Thương hiệu ngoại nuốt trọn thị trường thang máy Việt
Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh chóng, những tòa nhà cao tầng, những khu văn phòng phức hợp, chung cư cao cấp đang nối tiếp nhau mọc lên tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Nhu cầu lắp đặt thang máy và thang cuốn cũng từ đó tăng cao, đưa lĩnh vực kinh doanh này trở thành một thị trường đầy tiềm năng thu hút sự quan tâm không chỉ đến từ các công ty trong nước mà cả những doanh nghiệp nước ngoài có bề dày kinh nghiệm.
Hiện số lượng công ty kinh doanh phân phối và sản xuất thang máy Việt Nam rất lớn, nhưng số công ty có tên tuổi, hoạt động uy tín chuyên nghiệp chỉ khoảng 10 công ty, danh sách các nhà cung cấp thang máy của một nhà thầu xây dựng lớn cho biết. Trong đó doanh nghiệp nội chỉ khoảng 2-3 đơn vị, và chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong miếng bánh thị phần cả nước.
Thực tế, theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, đến thời điểm này cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy.
Những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, trong đó khoảng 5.000 sản phẩm nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam.
Thị trường thang máy Việt trong tay các thương hiệu ngoại
Thang máy tại Việt Nam chủ yếu được chia thành hai dòng chính: nhập khẩu và liên doanh.
Với dòng thang nhập khẩu, các doanh nghiệp như Schindler Việt Nam, Mitshubishi Elevator Vietnam, KONE Việt Nam, Thang máy Thiết bị Thăng Long,… sẽ nhập khẩu thiết bị nguyên chiếc từ Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Phần Lan về Việt Nam.
Với dòng liên doanh, sản xuất lắp ráp trong nước, một số doanh nghiệp như Thang máy Thiên Nam, Thang máy Thái Bình,… sẽ nhập khẩu linh kiện máy móc đồng bộ của các hãng ở nước ngoài về, còn cabin thì được lắp ráp tại Việt Nam.
Tuy nhiên trong những năm qua, doanh nghiệp nội vẫn loay hoay với bài toán nội địa hoá để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời khẳng định chất lượng sản phẩm so với những tên tuổi lớn đến từ nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thang máy ngoại lại ăn nên làm ra với mức tăng trưởng hai chữ số qua từng năm.
Dễ thấy tình trạng áp đảo này khi nhìn vào doanh thu hàng năm của các đơn vị kinh doanh, phân phối thang máy tại Việt Nam. Trong đó, mang về nhiều tiền nhất cho doanh nghiệp trong ngành là hai thương hiệu thang máy đến từ Nhật Bản và Thuỵ Sĩ là Mitsubishi và Schindler.
Hiện thương hiệu thang máy Nhật Bản Mitsubishi đang được phân phối tại Việt Nam chủ yếu thông qua hai công ty là Mitshubishi Elevator Vietnam và Công ty TNHH Thang máy và Thiết bị Thăng Long.
Trong đó, doanh thu mỗi năm của Mitshubishi Elevator Vietnam đều trên 1.000 tỉ đồng. Năm 2016, doanh nghiệp thu về 1.105 tỉ đồng từ việc bán thang máy thương hiệu Nhật, đến năm 2019 con số này là 1.206 tỉ đồng.
Được thành lập từ năm 2001 và là nhà phân phối chính hãng sản phẩm thang máy Mitsubishi Nhật Bản tại Việt Nam, đến nay doanh thu Thang máy Thăng Long luôn được xếp vào top cao nhất thị trường. Chẳng hạn, năm 2016 thang máy Mitsubishi mang về cho doanh nghiệp 1.341 tỉ đồng và tăng lên 1.501 tỉ đồng vào năm 2017.
Đỉnh điểm, 2018 Thang máy Thăng Long đạt doanh thu 1.894 tỉ đồng, cao nhất trong nhóm doanh nghiệp kinh doanh thang máy. Biên lợi nhuận gộp từ 7% đến 8% mỗi năm.
Nhận thấy được tiềm năng của dòng thang máy ngoại nhập, đầu năm nay công ty thang máy hàng đầu châu Âu Orona (Tây Ban Nha) đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam thông qua nhà cung cấp GamaLift.
Được biết để đưa ra quyết định này, Thang máy Orona đã phải mất hơn một thập kỉ quan sát, tìm hiểu thị trường Việt Nam. Nói để thấy, các ông lớn nước ngoài đã nhận ra thị trường thang máy Việt Nam có tiềm năng lớn thế nào.
Thang máy nội lép vế
Trái ngược, bắt đầu từ những năm 90, Công ty TNHH Thang máy và Thiết bị Thiên Nam lại là một đơn vị hiếm hoi chọn cách tự sản xuất sản phẩm "made in Việt Nam".
Đây cũng là doanh nghiệp nội có thể sản xuất gần như tất cả các sản phẩm thang máy, từ thang máy tải khách, gia đình, chung cư tới thang máy tải hàng, tải ô tô,… Hiện nhà máy của Thang máy Thiên Nam có thể sản xuất 1.000 sản phẩm mỗi năm, đáp ứng được các đơn hàng trong nước và xuất khẩu.
