
Với một đàn bò 37 con khoẻ mạnh hiện mỗi tháng Quang thu về khoảng 100 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, số còn lại hai vợ chồng để tiết kiệm. Đôi vợ chồng trẻ cũng có "tham vọng" ngay trong năm nay sẽ mở rộng quy mô đàn bò lên 50 con.
So với nhiều hộ chăn nuôi khác sở hữu cả trăm con bò thì số lượng bò của tỉ phú 9X chỉ xếp ở mức trung bình. Thế nhưng, cứ nhắc tới Quang, ai cũng gật gù nói về chàng thanh niên trẻ tuổi mà chịu khó, sẵn sàng tiếp nối và duy trì nghề truyền thống của cả vùng Mộc Châu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/