|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường đất nền Nghệ An sau đại dịch

07:16 | 16/10/2020
Chia sẻ
Trong khi các dự án bất động sản nhà ở hay du lịch nghỉ dưỡng đều có sự sụt giảm do dịch COVID-19, thị trường đất nền Nghệ An lại trở nên sôi động thông qua đất đấu giá.
Nghệ An: Sôi động thị trường đất nền TP Vinh và Cửa Lò - Ảnh 1.

Điểm cuối Đại lộ Vinh - Cửa Lò nằm tại đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò. Khu vực này sắp có sự hiện diện của nhiều dự án bất động sản qui mô lớn. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo báo cáo thị trường bất động sản quí III/2020 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, Nghệ An có khoảng 30 dự án đấu giá đất được thực hiện, mỗi dự án có 30 - 50 sản phẩm. Phần lớn các dự án đều được bán hết ngay phiên đấu giá lần đầu. Tỉ lệ hấp thụ đạt trên 90%.

Trong đó, sôi động nhất là các huyện quanh TP Vinh và Cửa Lò. Giá đất thông qua đấu giá tại các huyện xa TP Vinh dao động 5 - 6 triệu đồng/m2; tại các địa phương gần TP Vinh dao động 12 - 15 triệu đồng/m2; tại Cửa Lò và TP Vinh khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2.

Đòn bẩy cơ sở hạ tầng

Ngày 3/3/2010, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò với tổng mức đầu tư 4.157 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đến ngày 19/8/2019, tỉnh phê duyệt qui hoạch phân khu Đại lộ Vinh - Cửa Lò, cụ thể hóa Đề án phát triển TP Vinh - Cửa Lò trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ của Thủ tướng Chính phủ.

Theo qui hoạch, Đại lộ Vinh - Cửa Lò có tổng chiều dài 10,8 km (điểm đầu tại Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, điểm cuối giao với trục đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò), đi qua các xã Nghi Phú, Nghi Đức, Nghi Ân (TP Vinh); Nghi Phong, Nghi Xuân, Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc); Nghi Hòa, Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) tương ứng với 5 phân khu chức năng. 

Tại thời điểm tháng 6/2020, dự án đã thi công hoàn thành 10,1 km/10,8 km.

Dự án cầu Cửa Hội (Cửa Lò) nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh sắp sửa hoàn thành. Cách đó không xa là dự án của Vingroup. (Ảnh: Hoàng Huy).

Nghệ An: Sôi động thị trường đất nền TP Vinh và Cửa Lò - Ảnh 3.

Nhiều khu đất dọc bãi biển Cửa Lò đã được quây hàng rào tôn để thực hiện các dự án qui mô lớn. (Ảnh: Hoàng Huy).

Cuối năm 2019, tỉnh Nghệ An kí biên bản chấp thuận đầu tư cho 11 dự án bất động sản với qui mô hơn 10.000 ha, tổng mức đầu tư hơn 4 tỉ USD.

Các dự án này được đầu tư bởi tập đoàn Vingroup, FLC, T&T, EuroWindow Holding, Tân Á, TDH Ecoland, Lotte Group… Đây đều là tổ hợp các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng, giải trí chủ yếu tập trung tại TP Vinh và thị xã Cửa Lò.

Tại TP Vinh, đề án của Thủ tướng Chính phủ định hướng hình thành hệ thống khách sạn 5 sao tại khu B Quang Trung, xã Nghi Phú và tại phía Bắc cầu Bến Thủy. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư các dự án: Khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam, phía Tây Nam TP Vinh; khu Lâm Viên Núi Quyết (Bến Thủy);...

Tại Cửa Lò, dự án cầu Cửa Hội nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh cũng vừa được hợp long sáng ngày 13/10. Dự án có tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng, chiều dài 5,2 km bắc qua sông Lam, góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Đông của hai tỉnh.