Vậy nhưng nếu so sánh các doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh thu của Thang máy Thiên Nam vẫn thấp hơn rất nhiều lần.
Đơn cử, năm 2016 doanh thu Thang máy Thiên Nam đạt 448 tỉ đồng, đến năm 2018 con số này cũng chỉ nhích lên 495 tỉ đồng. Năm 2019, Thiên Nam đạt doanh thu 632 tỉ đồng.
Hay như Công ty TNHH Thang máy Thái Bình có trụ sở tại TP HCM, cũng là một trong các doanh nghiệp đi theo hướng nội địa hoá thang máy, doanh thu ghi nhận ở mức thấp so với mặt bằng chung.
Năm 2016, Thang máy Thái Bình đạt 178 tỉ đồng doanh thu, năm 2017 là 112 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019 doanh nghiệp tỏ ra hụt hơi khi doanh thu chỉ đạt gần 47 tỉ đồng, trong khi các công ty khác đều ghi nhận tăng trưởng.
Điều này dễ giải thích khi thang máy do các doanh nghiệp nội sản xuất chỉ thường được dùng trong phân khúc dành cho các tòa nhà dưới 10 tầng, hay cho các hộ gia đình. Trong khi đó, thang máy dùng trong các tòa nhà cao trên 10 tầng, đặc biệt là tại các dự án chung cư cao cấp, hay tòa nhà văn phòng thường được ưu tiên sử dụng là thang máy nhập ngoại nguyên chiếc.
Theo tìm hiểu của người viết, một thiết bị thang máy ngoại có sức chứa khoảng 10 người, hoạt động khoảng 10 - 12 tầng có giá 40.000 - 50.000 USD, thậm chí có những thiết bị thang máy có giá lên tới 100.000 - 200.000 USD, đắt gấp 1,5 - 2 lần so với thang máy nội địa.
Nắm thị phần trong tay, giá thành sản phẩm cao hơn gấp nhiều lần so với thang máy sản xuất trong nước, không lạ khi các doanh nghiệp phân phối thang máy ngoại nhập thường ghi nhận lợi nhuận sau thuế hàng năm hàng trăm tỉ đồng. Trong khi các công ty thang máy nội địa, lợi nhuận chỉ tính bằng một chữ số.
Rõ ràng, nếu so với các đối thủ ngoại, các đơn vị cung cấp thang máy Việt đang bị bỏ lại khá xa.
Thừa nhận thực trạng doanh nghiệp nội "lép vế" trước doanh nghiệp ngoại, tại lễ thành lập Hiệp hội Thang máy Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 9 vừa qua, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết trên thị trường hiện nay các doanh nghiệp nội, doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn chủ yếu là các đơn vị nhập khẩu.
Sống nhờ thị trường ngách
Mặc dù chiếm thị phần áp đảo tại Việt Nam, nhưng các sản phẩm thang máy ngoại nhập lại có nhược điểm đó là phí bảo trì và thay thế thiết bị sau thời gian bảo hành cao hơn so với thang máy nội địa
Ngoài ra, muốn lắp đặt thang máy gia đình nhập khẩu nguyên chiếc thì không gian lắp đặt phải được thiết kế và thi công đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, do đó chi phí giá thành cũng bị đội lên rất nhiều.
Theo bảng báo giá của một doanh nghiệp trong ngành, chi phí bảo dưỡng thang máy đối với loại nhập khẩu nguyên chiếc là từ 2-4 triệu đồng/lần, thậm chí có những thiết bị giá bảo trì lên tới 8 triệu đồng/lần. Đối với thang máy nội địa, mức giá này từ 600-800 nghìn đồng/lần.
Trung bình từ 1-2 tháng thang máy phải được bảo dưỡng định kì. Như vậy có thể thấy thị trường dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì thang máy tại Việt Nam đang rất lớn.
Nhìn thấy tiềm năng cơ hội trong lĩnh vực này, mặc dù doanh thu vẫn chủ yếu đến từ việc bán thang máy nhưng trao đổi với Nhịp cầu Đầu tư năm 2016, lãnh đạo Thang máy Thiên Nam cho biết có kế hoạch đưa doanh thu dịch vụ bảo trì đóng góp 50% lợi nhuận trong 3 năm tới.
Hiện Thiên Nam có mạng lưới văn phòng, chi nhánh bảo trì trên 63 tỉnh thành với đội ngũ vận hành khoảng 1.000 người, vận hành dịch vụ 24/7.
Tương tự, Thang máy Thái Bình cũng đang sở hữu mạng lưới bán hàng, bảo trì gồm 30 trạm và 7 văn phòng đại diện phủ 63 tỉnh thành, có thể giải quyết sự cố ngay trong ngày.
Với việc các toà cao ốc đi vào hoạt động ngày một nhiều hơn, dịch vụ duy tu, bảo dưỡng thang máy cũng theo đó mà "đắt khách". Khi hụt hơi với các đối thủ ngoại trên thị trường và khó lội ngược dòng, rất có thể đây sẽ là mảng kinh doanh nhiều doanh nghiệp nội tập trung trong thời gian tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/