Soi sức khỏe ngân hàng thứ 27 chuẩn bị lên sàn chứng khoán
Vào ngày 20/7 tới, gần 445 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 13.500 đồng/cp, tương đương với vốn hóa ban đầu là hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, lợi nhuận trước thuế của VietABank tăng trưởng trung bình 50%/năm. Ngân hàng có hai cổ đông lớn sở hữu gần 20% vốn.
Lợi nhuận tăng trưởng trung bình 50%/năm
Tính đến cuối năm 2020, VietABank có một trụ sở chính tại Hà Nội và 98 chi nhánh, phòng giao dịch (tập trung chủ yếu ở khu vực TP HCM và Đông Nam Bộ). Ngân hàng chỉ có một công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản VAB với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Nguồn thu nhập chính của VietABank trong những năm gần đây vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thu nhập lãi cho vay trung bình mỗi năm vẫn chiếm khoảng 85%. Kế sau đó là các khoản thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ với tỷ lệ đóng góp mỗi năm từ 10 - 12%.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 50%/năm, từ mức 122 tỷ đồng năm 2017 lên 407 tỷ đồng năm 2020. Trong quý I vừa qua, VietABank báo lãi 125 tỷ đồng trước thuế, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong giai đoạn này, dư nợ cho vay khách hàng và số dư tiền gửi khách hàng đều đạt tăng trưởng hai con số mỗi năm.
Tính đến 31/3/2021, dư nợ cho vay của VietABank là 50.510 tỷ đồng. Trong đó, hơn 88% là các khoản cho vay doanh nghiệp, chỉ 11% còn lại là cho vay đối với cá nhân và các khách hàng khác. Một trong những nhóm ngành cho vay chủ đạo của ngân hàng là thương mại, sản xuất và chế biến, chiếm tỷ lệ 36% trong tổng dư nợ.
Tháng 8/2020, VietABank cho biết đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,18% cuối năm 2019 lên 2,3% vào cuối năm 2020, sau đó giảm xuống mức 2,19% sau ba tháng đầu năm nay.
Số dư tiền gửi khách hàng tính đến cuối quý I/2021 là 63.000 tỷ đồng, tăng hơn 83% so với cuối năm 2017. Tiền gửi có kỳ hạn chiếm chủ yếu trong đó với hơn 59.900 tỷ đồng, tức hơn 95%; tiền gửi không kỳ hạn khiêm tốn ở mức hơn 3.000 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ hiện tại là 4.449 tỷ đồng, VietABank đang nằm trong nhóm những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống. Theo kế hoạch được đại hội thường niên mới đây thông qua, VietABank sẽ tăng vốn điều lệ lên 5.400 tỷ đồng thông qua phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 21,35%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Ban lãnh đạo VietABank gồm những ai?
Hội đồng quản trị của VietABank gồm 6 người gồm Chủ tịch Phương Hữu Việt, Phó Chủ tịch Phan Văn Tới, 4 thành viên là ông Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Văn Trọng và Phương Thanh Long.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Trọng đồng thời cũng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Phụ trách điều hành của ngân hàng, sau khi Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hảo được miễn nhiễm vào cuối tháng 6 vừa qua.
Ban điều hành của VietABank còn có 5 Phó Tổng giám đốc bao gồm ông Trần Tiến Dũng, Cù Anh Tuấn, Phạm Linh, Lê Minh Huấn Và Phương Thành Long.
Ai đang sở hữu VietABank?
Tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và không có cổ đông nước ngoài. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức (32,16%) và 1.879 cổ đông cá nhân (64,1%).
VietABank có hai cổ đông lớn là là CTCP Rạng Đông và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 7,35% và 12,21%. Năm 2008, ông Phương Hữu Việt từng là Chủ tịch của Tập đoàn đầu tư Việt Phương. Sau ba năm công tác, ông đã rời vị trí này để gia nhập HĐQT VietABank.
Trong ban lãnh đạo ngân hàng, ông Việt là người sở hữu nhiều cổ phần nhất với hơn 20,2 triệu đơn vị, tương ứng với 4,55% vốn điều lệ. Chị dâu của ông Việt là bà Lương Thị Linh cũng nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu VAB (0,237%).
Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Thương Mại Củ Chi, doanh nghiệp do Phó Chủ tịch Phan Văn Tới làm chủ, nắm giữ gần 8,9 triệu cổ phần tại ngân hàng, tương đương tỷ lệ gần 2%. Song, ông Tới không trực tiếp sở hữu cổ phần nào.
Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Tiến Dũng cũng sở hữu hơn 4,5 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng gần 1,02% vốn điều lệ.