Thế giới khát ‘vàng trắng’ nhưng lợi nhuận doanh nghiệp cao su vẫn phân hóa mạnh
Nhu cầu cao su cho lĩnh vực y tế và công nghiệp được dự báo phục hồi mạnh sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới mở cửa, hoạt động giao thương sôi nổi hơn. Những động lực này cùng với yếu tố cung – cầu có thể giúp sản lượng và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam lên ngôi trong năm 2022.
Mới đây, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,5 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 14,3-14,8 triệu tấn. Tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng 2,5%, trong khi sản lượng năm 2022 có thể ít hơn nhu cầu.
Do vậy, ANRPC dự báo triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng. Giá cao su sẽ tiếp tục ở mức cao nhờ yếu tố thời tiết và dịch COVID-19 khiến nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng.
Điều này cũng đang tác động tích cực đến thị trường cao su Việt Nam. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 485 nghìn tấn, trị giá 857 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam cần khoảng 385.000 tấn mỗi tháng.
Dù ngành cao su đang đứng trước cơ hội lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt. Điều này thể hiện trong kết quả kinh doanh doanh quý I, một số doanh nghiệp báo lãi lớn, số khác lại “phú quý giật lùi”.
Ở chiều tích cực, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (Mã: GVR) công bố doanh thu thuần đạt 4.893 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, ba mảng kinh doanh mang lại nguồn thu chính cho công ty bao gồm mủ cao su, sản phẩm từ cao su và chế biến gỗ. Tỷ trọng của ba mảng này trong tổng doanh thu lần lượt là 61%; 10% và 20%.
Doanh thu đi ngang nên lợi nhuận sau thuế cũng tập đoàn chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.315 tỷ đồng.
Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam kỳ vọng doanh thu và thu nhập khác đạt 29.707 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 6.480 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng 5% và 4% so với năm 2021.
Nổi bật trong các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) có doanh thu quý I đạt 365 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, tăng 3,4 lần.
Sở dĩ, lợi nhuận của cao su Phước tăng 280 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 là nhờ khoản thu 289 tỷ đồng từ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án khu công nghiệp VSIP3.
Trong quý II, công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ cao su đạt 6.743 tấn, tương ứng 19% kế hoạch năm, giá bình quân khoảng 41 triệu đồng/tấn.
Với dự kiến như trên, chỉ tiêu tổng doanh thu quý II của công ty mẹ mục tiêu đạt 486,5 tỷ đồng và lãi trước thuế là 220 tỷ đồng.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp dự kiến khai thác 9.400 tấn cao su, thu mua 13.500 tấn, chế biến 22.900 tấn, tiêu thụ 35.100 tấn.
Doanh thu của công ty mẹ dự kiến là 2.252 tỷ đồng và lãi sau thuế là 744 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% va 45% so với kế hoạch thực hiện năm 2021.
Tương tự, CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, doanh thu thuần tăng 33% so với cùng kỳ đạt 235 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 90 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận khởi sắc nhờ tình hình kinh tế phục hồi, sản lượng cao su tiêu thụ tăng cao, từ đó giúp giá vốn mủ cao su giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, công ty có phát sinh thu nhập khác khoảng 40,5 tỷ đồng, chủ yếu từ thanh lý cây cao su.
Năm 2022, Cao su Tân Biên dự kiến khai thác 3.120 tấn cao su, thu mua 7.000 tấn, chế biến 3.593 tấn; tiêu thụ 35.100 tấn trong đó xuất khẩu chiếm 38%, nội địa chiếm 62%.
Tuy nhiên, công ty lại đặt doanh thu, lợi nhuận đi lùi so với năm 2021. Theo đó, doanh thu công ty dự kiến đạt 524 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 116 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 34% so với thực hiện 2021.
Ở chiều ngược lại, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cao su đi lùi.
Điển hình như CTCP Cao su Đồng Phú - Đắk Nông (Mã: DPD) với doanh thu 3,8 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2021; Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 270 triệu đồng, giảm 89%.
Cao su Đồng Phú cho biết dù giá cao su bình quân tăng 6% lên 38 triệu đồng/tấn nhưng sản lượng tiêu thụ lại giảm gần 4 lần, chỉ đạt hơn 100 tấn. Điều này khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc.
Năm 2022, Cao Su Đồng Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 56 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm 16% và 51% so với kết quả năm 2021.
Tương tự, CTCP Cao su Hòa Bình (Mã: HRC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 24 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 620 triệu đồng, lần lượt giảm 51% và 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, Cao Su Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu đạt 171 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 20% và 71% so với kết quả năm 2021.
Tính hết tháng 4, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 70% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, chính sách Zero COVID đang gây bất lợi cho xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 4 xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 46 nghìn tấn, tương đương 79 triệu USD, giảm 35% về lượng và giá trị so với tháng 3.
Lũy kế 4 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 326 nghìn tấn cao su, tương đương 562 triệu USD, không biến động về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu thông tin giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ.
Ngày 9/5, giá cao su RSS3 giao tháng 6 ở mức 12.270 nhân dân tệ/tấn (1,82 USD/kg), giảm 3,8% so với cuối tháng 4 và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân là Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn dịch COVID-19, khiến việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su.
VRA cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách Zero COVID của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su năm 2022. Trong khi, mặt hàng cao su phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển, do vậy, các yếu tố về vận chuyển hàng hải sẽ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su tự nhiên Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang siết chặt các biện pháp chống dịch, phong tỏa các thành phố lớn. Điều đó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm cao su, tác động đến nhu cầu cao su tự nhiên trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.