Tăng trưởng tín dụng nhìn ở tương quan cung cầu
Tín dụng ngân hàng luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua việc thực hiện cung cấp vốn cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ và các cá nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn mức độ tăng trưởng và phân khúc tăng trưởng phụ thuộc vào hướng đi của các ngân hàng trong mỗi giai đoạn.
Mỗi nhóm ngân hàng thương lại có những định hướng chiến lược khác nhau, qua đó lại càng tạo ra sự khó lường trong bức tranh tín dụng hiện tại, nhất là việc tăng trưởng tín dụng đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc phân tích cấu trúc tăng trưởng tín dụng từ hai phía, cả cầu tín dụng và cung tín dụng trong quý 4 năm 2023 vừa qua sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn và chi tiết hơn về mức cấu thành tăng trưởng tín dụng cho đến cuối quý trước cũng như định hướng chiến lược của các nhóm ngân hàng.
Nút thắt tăng trưởng tín dụng ở phía cầu
Kinh tế khó khăn bởi những tác động từ môi trường bên ngoài cũng với những khó khăn nội tại của thị trường bất động sản đã khiến nhu cầu tín dụng hiện rất yếu. Nhu cầu tín dụng của thị trường về cơ bản đến từ ba khu vực là khu vực doanh nghiệp lớn, khu vực doanh nghiệp SME và khu vực của hộ gia đình.
Trong suốt gần một thập niên qua thì động lực tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đều nằm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cá nhân. Việc phân tách mức tăng trưởng tín dụng của từng nhóm cá nhân và doanh nghiệp, rồi đến cấu thành tăng trưởng trong các nhóm ngành nghề khác nhau như thế nào, là cách để chúng ta có thể có những cơ sở để đưa ra những dự báo sắp tới.
Chỉ trong quý 4/2023, khi tăng trưởng tín dụng của toàn thị trường đến cuối tháng 9/2023 chỉ đạt 6,9% đã tăng tốc lên mức 13,5% cho cả năm 2023. Xét tổng giá trị dư nợ thì nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn ước tính tăng trưởng 11,7% so với cuối năm 2022. Trong bối cảnh sức cầu yếu trong tiêu dùng và đặc biệt là việc các khoản cho vay mua nhà tăng trưởng thấp thay vì tăng trưởng mạnh như những năm trước.
Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 7,83% so với cuối 2022, và chỉ chiếm 21,19% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của các cá nhân thấp thì khả năng cao dư nợ cuối quý 4 đã được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp.
Các số liệu từ các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao như ngân hàng MB, Techcombank, HDB, MSB đều ghi nhận mức tăng trưởng dư nợ vượt bậc trong quý 4, ít nhất cũng đạt được hơn 13%. Điều này hàm ý phần tăng trưởng dư nợ trong giai đoạn nước rút cuối năm có thể đang đến từ các doanh nghiệp, đặc biệt là có thể một tỷ trọng cao từ các doanh nghiệp chưa niêm yết, trong khi mức tăng trưởng của cho vay cá nhân chỉ đạt mức thấp.
Biểu đồ 1: Thay đổi nợ vay của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán quý 4/2023 so với cùng kỳ
Tăng trưởng tín dụng đến cuối 2023 có sự khác biệt lớn giữa các nhóm ngành. Mức tăng trưởng cao nhất lần lượt thuộc về doanh nghiệp bất động sản, hàng tiêu dùng và công nghiệp. Trong khi đó, ngành dịch vụ tiện ích là nhóm ngành có mức giảm nợ ròng nhiều nhất.
Điểm sáng nhất trong bức tranh tăng trưởng tín dụng theo ngành nghề là việc tăng mạnh cho vay dài hạn của doanh nghiệp nhóm ngành công nghiệp, một trong những ngành đang chú trọng đầu tư và trở thành tiềm lực cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong bối cảnh thanh khoản bất động sản phục hồi chậm, ngành bất động sản cho thấy mức giảm lớn về quy mô nguồn vốn vay dài hạn khi quy mô trái phiếu đáo hạn hàng quý vẫn rất lớn.
