Thị trường dầu mỏ thế giới: Quy mô vượt trội, áp đảo 10 kim loại lớn nhất
Rất nhiều hàng hóa công nghiệp có vai trò quan trọng tới nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, không mặt hàng nào đạt được quy mô lớn như thị trường dầu thô.
Dầu là nguồn năng lượng chủ yếu cho vận tải và còn là nguyên liệu thô chính cho nhiều ngành khác như nhựa, phân bón, mỹ phẩm và dược phẩm. Do đó, thị trường dầu thô toàn cầu có quy mô khổng lồ và có ảnh hưởng kinh tế cũng như địa chính trị đáng kể.
Biểu đồ trên minh họa quy mô của thị trường dầu thô bằng cách so sánh với 10 thị trường kim loại lớn nhất thế giới.
Quy mô thị trường được tính bằng cách dùng giá các loại hàng hóa vào ngày 7/6/2023 nhân với sản lượng toàn cầu năm 2022, dựa trên dữ liệu từ TradingEconomics và Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
Thị trường dầu thô lớn đến đâu?
Năm 2022, thế giới sản xuất trung bình 80,75 triệu thùng dầu mỗi ngày (bao gồm cả khí ngưng tụ). Tính chung, tổng sản lượng dầu thô hàng năm vào khoảng 29,5 tỷ thùng, quy mô vượt quá 2.000 tỷ USD tính theo giá hiện tại. Con số này lớn hẳn quy mô của 10 thị trường kim loại lớn nhất.
10 thị trường kim loại hàng đầu có quy mô vào khoảng 967 tỷ USD, bằng chưa đến một nửa thị trường dầu mỏ. Visual Capitalist cho biết dù có cộng quy mô của các thị trường này với toàn bộ các thị trường kim loại thô nhỏ hơn thì chúng vẫn không thể sánh được với thị trường dầu mỏ.
Dữ liệu trên cũng phản ánh mức độ tiêu thụ dầu mỏ khổng lồ trên toàn thế giới mỗi năm. Nguồn năng lượng này là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Tuy có quy mô nhỏ hơn hẳn thị trường dầu mỏ, các kim loại vẫn có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế thế giới. Các kim loại đóng vai trò chủ chốt trong cơ sở hạ tầng, công nghệ năng lượng, v.v… Trong khi đó, kim loại quý như vàng và bạc còn có chức năng là kho lưu trữ giá trị.
Thế giới ngày nay đang hướng tới các nguồn năng lượng xanh và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó trong tương lai, vị thế của thị trường dầu mỏ và các kim loại rất có thể sẽ thay đổi lớn.