|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Rủi ro từ việc nhãn hàng kết hợp cùng các KOC/KOLs đang gặp rắc rối với người tiêu dùng

15:40 | 10/05/2023
Chia sẻ
Nhìn từ vụ việc của nữ TikToker Võ Hà Linh, nhãn hàng có thể chịu một số ảnh hưởng khi chọn kết hợp cùng KOC/KOLs tai tiếng, cả về mặt lợi và hại.

Ngày 8/5, cộng đồng antifan TikToker Võ Hà Linh cảm thấy hả hê với một video được đăng tải trong nhóm này từ tài khoản Facebook có tên là Hùng Ngọc. Trong đoạn video, khi một shipper mang hàng được đặt mua từ phiên livestream ngày 5/5 của Võ Hà Linh tới thì phía người mua từ chối nhận hàng, đồng thời rút tiền để "trả" cho shipper.

Đây là một điểm lạ thường với những người có thói quen "bom hàng" khi họ chỉ cần không thích hay vì một lý do nào đó thì sẽ từ chối nhận hàng. Tuy nhiên, với cộng đồng antifan TikToker Võ Hà Linh, họ đặt ra "tôn chỉ" là bom hàng văn minh.

Cụ thể, nhóm người này từ chối nhận hàng nhằm phản đối việc nhãn hàng tiếp tục hợp tác với Võ Hà Linh và để hành động này không làm ảnh hưởng đến người khác thì họ chấp nhận chi tiền trả phí vận chuyển cho shipper.

 Hình ảnh antifan từ chối nhận hàng từ thương hiệu kết hợp với TikToker Võ Hà Linh. (Ảnh chụp màn hình).

Trong bài phỏng vấn mới đây của VTV24, đa phần các shipper đều cho biết họ không cảm thấy vấn đề gì khi nhận tiền từ nhóm "bom hàng có văn minh" này. Shipper cho rằng việc của họ là vận chuyển và người mua chi tiền thì họ sẵn sàng nhận vì đó là công sức của họ. "Những vấn đề khác thì không liên quan đến mình", một shipper chia sẻ.

Nhãn hàng kết hợp với KOC "tai tiếng", nên hay không nên?

Trước những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng antifan của Võ Hà Linh, chúng tôi đã tìm cách liên hệ với một trong những nhãn hàng đã hợp tác với nữ TikToker trong phiên livestream ngày 5/5 là CTCP Sao Thái Dương, để tìm hiểu tác động từ phiên livestream ngày 5/5 đối với nhãn hàng. Tuy nhiên, phía CTCP Sao Thái Dương vẫn chưa phản hồi.

Để tìm kiếm thêm góc nhìn về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Đặng Thanh Định, Giám đốc Chiến lược (CSO) của Nerman, người từng có kinh nghiệm trong hoạt động quản lý KOC/KOLs. 

Trả lời từ vị trí của một đơn vị kinh doanh trong ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, ông Định cho rằng lựa chọn kết hợp với Võ Hà Linh của Sao Thái Dương là khá mạo hiểm. "Trong lúc chưa đánh giá được hết rủi ro từ KOC/KOLs mang lại mà lựa chọn triển khai ngay lúc đang nóng sẽ rất khó lường trước được phản ứng từ khách hàng và cộng đồng mạng", ông Thanh Định nói.

Nữ TikToker Võ Hà Linh bắt đầu gặp rắc rối với antifan kể từ phiên livestream hôm 4/4, kết hợp cùng nhãn hàng dầu gội Nguyên Xuân của công ty Dược phẩm Hoa Linh. (Ảnh chụp màn hình).

Như đã phản ánh, thương hiệu Sao Thái Dương đang nhận khá nhiều phản ứng tiêu cực. "Có thể chiến dịch mang lại hiệu ứng viral (lan truyền - PV) về thương hiệu cho các bên tham gia, nhưng đổi lại những phản ứng xấu tức thời thì các bên cũng phải giải quyết khá nhiều vấn đề", ông Định nói thêm.

Đáng chú ý, từ phiên livestream kết hợp cùng nhãn hàng Sao Thái Dương, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện bài đăng tố TikToker Võ Hà Linh khi hợp tác với Nguyên Xuân thì chê Thái Dương, giờ hợp tác với Thái Dương thì khen.

Cụ thể, trước đó, nữ TikToker từng chê bai sản phẩm của Sao Thái Dương vào năm 2022 để khen ngợi dầu gội Nguyên Xuân. Trong đoạn video được đăng tải trên YouTube, Võ Hà Linh từng nhận xét dầu gội Thái Dương như sau: "Khi cho mẹ mình sử dụng dầu gội Nguyên Xuân thì mẹ mình bảo là 'sao sản phẩm này cũng là dầu gội dược liệu nhưng lại không làm khô tóc quá như của Thái Dương', trong khi mẹ mình đã sử dụng dầu gội Thái Dương từ rất lâu rồi".

