Sự cố nhà máy Vũng Áng 1 tác động ra sao tới hoạt động kinh doanh của PV Power?
Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) là một trong những cổ phiếu điện "hot" nhất trên sàn chứng khoán thời gian qua.
Bất chấp tình hình kinh doanh chưa có nhiều biến chuyển nhưng cổ phiếu POW vẫn lầm lũi tăng vượt đỉnh lịch sử với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện sẽ tăng trong năm 2022 nhờ tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi.
Tuy nhiên sau thông tin ước lỗ trăm tỷ trong quý IV vì sự cố nhà máy Vũng Áng 1, cổ phiếu POW bất ngờ quay đầu giảm sàn về 17.250 đồng/cp với thanh khoản kỷ lục hơn 68 triệu đơn vị.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty riêng quý IV, PV Power đã lỗ 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1.006 tỷ. Doanh thu quý IV ước đạt 4.133 tỷ đồng, giảm gần 48% so với quý IV/2020.
Ban lãnh đạo giải thích việc ghi nhận chi phí bảo dưỡng và sự cố Vũng Áng 1 là những ảnh hưởng chính đến kết quả quý IV.
Trước đó, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh chia sẻ với Báo Nhân dân, ngày 19/9 tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 buộc phải ngừng hoạt động do sự cố hư hỏng hệ thống tuabin. Nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên, ban đầu được xác định do mất điện tự dùng, dẫn đến hệ thống dầu bôi trơn ngừng vận hành gây ra hư hỏng các gối trục tuabin của tổ máy số 1.
Trong báo cáo kinh doanh tháng 11 công bố ngày 10/12, PV Power cho biết nhà máy điện Vũng Áng 1 đang dừng tổ máy số 1 để xử lý sự cố, tổ máy số 2 vận hành theo nhu cầu huy động của A0 với sản lượng trung bình 8,6 triệu kWh/ngày từ ngày 1 - 6/11, dừng máy đến ngày 14/11 và bắt đầu được huy động từ ngày 15/11, với sản lượng trung bình khoảng 10 triệu kWh/ngày.
Sự cố Vũng Áng 1 có thể tác động ngắn hạn tới triển vọng kinh doanh của PV Power
PV Power có tổng cộng 6 nhà máy điện gồm ba nhà máy nhiệt điện khí (Nhơn Trạch 1, 2 và Cà Mau 1&2), hai nhà máy thuỷ điện (Hủa Na, Đăk Đrink) và một nhà máy nhiệt điện than là Vũng Áng 1.
Nhà máy Vũng Áng 1 đặt tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư 33.651 tỷ đồng và đã đi vào vận hành thương mại năm 2015.
Giai đoạn 2015 - 2018, sản lượng nhà máy Vũng Áng 1 đóng góp trung bình 20% vào tổng sản lượng, thì đến năm 2020 đóng góp đến 34% tổng sản lượng điện của PV Power và là điểm sáng nhất của tổng công ty trong năm COVID-19 thứ nhất.
11 tháng đầu năm, nhà máy Vũng Áng 1 đạt sản lượng hơn 5,2 tỷ kWh, đóng góp lớn nhất vào sản lượng của cả tổng công ty. 11 tháng đầu năm, Vũng Áng 1 đem về cho PV Power 7.862 tỷ đồng doanh thu, chiếm 34% cơ cấu tổng doanh thu.
Đáng lưu ý, kể từ khi gặp sự cố, nhà máy Vũng Áng 1 chỉ đạt khoảng 10 - 11% kế hoạch sản lượng trong tháng 9 và tháng 10. Tới tháng 11, tổ máy số 2 hoạt động trở lại nên đã nâng công suất lên hơn 204 triệu kWh nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 34% chỉ tiêu tháng.
Năm 2022, ban lãnh đạo PV Power đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 24.242 tỷ đồng và 743 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,4% và 61% so với ước tính năm 2021 do kế hoạch sửa chữa Vũng Áng 1 lâu hơn dự kiến là quý III/2022 trong khi kế hoạch của Bộ Công thương là quý I/2022.
Phía Chứng khoán VNDirect đánh giá kế hoạch sửa chữa Vũng Áng 1 lâu hơn dự kiến sẽ khiến doanh thu Vũng Áng 1 giảm khoảng 2.700 tỷ đồng.