Giá đất khu vực Đại lộ Vinh - Cửa Lò không dưới 20 triệu đồng/m2

Dọc Đại lộ Vinh - Cửa Lò xuất hiện nhiều công ty bất động sản kèm pano, áp phích rao bán đất. (Ảnh: Hoàng Huy).

Thị trường đất nền Nghệ An đang diễn biến ra sao? - Ảnh 5.

Đại lộ chỉ còn vài trăm mét đang thi công. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ngay sau khi có thông tin dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò (người dân địa phương gọi là đường 72 m) được phê duyệt qui hoạch, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã tìm đến khu vực này để tham khảo, thăm dò khiến giá đất tăng lên nhanh chóng.

Trao đổi với người viết, một môi giới tên M. ở Nghệ An cho biết, trước khi có đường 72 m, giá đất nền thổ cư ở các xã Nghi Phong, Nghi Xuân, Nghi Thạch... chỉ dao động từ 1 - 2 triệu đồng/m2. 

"Dọc đường 72 m hiện giá đất trung bình không dưới 20 triệu đồng/m2. Ngoài ra, thời điểm này khó có thể tìm được đất nền nằm trên mặt đường hay kể cả khu vực sâu trong hai bên đường", anh M. nói.

Riêng đối với khu vực đường Bình Minh (Cửa Lò) và khu vực Đại lộ nằm trên đường Lê Nin (TP Vinh), hai điểm đầu của đại lộ là những khu vực giá đất vẫn luôn đắt đỏ từ trước đến nay, dao động khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2.

Mặc dù vừa trải qua dịch COVID-19, anh M. cho hay, giá đất khu vực TP Vinh và Cửa Lò vẫn tăng, các giao dịch bất động sản vẫn diễn ra khá sôi động.

Đất ngoại thành hưởng lợi

Với việc đất đai dọc những khu vực trọng điểm ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người mua bắt đầu chuyển hướng sang một số khu vực gần TP Vinh nhưng không quá xa những dự án lớn. 

Điển hình là khu vực xã Hưng Lộc, TP Vinh. Khu vực này cách Đại lộ Vinh - Cửa Lò khoảng 1 - 2 km, cách trung tâm TP Vinh khoảng 4 - 5 km, ngoài ra còn có trục đường Vinh - Cửa Hội (ĐT.535) chạy qua... Tuy nhiên, hiện nay giá đất ở đây cũng không thấp. 

Nghệ An: Sôi động thị trường đất nền TP Vinh và Cửa Lò - Ảnh 5.

Khu vực xã Hưng Lộc, TP Vinh hiện nay. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo anh M., nếu như cách đây khoảng vài năm, với tài chính 500 - 700 triệu đồng là có thể tìm được một mảnh đất tương đối đẹp ở Hưng Lộc thì hiện nay, giá đất ở đây đã nóng lên đáng kể do hưởng lợi về hạ tầng xung quanh.

Chị L. (phường Trung Đô, TP Vinh), một khách hàng đã mua đất cho biết, vào năm 2017 chị có đầu tư một mảnh đất 100 m2 phía sau Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An với giá hơn 400 triệu đồng. Đến nay, đã có nhiều người trả giá cao gấp đôi, thậm chí gần gấp ba lần.  

"Hiện nay, một số khu vực ở xã Hưng Lộc như ở đường Lê Quý Đôn, đất đấu giá dao động từ 11 - 14 triệu đồng/m2. Hay ở phía sau Trường Cao đẳng nghề Dầu khí Nghệ An, giá đất đấu giá dao động khoảng 8,5 - 11 triệu đồng/m2. Cách đó không xa là khu vực xã Hưng Hòa (TP Vinh), giá đất đấu giá rơi vào khoảng trên 20 triệu/m2", anh T., một môi giới bất động sản khác cho biết.

Anh T. nhận định, so với các địa phương khác, Nghệ An không chịu quá nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với việc Đại lộ Vinh - Cửa Lò và cầu Cửa Hội đã sắp sửa hoàn thành, giá đất khu vực TP Vinh và Cửa Lò sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hoàng Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.