|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Profile nữ CEO VinES: Từng học trường Kinh doanh Harvard, có kinh nghiệm thực chiến trong ngành M&A

17:27 | 20/05/2023
Chia sẻ
Bà Phạm Thuỳ Linh được nhận xét là một nữ lãnh đạo tài năng và thẳng thắn.

Tháng 8/2021, CTCP Giải pháp năng lượng VinES được thành lập với người đại diện theo pháp luật là bà Mai Hương Nội. Khi đó, bà Hương Nội cũng đồng thời là Chủ tịch kiêm CEO VinES.

Từ tháng 1/2022, vị trí CEO VinES đã được chuyển giao cho bà Phạm Thuỳ Linh - một gương mặt nữ lãnh đạo mới tại Tập đoàn Vingroup. 

VinES là một công ty quan trọng của Vingroup, giúp tập đoàn thực hiện chiến lược “kiềng ba chân” trong phát triển pin ô tô điện: mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới - hợp tác với đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới - tự nghiên cứu và phát triển sản xuất pin.

 Bà Phạm Thuỳ Linh. (Ảnh: Thanh Niên).

Nữ CEO học tại trường Kinh doanh Harvard

Bà Phạm Thuỳ Linh nhận bằng Cử nhân kinh tế quốc tế tại Viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội vào tháng 7/2007. Năm 2008, bà tiếp tục theo học Thạc sĩ Khoa học ngành Tài chính và Đầu tư tại Đại học Exeter - đây là thành viên thuộc Nhóm trường đại học nghiên cứu chuyên sâu danh tiếng Russell Group ở Tây Nam nước Anh.

Đến năm 2020, bà Linh tiếp tục học tại trường Kinh doanh Harvard.

Về sự nghiệp, từ tháng 8/2011 tới tháng 6/2020, bà Phạm Thuỳ Linh là giám đốc kiêm đồng sáng lập Công ty TNHH PYI Capital. PYI Capital là đại diện của M&A Worldwide tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn M&A tầm trung. Hiện trên website của Tập đoàn, bà Linh được giới thiệu với vị trí Cố vấn tài chính doanh nghiệp.

Tháng 8/2018, bà Thuỳ Linh đồng sáng lập chuỗi đồ uống Okkio Caffe tại TP HCM. Hiện chuỗi này đã có 5 cửa hàng tại các đường: Nguyễn Đức Cảnh (Phú Mỹ Hưng, Quận 7), Lê Lợi (Quận 1), Đồng Khởi (Quận 1), Xuân Thuỷ (Thảo Điền, Quận 2) và Phạm Ngọc Thạch (Quận 3).

Đầu năm 2019, bà Linh đồng sáng lập Tanachira Việt Nam - đơn vị thành viên của Tập đoàn Tanachira Thái Lan. Đây là tập đoàn quản lý ba thương hiệu thời trang quốc tế gồm Pandora (Đan Mạch), Cath Kidston (Anh), Marimekko (Phần Lan) và một nhãn hàng thời trang riêng Harnn.

Từ tháng 1/2021 tới tháng 6/2022, bà gia nhập Vingroup với vai trò Phó Tổng giám đốc Đối tác Chiến lược & Đầu tư công nghệ tại Công ty TNHH VinFast. 

Tháng 1/2022, bà Phạm Thuỳ Linh trở thành Giám đốc điều hành Công ty Vin Energy Solution (VinES).

Khả năng lãnh đạo

Nhận xét về bà Phạm Thuỳ Linh, ông Nguyễn Nam Khánh - nhà phân tích tại PYI Capital cho biết “Linh là một trong những người phi thường nhất mà tôi từng gặp/làm việc cùng trong suốt sự nghiệp của mình”

“Tôi đã có cơ hội làm việc trực tiếp dưới sự hướng dẫn của Linh trong hơn hai năm trong thời gian cô ấy ở vị trí lãnh đạo của PYI Việt Nam, giải quyết một số thương vụ M&A thành công trong hoàn cảnh có nhiều rắc rối phức tạp. 