Xét trong lĩnh vực công nghiệp, nổi bật nhất là việc Masan (Mã: MSN) tăng nợ vay dài hạn đến hơn 11.000 tỷ đồng trong kỳ, nhằm hỗ trợ cho các dự án mở rộng của Masan Consumer Holdings và WinCommerce. Song, Masan cũng đặt mục tiêu giảm đòn bẩy tài chính và nợ vay (tỷ lệ nợ/vốn chủ cuối năm 2023 là 2,85 lần) trong năm 2024 bằng việc gia tăng nguồn vốn đầu tư của các quỹ, điển hình là thương vụ Bain Capital đầu tư vào vốn cổ phần Masan thêm 50 triệu USD, nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD.
Đối với lĩnh vực bất động sản, tổng nợ vay của các doanh nghiệp trên sàn trong quý 4 năm 2023 tăng hơn 63.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Đặc điểm chung của phần vay nợ của ngành bất động sản là nguồn vốn ngắn hạn tăng mạnh để bù đắp cho phần vốn dài hạn sụt giảm, chủ yếu để thanh toán cho phần nợ vay trái phiếu đáo hạn hay đảo nợ trái phiếu cũ.
Điểm sáng nhất trong nợ vay của ngành nằm ở Vinhomes khi tăng mạnh ở nợ vay dài hạn (tăng 17.500 tỷ đồng) và và ngắn hạn (tăng khoảng 3.000 tỷ đồng), do doanh nghiệp vẫn đang triển khai nhiều dự án nhà ở và khu công nghiệp quy mô lớn. Như vậy, thực tế các doanh nghiệp bất động sản khác vẫn đang trong quá trình trả nợ và hoạt động đầu tư của một số ít doanh nghiệp vẫn cho thấy sự cải thiện.
Khả năng cung ứng tín dụng từ các ngân hàng
Tăng trưởng của ngành ngân hàng hiện đang có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm khách hàng khi các ngân hàng có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp cao là những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt hơn hẵn so với các nhóm còn lại. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như Maritime Bank (Mã: MSB), Techcombank (Mã: TCB), HD Bank (Mã: HDB), MB Bank (Mã: MBB), VP Bank (Mã: VPB) và TP Bank (Mã: TPB) là những ngân hàng dẫn đầu mức tăng trưởng tín dụng của ngành.
Trong khi đó, những ngân hàng phụ thuộc cho vay cá nhân có mức tăng trưởng rất thấp như VCB, STB và VIB trước nhu cầu vay thấp từ các cá nhân và chính sách cho vay thận trọng hơn của nhóm ngân hàng này. Thậm chí, ở những ngân hàng chuyên cho vay bán lẻ như trên thì mức tăng trưởng chủ yếu cũng đến từ doanh nghiệp và mức tăng trưởng cho vay cá nhân cũng ở mức rất thấp.
Biểu đồ 2: Tăng trưởng cho vay khách hàng so với cùng kỳ của các ngân hàng thương mại niêm yết
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỉ đồng, trong đó tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều bất ổn, các ngân hàng vẫn ưa thích cho vay tiêu dùng bất động sản hơn cho vay kinh doanh hoặc cho vay tiêu dùng thuần túy do mảng này có tài sản đảm bảo rõ ràng. Tuy nhiên, việc dòng chảy tín dụng tăng mạnh đối với mảng bất động sản lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu nếu khả năng thanh toán nợ vay của các cá nhân suy giảm bởi các ảnh hưởng kinh tế hồi phục chậm hiện nay.
Tựu trung lại, các con số thống kê trên từ báo cáo quý 4 cho chúng ta một góc nhìn đa chiều hơn về con số tăng trưởng tín dụng 13,6% trong năm 2023, đặc biệt là mức tăng trưởng bứt tốc trong giai đoạn quý 4 vừa rồi.
Tăng trưởng tín dụng thấp hay không sẽ không quan trọng bằng động lực tăng trưởng tín dụng đến từ đâu và có bền vững trong giai đoạn tiếp theo hay không. Triển vọng của tín dụng và sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các tiến triển và khả năng phục hồi của các ngành sản xuất chủ đạo và nền kinh tế nói chung. Nếu không thì tăng trưởng tín dụng sẽ còn nhiều biến động khó lường và nếu có thể cao thì mức tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là rủi ro đảo nợ, sẽ rất lớn.
Lê Hoài Ân, CFA - Nguyễn Thị Ngọc An, WiResearch