Sacombank, VPBank, OCB: Ba ngân hàng được dự báo lợi nhuận tăng trên 30% trong năm 2024
Lợi nhuận 2024 tăng trưởng khả quan
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán MB (MBS) nhận định kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2023 đã tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng năm 2024.
Bên cạnh đó, với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, các chuyên viên phân tích cho rằng lợi nhuận sau thuế của hầu hết ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan.
Lợi nhuận sau thuế của các nhà băng mà MBS đang theo dõi dự báo sẽ tăng trưởng 25,1% so với cùng kỳ trong năm 2024.
Danh sách theo dõi của MBS gồm 12 ngân hàng, bao gồm ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, OCB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB và VPBank. Trong đó, dự kiến Sacombank, VPBank và OCB sẽ là những ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong năm sau.
Trong đó, MBS dự báo lợi nhuận sau thuế của Sacombank tăng 73,4%, lên 12.279 tỷ đồng. Lợi nhuận của VPBank lên 17.772 tỷ đồng, tăng 40,4% và lợi nhuận OCB tăng 34,1%, lên 6.247 tỷ đồng. Tất cả nhà băng còn lại đều được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận dương, thấp nhất là gần 13%.
Khách hàng doanh nghiệp dẫn dắt tăng trưởng tín dụng
Theo MBS, tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục lấn lướt trong 6 đến 9 tháng tới. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô lớn.
Những ngân hàng có mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành (8,9% so với đầu năm) bao gồm BIDV (9,2%), HDBank (11,5%), MB (13,7%), Techcombank (13,5%) và VPBank (17,1%) đều có danh mục khách hàng doanh nghiệp lớn, với nhu cầu tín dụng cao.
Trong khi đó, nhóm NHTM có quy mô nhỏ và chuyên cho vay bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh bởi tác động kép từ nhu cầu tín dụng yếu và chất lượng tài sản sa sút đã chủ động giảm tăng trưởng và tập trung xử lý nợ xấu.
MBS kỳ vọng xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra trong quý IV/2023 cũng như hai quý đầu năm 2024 khi nhu cầu bán lẻ chưa thể phục hồi. Dòng tiền trả nợ yếu khiến nhóm khách hàng bán lẻ khó tiếp cận các chương trình giảm lãi suất của ngân hàng. Thay vào đó, dòng vốn sẽ tìm đến các doanh nghiệp lớn với tình hình tài chính khả quan hơn.
Tăng trưởng tín dụng năm sau ước đạt 13 - 14%
Theo đánh giá của MBS, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc, bao gồm GDP đang thể hiện xu hướng tích cực, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ, lãi suất cho vay giảm mạnh.
Từ những điều kiện trên, các chuyên viên phân tích cho rằng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt 13 đến 14%, trong khi GDP cả năm đạt 5,9%.
MBS nhận định rằng hoạt động cho vay bán lẻ như cho vay tiêu dùng, mua nhà và mua xe sẽ được kích cầu mạnh mẽ trong môi trường lãi suất thấp. Doanh nghiệp bất động sản có thể tiến hành giảm giá các sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người mua thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền khi mà các chính sách đang nới lỏng hơn trước, giúp kích thích dòng tín dụng.
Tương tự, hoạt động cho vay tiêu dùng và mua ô tô cũng sẽ có chính sách tương tự nhằm tận dụng quãng thời gian lãi suất thấp được duy trì. MBS kỳ vọng kịch bản này sẽ bắt đầu từ đầu quý II/2024.
Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) suy giảm rõ rệt trong năm 2022 và kéo dài trong cả năm 2023 sau những vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, …
Tuy nhiên, xu hướng tích cực đã dần xuất hiện khi giá trị phát hành đến hết hết ngày 27/11 tăng 3,6% so với cả năm 2022. Do đó, MBS cho rằng hoạt động phát hành TPDN sẽ khả quan hơn trong năm 2024, đạt 2,3% tổng dư nợ của các ngân hàng (quý III/2023 là 2,1%).
NIM sẽ phục hồi từ quý IV và tăng nhẹ trong năm 2024
Theo các chuyên viên phân tích, đà giảm của biên lãi thuần (NIM) đã có sự chậm lại trong quý III/2023. Mức lãi suất huy động toàn hệ thống hiện nay đang thấp hơn so với đáy trong giai đoạn COVID, mặc dù lãi suất điều hành đang cao hơn 50 điểm cơ bản.
MBS cho rằng điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vốn của các NHTM trong thời gian tới. NIM cả năm 2023 được dự báo sẽ giảm nhẹ so với 2022.
Trong bối cảnh các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp giúp nền kinh tế tiếp cận được vốn vay tín dụng, MBS cho rằng mặt bằng lãi suất thấp là yếu tố bắt buộc phải được duy trì trong ít nhất 6 đến 9 tháng tới.
Mặt bằng lãi suất huy động thấp được đánh giá là cơ hội để các ngân hàng gia tăng NIM. Tuy nhiên, việc giữ lãi suất cho vay thấp cũng sẽ là yếu tố then chốt để các NHTM nhận được hạn mức (room) tín dụng cao và gia tăng cạnh tranh.
Do đó, MBS kỳ vọng NIM trong năm 2024 của hầu hết các ngân hàng chỉ tăng nhẹ so với 2023 và sẽ không cao như cả năm 2022. Đặc biệt, nhóm NHTM nhà nước được dự báo sẽ không có được sự phục hồi NIM tốt như các NHTM cổ phần trong năm 2024 do hoạt động dưới vai trò là những công cụ điều tiết.
Rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tại quý III/23 đạt 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản (bps) so với 2022, và là mức NPL cao nhất từ năm 2015. Trong quý III, hầu như tất cả các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ NPL gia tăng so với đầu năm và các quý liền trước.
Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, còn 93,8% vào cuối quý III/2023. LLR của nhóm NHTM nhà nước đang cao hơn đáng kể so với nhóm NHTM cổ phần.
Trong bối cảnh trên, MBS kỳ vọng NPL toàn ngành sẽ tăng nhẹ 10 - 20 điểm cơ bản và đạt đỉnh trong quý IV/2023. Ngoài ra, việc sử dụng một lượng lớn trích lập dự phòng trong 9 tháng 2023 để xử lý nợ xấu cũng góp phần giúp NPL các ngân hàng đi xuống.