Với tư cách là một người cố vấn, Linh nổi bật với tôi ở khả năng lãnh đạo, kỹ năng hoạch định chiến lược, kiến thức sâu rộng và hơn hết là sự kiên trì đối mặt với mọi tình huống khó khăn”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Huy Nguyễn, từng làm Giám đốc Công nghệ (ADAS) tại VinFast giai đoạn 1/2021 - 6/2022, nhận xét về đồng nghiệp Phạm Thuỳ Linh: “Linh làm việc với tôi trong chương trình ADAS cho VFe35 và VFe36 và cô ấy là đối tác kinh doanh tốt nhất mà tôi có thể đòi hỏi. 

Linh siêu thông minh, cô ấy có thể nhanh chóng tiếp thu, xây dựng kiến thức và sau đó sử dụng góc nhìn kinh doanh để giải quyết vấn đề, dù khó đến đâu. Điều khiến làm việc với Linh rất vui là Linh rất thẳng thắn và bộc trực, tập trung vào các quyết định quan trọng và hoàn thành công việc”.

Mới đây, ở vị trí mới, trao đổi trên tờ Thanh Niên, bà Linh cũng hết sức thẳng thắn khi cho biết VinES không tự tin cạnh tranh giá với pin Trung Quốc. 

“Không. Chúng tôi là startup (khởi nghiệp) mới hai năm, Trung Quốc họ đã làm được 10 năm. Về giá cả, hiện chúng tôi chưa đủ cạnh tranh, đó là thực tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ là những doanh nghiệp có tầm và có tâm tham gia vào ngành công nghiệp xanh này đều phải đi đường dài. 

Có những công ty phải trong giai đoạn đánh đổi, đầu tư trước, tập trung vào phát triển sản phẩm. Có công ty lại ở giai đoạn tập trung phát triển thị trường, có công ty đã ở giai đoạn tìm kiếm lợi nhuận, lúc này họ quay lại tối ưu giá thành”, CEO VinES chia sẻ.

VinES dưới thời CEO mới

Theo bà Linh, khách hàng của VinES rất đa dạng và vị CEO cho rằng ngoài câu chuyện giá, chất lượng pin cũng quan trọng không kém. Bà Phạm Thuỳ Linh tự tin khẳng định VinES có thể cạnh tranh với pin Trung Quốc.

Theo CEO VinES, so với Trung Quốc, Việt Nam cũng có lợi thế hơn khi thuế quan xuất khẩu pin sang thị trường như Bắc Mỹ rẻ hơn khoảng 2,5 lần. Là đối tác thương mại tốt với châu Âu và nhiều nước trên thế giới. 

Ngoài ra, VinES hiện là công ty duy nhất tại Đông Nam Á chủ động về công nghệ, nghiên cứu và sản xuất, đóng gói cell pin. Đây là lợi thế vô cùng quan trọng của khi thuế nhập khẩu trong khu vực bằng 0%.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu, dự kiến thị trường có đóng góp không nhỏ từ các công ty "ngoài" như VinES. (Nguồn: Bloomberg).

Bà Linh cũng cho biết VinES đang tập trung vào công nghệ lõi để làm ưu thế. Ngoài việc đi nhanh bằng cách hợp tác với đối tác đến từ Israel, Mỹ, Anh, châu Âu, Hàn Quốc nhưng thường là công nghệ phái sinh VinES còn chủ động tập hợp đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm tập hợp tinh hoa trong và ngoài nước để phát triển công nghệ lõi cũng như đa dạng sản phẩm, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Một mình Trung Quốc không thể ôm trọn bầu trời trong khi rất nhiều quốc gia đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu đang có động thái hạn chế pin từ Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa nguồn cung. Chính vì vậy, cơ hội đến với nhiều người trong đó có VinES.

Đây cũng là lý do tại sao VinES dù là công ty mới có nhiều khó khăn, thử thách như khởi đầu khi ra ngoài trao đổi với đối tác nước ngoài vẫn có cơ hội chào sản phẩm, dịch vụ của mình”, nữ CEO dự báo về triển vọng kinh doanh của công ty.

Thiên Trường

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.