Hơn nữa, ban lãnh đạo PV Power cũng cho rằng tốc độ phục hồi phụ tải chưa bắt kịp được tốc độ tăng trưởng nguồn điện trong năm tới. Và hiện tại doanh nghiệp chưa hoàn thành đàm phán Qc cho các nhà máy điện.
Đây có thể coi là mức kế hoạch thận trọng của PV Power song ban lãnh đạo chia sẻ sẽ vẫn cố gắng đạt mức lợi nhuận không thấp hơn năm 2021.
SSI Research nhận định nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện sẽ tăng trong năm 2022 song, nhóm phân tích cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022.
Trong bối cảnh các mỏ khí giá rẻ dần cạn kiệt, giá khí vẫn duy trì mức cao sẽ làm nhóm điện khí kém cạnh tranh so với nhóm điện than. Khi đó EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn có chi phí thấp hơn là điện than.
Nếu giá than tăng 20% đi nữa thì giá bán của nhóm công ty điện than (1.300 - 1.500 đồng) vẫn thấp hơn nhiều so với nhóm điện khí. Do vậy, khi tiêu thụ hồi phục năm 2022, SSI Research tin rằng, sản lượng của nhóm công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn nhóm điện khí.
Do đó có thể thấy nhà máy điện than duy nhất của PV Power gặp sự cố (Vũng Áng 1) sẽ tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của tổng công ty khi các chuyên gia nhận định đây sẽ là nhà máy tăng trưởng tốt hơn các nhà máy điện khí trong năm 2022.
Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 - động lực tăng trưởng dài hạn của PV Power
Dù có khó khăn trong ngắn hạn ảnh hưởng bởi sự cố nhà máy Vũng Áng 1 nhưng xét về dài hạn dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 - nhà máy điện khí đầu tiên của Việt Nam được đánh giá là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu của PV Power từ năm 2023 khi nhà máy đi vào hoạt động.
Hôm 23/11, PV Power đã tổ chức khởi công san lấp mặt bằng xây dựng Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Nhà máy điện khí đầu t được đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có công suất 1.500 MW, sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp 1-1-1. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD, tương đương khoảng 33.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%.
Nhà máy Nhơn Trạch 3 dự kiến được vận hành thương mại vào quý IV/2023 và Nhơn Trạch 4 vào quý IV/2024. Theo kế hoạch, dự án sẽ sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ kho cảng LNG Thị Vải, tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn LNG/năm và nhiên liệu dự phòng là dầu DO.
Theo chia sẻ mới nhất của ban lãnh đạo, gói thầu EPC sẽ được chốt trong tháng 1/2022, và dự kiến khởi công trong quý I năm tới.
Một điểm đáng lưu ý là ngày 15/12, PV Power đã kết hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN, chính thức đưa hai nhà máy điện Cà Mau (1.500 MW) tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó, các chuyên gia đánh giá PV Power sẽ sớm thu hồi được khoản giữ lại trị giá hơn 800 tỷ đã trích dự phòng trước đó.
Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT PV Power từng giải đáp thắc mắc của cổ đông rằng hợp đồng mua bán điện của Cà Mau 1 và 2 được ký từ năm 2008 trên cơ sở dc chấp nhận của các Bộ. EVN và PVN đã ký thỏa thuận sau đó chuyển đổi cho PV Power.
Từ đó đến nay hợp đồng vẫn còn nguyên hiệu lực. Tuy nhiên, từ tháng 2/2018, EVN đã đơn phương giữ lại 60 tỷ đồng/tháng tiền điện (đây là khoản tiền chủ yếu liên quan đến tỷ giá áp dụng trong giá bán điện hàng tháng của hai nhà máy Cà Mau 1&2), có thời điểm số lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau đó, PV Power đã báo cáo với các Bộ liên quan về vấn đề đơn phương của EVN. Theo chỉ đạo, EVN năm 2020 đã hai lần trả lại hơn 1.300 tỷ đồng cho PV Power. Đây là phần chênh lệch phí công suất từ tháng 2/2018 đến hết năm 2019. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021 thì EVN vẫn tiếp tục giữ lại 834 tỷ đồng, tức mỗi tháng trung bình khoảng 60 tỷ đồng.