Tuy nhiên, trong buổi livestream mới nhất vào hôm 5/5, Võ Hà Linh lại khẳng định: "Mùi hương nó [Thái Dương] thơm và bám lâu lắm quý vị, sáng ra gội đầu đi làm chiều về vẫn thấy tóc thơm thoang thoảng. Riêng bạn nào bị ngứa da đầu thì nên sử dụng". 

Sau bài đăng nói trên, phía Võ Hà Linh đã lên tiếng phân trần như sau: "Video gốc mình lên từ 11/4/2022 đã review cả ba loại từ lâu lắm rồi. Còn không hề có chuyện mình chê Thái Dương rồi lên live khen. Mình nhấn mạnh không hợp Thái Dương 3 do khô tóc, nên trong livestream mình chỉ lựa chọn hai sản phẩm là 7 và 7plus để giới thiệu đến mọi người". Song, lý giải của nữ TikToker dường như khá thiếu thuyết phục vì ở thời điểm chê Thái Dương, cô không nói rõ sản phẩm dầu gội nào từ đơn vị này không hợp với mình.

Nhãn hàng không nên đối đầu với người tiêu dùng

Ông Định không ủng hộ việc nhãn hàng cùng KOC/KOLs đối đầu với antifan, đặc biệt là nhóm antifan có ý thức cao. Đi kèm với đó, CSO Nerman cũng không nghĩ cộng đồng antifan có thể đồng lòng trong việc trả phí vận chuyển cho shipper.

"Điều này chắc chắn là không tốt. Bao nhiêu phần trăm người bom hàng sẽ trả tiền cho shipper? Và bao nhiêu shipper phải gánh chịu những đơn hàng bom mà lỗi không thuộc về chính họ. Ngoài ra, các shipper thực ra chưa chắc đã cần số khoản tiền đó vì điều này có thể liên quan đến tỷ lệ giao thành công hàng của họ, nếu họ không đủ chỉ tiêu thì chắc chắn sẽ bị cắt thưởng, thậm chí bị phạt nếu tỷ lệ giao thành công kém. Vì vậy rất mong mọi người không trừng phạt thương hiệu hay shipper bằng những cách như vậy", ông Định bày tỏ quan điểm về cuộc chiến giữa antifan và Võ Hà Linh.

Đánh giá mặt lợi và hại của một nhãn hàng khi kết hợp với KOC/KOLs đang gặp vấn đề với người dùng, ông Định cho rằng về mặt lợi ích, nhãn hàng có thể thu hút sự chú ý lớn trong dư luận. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì phần thiệt đối với nhãn hàng là nhiều hơn.

"Dù nhãn hàng nhận được sự quan tâm lớn nhưng xấu hay tốt thì khó mà đo được, nên phần hại sẽ nhiều hơn. Có thể ảnh hưởng đến Brand Love (tình yêu thương hiệu - PV) hoặc thậm chí những chỉ số vận hành trực tiếp như doanh thu giảm, tỷ lệ hàng bị hoàn tăng", ông Thanh Định nói.

Là một đơn vị tham gia ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, mỗi tháng, Nerman thực hiện hàng nghìn video đánh giá về sản phẩm trên các nền tảng thông qua KOC/KOLs. Tuy nhiên, chiến lược bán hàng và tiếp thị thông qua KOC/KOLs của đơn vị này rất rõ ràng.

"Nerman duy trì quan điểm, dù thế nào thì chúng tôi cũng nhất định không sử dụng những bạn có có scandal hoặc đơn giản chỉ là có hình ảnh không tốt như mắng chửi trên livestream…", CSO của Nerman cho biết.

Cộng đồng antifan TikToker Võ Hà Linh xuất hiện từ sau những rắc rối của phiên livestream hôm 4/4. Nhóm antifan trên các nền tảng MXH đã tăng lên con số hàng trăm nghìn người. Dù những nhóm cộng đồng này từng bị đánh sập song cộng đồng này vẫn duy trì với nhiều nhóm nhỏ lẻ có số lượng thành viên khoảng 30-80.000 người, theo đuổi mục tiêu "không để Võ Hà Linh tiếp tục livestream bán hàng" vì những tai tiếng trước đó của TikToker này trong mảng review quán ăn hay mỹ phẩm.

Về phần Võ Hà Linh, cô sở hữu kênh YouTube có 1,91 triệu lượt đăng ký; kênh TikTok với 3,6 triệu lượt theo dõi; trang cá nhân có hơn 150.000 người theo dõi; trang Instagram có hơn 105.000 người theo dõi. Theo xác nhận từ đại diện nữ TikToker này, fanpage Facebook của Võ Hà Linh có hơn 1,7 triệu lượt theo dõi đã bị sập và chưa thể mở trở lại kể từ sau phiên livestream ngày 4/4.

Doanh Chính