Techcombank Securities nắm hơn 21% vốn của công ty sở hữu thương hiệu mì 3 Miền
Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcombank Securities - TCBS) xuất hiện khoản đầu tư gần 213 tỷ đồng tính tới cuối tháng 6 vào CTCP Uniben - đơn vị sản xuất mì ăn liền, hủ tiếu, phở,...với thương hiệu nổi tiếng là 3 Miền và Reeva.
Theo báo cáo quản trị, quyết định đầu tư vào Uniben được Hội đồng quản trị TCBS đưa ra vào ngày 5/3, nhưng đến ngày 10/3 lại ra quyết định bán cổ phần nhưng không công bố chi tiết số lượng.
Uniben, tiền thân là Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng thành lập năm 1992. Đầu tháng 8 vừa qua, Uniben đã tăng vốn từ 900 lên 1.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài Greaton Investments Pte. Ltd (Singapore) nắm 48,88% vốn tại đây. Ngày 19/4, cổ đông Singapore này đã tăng sở hữu tại Uniben từ 44,39% lên 48,88% hiện tại.
51,12% vốn còn lại nằm ở tay nhóm tư nhân. Riêng khoản đầu tư 240 tỷ của TCBS nếu tính tới hiện tại không có sự thay đổi thì tương đương khoảng hơn 21% vốn của Uniben.
Phải nói thêm rằng Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), công ty mẹ nắm gần 89% vốn TCBS, là một mảng ghép trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: NSN). Trong đó, Masan lại đang sở hữu loạt thương hiệu mì đình đám như Omachi, Kokomi. Hết năm 2020, thị phần mì cả nước của Masan đứng thứ hai với 27,9% và đứng đầu tại thị trường phía Bắc với 41,5% thị phần.
Còn với thương hiệu mì 3 Miền, thời điểm quý III/2016, nhãn hiệu này sở hữu khoảng 26,5% thị phần trong nước, theo công ty tư vấn - nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.
Việc TCBS nắm hơn 21% vốn của công ty đối thủ của Masan đặt ra câu hỏi liệu đây có phải đơn thuần là một thương vụ đầu tư tài chính.
Uniben và sự hậu thuẫn từ Ngân hàng VIB của ông Đặng Khắc Vỹ
Uniben hiện có ba thương hiệu chính: 3 Miền, Reeva và JOCO cho các dòng sản phẩm mì ăn liền, cháo, phở, hủ tiếu, nước mắm, hạt nêm, nước tương, nước giải khát phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Năm 2004, thương hiệu 3 Miền được ra mắt còn thương hiệu Reeva được trình làng năm 2012.
CEO của đơn vị này hiện là ông Vũ Tiến Dũng (1978) kiêm Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật.
Uniben và Ngân hàng VIB luôn được biết có mối quan hệ thân thiết với nhau khi công ty con của Uniben là CTCP Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra) từng là cổ đông lớn nắm 14,99% vốn của VIB.
Tại Nettra, ông Đặng Khắc Dũng - anh trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ từng nắm 64,5% cổ phần. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VIB là ông Đặng Văn Sơn từng là Chủ tịch HĐQT của Nettra.
Chủ tịch Ngân hàng VIB Đặng Khắc Vỹ nằm trong nhóm "đại gia Đông Âu" từng khởi nghiệp tại Nga và sáng lập ra Mareven Food - công ty sản xuất mì ống và khoai tây nghiền. Mối lương duyên với mì gói theo ông từ Nga về Việt Nam và Uniben luôn được ông chủ VIB hậu thuẫn phía sau.
Theo thông tin chúng tôi có được, lợi nhuận của Uniben liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019. Hết năm 2019, Uniben đạt gần 42 tỷ đồng lãi sau thuế, doanh thu thuần là 2.856 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm 2019 đạt gần 34,5% và liên tục cải thiện từ năm 2016.
6 tháng đầu năm 2020, Uniben đạt gần 103 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng đột biến so với con số 1,3 tỷ của cùng kì năm 2019 trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh đầu năm ngoái đẩy nhu cầu mì gói lên cao.
Nguồn: H.K tổng hợp.
Tính tới cuối tháng 6/2020, quy mô tổng tài sản của Uniben khoảng 2.883 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Uniben đạt 1.153 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần.