Nữ CEO Trường Foods: 'Phụ nữ hãy là bông hoa tỏa hương, đừng để người khác tẩm hương lên mình'
Chạy dọc theo tỉnh lộ 316 vào khu vực huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, người đi đường sẽ không khỏi thắc mắc với những biển hiệu màu xanh lá cây đặc trưng cùng cái tên “Thịt chua Trường Foods”, được lắp đặt dọc khắp ngả đường. Trường Foods – là một thương hiệu chuyên món thịt chua đặc sản của người dân tộc Mường tại Phú Thọ.
Màu sắc nổi bật cùng tên gọi dễ đọc, Thịt chua Trường Foods khiến đa số du khách đi qua mảnh đất Thanh Sơn đều phải đặt câu hỏi: Chủ thương hiệu này là ai? Thoạt đầu, nếu chỉ dựa vào cái tên, nhiều người sẽ liên tưởng tới hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi nhưng khi tìm hiểu kỹ, tất cả sẽ phải bất ngờ vì chủ của CTCP Sản Xuất và Thương Mại Trường Foods – đơn vị đứng sau Thịt chua Trường Foods lại là một phụ nữ, người dân tộc thiểu số và mới chỉ 30 tuổi. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hoa, nữ CEO đã giành được deal đầu tư từ Shark Bình trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 vừa qua.
“Cháu cho cô chú gặp bố mẹ” – đây là phản ứng mà chị Thu Hoa nhận được thường xuyên từ những khách hàng đến tìm mua, đặt vấn đề phân phối thịt chua Trường Foods. Ngoại hình trẻ trung và có phần “non” của nữ giám đốc này khiến không ai nhận ra đây là chủ doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho rất nhiều bà con dân tộc Mường ở thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ.
Dù lịch trình bận rộn nhưng khi biết được mong muốn chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp tới độc giả, chị Nguyễn Thị Thu Hoa vẫn sẵn lòng trò chuyện với chúng tôi.
“Động lực kinh doanh đơn giản là kiếm tiền”
Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, không tiếp tục theo đuổi con đường học cao hơn, chị Nguyễn Thị Thu Hoa chọn lấy chồng và ở nhà sinh con. Trong những ngày đầu về nhà chồng, chị Thu Hoa được mẹ chồng truyền dạy cho công thức làm thịt chua gia truyền – một món đặc sản của bà con dân tộc Mường ở Phú Thọ.
“Ngày ấy, thịt chua không phổ biến và chỉ có một vài gia đình làm thôi. Tôi cùng hai chị em khác được mẹ chồng dạy cho cách làm thịt chua làm kế sinh nhai. Khi đó, tôi làm thịt chua cũng chỉ để kiếm tiền, lo cơm áo cho gia đình”, chị Thu Hoa kể lại.
Ngày ấy, thịt chua không phổ biến và chỉ có một vài gia đình làm thôi. Tôi cùng hai chị em khác được mẹ chồng dạy cho cách làm thịt chua làm kế sinh nhai. Khi đó, tôi làm thịt chua cũng chỉ để kiếm tiền, lo cơm áo cho gia đình
Theo nữ giám đốc, thời điểm chị bắt đầu kinh doanh vào năm 2010, chỉ có số ít địa phương lân cận cũng như thị trấn Thanh Sơn biết tới món đặc sản thịt chua. Các vùng khác hay thậm chí là thành phố Việt Trì gần như không có khái niệm về thịt chua.
“Ban đầu tôi kinh doanh thịt chua rất vô tư và không có suy nghĩ gì nhiều. Dần dà, việc tiếp xúc với thịt chua hàng ngày mang tới cho tôi một niềm đam mê với sản phẩm này. Ngày đó, chỉ có đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn biết tới thịt chua, các địa phương khác hay thành phố Việt Trì không hề biết gì về món đặc sản này. Việc đem thịt chua tới những nơi này để bán cũng khó như đưa tới các tỉnh khác vì người ta đều thắc mắc thịt chua là gì?”, chị Thu Hoa chia sẻ.
Nhận ra vấn đề, chị Thu Hoa đặt quyết tâm “phổ cập” món đặc sản của đồng bào dân tộc Mường tới mọi địa phương của vùng đất Tổ và xa hơn là khắp cả nước. “Tôi muốn mang món ăn này vào trong bữa cơm hàng ngày của người Việt chứ không chỉ dừng lại ở các bàn nhậu, phủ rộng khắp mảnh đất hình chữ S”, nữ sáng lập thương hiệu Trường Foods thể hiện tham vọng.
Khởi sự kinh doanh gặp nhiều khó khăn
Tiền thân của Thịt chua Trường Foods là cơ sở sản xuất Thịt chua Nghị Thịnh – đây là thương hiệu mà bố mẹ chồng truyền lại cho vợ chồng Thu Hoa cùng hai chị em bên chồng. Mặc dù cùng chung nơi sản xuất nhưng thịt chua khi đó lại không đồng đều về chất lượng.
“Nhiều khách lẻ phàn nàn với tôi rằng thịt lúc thì nhạt, lúc lại bị đậm quá. Tôi nhận ra vấn đề và quyết tâm cải tiến nó. Các chị em tôi đều được mẹ chồng truyền dạy theo kinh nghiệm, kiểu một nắm này, hai nắm kia trong khoảng bao nhiêu lượng thịt”, chị Thu Hoa nói.
Trong hai năm sau đó, chị Thu Hoa bắt tay giải quyết bài toán chất lượng, đặt mục tiêu tìm ra một công thức chung để sản xuất được thịt chua đồng đều về chất lượng trước khi đưa vào sản xuất thương mại. Năm 2015, thương hiệu Thịt chua Trường Foods chính thức ra đời.
“Tôi tự tin khi nói mình là người tiên phong thiết kế bao bì, tem nhãn màu cho sản phẩm thịt chua. Ngày trước, thịt chua có thể gọi là ‘sản phẩm cởi truồng’, nghĩa là đóng gói rất sơ sài, chỉ gói bằng băng dính rồi dán mác lên”, nữ giám đốc chia sẻ về hành trình khởi đầu của thương hiệu.
Nhờ có công thức, sản lượng của Trường Foods tăng lên đáng kể và công ty bắt đầu có những đại lý phân phối đầu tiên, dần mở rộng ra nhiều khu vực. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại. Sản phẩm thịt chua khi đó không thể bảo quản được trong thời gian dài, chỉ khoảng 7-10 ngày, kể cả sử dụng tủ lạnh.
Chị Thu Hoa nhớ lại: “Khi các đại lý e dè trong vấn đề này, chúng tôi lại phải tìm cách giải quyết. Tôi đi khắp các siêu thị, nghiên cứu sản phẩm của những nhà sản xuất thực phẩm khác để tìm ra cách kéo dài thời gian bảo quản. Việc này càng trở nên khó khăn hơn khi tôi không muốn sử dụng chất bảo quản vì nó sẽ ảnh hưởng tới hương vị của thịt chua”.
Cuối cùng, Thịt chua Trường Foods đã tìm ra cách có thể kéo dài được hạn sử dụng lên tới 2 tháng và không cần sử dụng chất bảo quản. Nhờ đó, doanh nghiệp càng trở nên lớn mạnh, vượt qua nhiều đối thủ khác tại địa phương khi nằm giữ công thức kéo dài thời gian.
Trước thời điểm lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam, Thịt chua Trường Foods sở hữu hơn 5.000 điểm bán, cán mốc 7 triệu sản phẩm được bán ra. Hiệu ứng Shark Tank sau đó giúp Thịt chua Trường Foods mở rộng lên 7.000 điểm bán, cơ bản phủ được thị trường các tỉnh phía Bắc. Doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng vào miền Trung và Nam.
Bài toán con người
Sinh ra từ cộng đồng dân tộc thiểu số và chọn sản phẩm đặc sản của vùng đất Thanh Sơn để kinh doanh, Thịt chua Trường Foods luôn chú trọng tới vấn đề tạo giá trị bền vững cho cộng đồng, mang lại tác động xã hội.
Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, khoảng 80-85% nhân sự của Trường Foods là nữ và 30% thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Doanh nghiệp luôn dành ưu tiên tuyển dụng cho bà con địa phương và sẵn sàng đào tạo từ quy trình làm việc cho tới tiếp cận công nghệ.
Tuy nhiên, bài toán con người cũng là một vấn đề khiến nữ giám đốc doanh nghiệp cảm thấy đau đầu. “Cũng như tôi, những người đã đi cùng tôi từ ngày đầu khởi nghiệp đều không có trình độ học vấn cao. Kinh doanh là quá trình mà tôi phải tự học hỏi và phát triển, rồi truyền đạt lại những gì mình biết cho cấp dưới.
Khi quy mô doanh nghiệp mở rộng cũng là lúc nhiều vấn đề phát sinh. Hiện tại, tôi cần có thêm người tài cũng như nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý cấp C của Trường Foods cho những mục tiêu tương lai”, nữ giám đốc Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ.
Về cách tuyển chọn con người, nữ CEO cũng đề cao chữ tín và yếu tố lòng trung thành. Chị Thu Hoa tin rằng những người tận tâm cống hiến và thể hiện sự trung thành với doanh nghiệp mới là người có thể đồng hành cùng mình trên một chặng đường dài.
Gia đình là điểm tựa
Tôi mong muốn chị em hãy tự lập trong cuộc sống. Bên cạnh việc chăm sóc gia đình, chị em nên có một công việc, tạo ra thu nhập và mang lại cho mình môi trường phát triển bản thân. Tôi luôn tin rằng nguồn năng lượng mà chị em tạo ra sẽ thu hút những điều tương xứng.
12 năm có thể là một hành trình chưa đủ dài đối với một doanh nghiệp nhưng với cô gái dân tộc Mường, Nguyễn Thị Thu Hoa – đó là một chặng đường đầy nỗ lực.
“Nhờ có mẹ và con gái đầu mà tôi mới mạnh mẽ tiến lên. Những ngày đầu tôi còn non nớt, người ta không chọn tôi mà tìm đến những cô chú có tên tuổi hơn trong vùng. Nhiều lúc nghĩ cũng nản lắm vì sản phẩm mình làm chưa tới đâu còn khó khăn thì cứ ập đến. Nhưng cứ nghĩ tới mẹ, nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn của gia đinh, tôi lại quyết tâm làm đến cùng”, chị Thu Hoa chia sẻ.
Nữ CEO Thịt chua Trường Foods có một nguyên tắc là dành thời gian buổi tối ở nhà với con, gác lại việc điều hành công ty đầy bận rộn. Khi được hỏi về lời khuyên dành cho chị em phụ nữ, CEO Thịt chua Trường Foods nêu quan điểm “Phụ nữ nên là bông hoa tỏa hương cho người khác ngắm, không nên là bông hoa để họ tẩm hương vào người”.
“Tôi mong muốn chị em hãy tự lập trong cuộc sống. Bên cạnh việc chăm sóc gia đình, chị em nên có một công việc, tạo ra thu nhập và mang lại cho mình môi trường phát triển bản thân. Tôi luôn tin rằng nguồn năng lượng mà chị em tạo ra sẽ thu hút những điều tương xứng”, chị Nguyễn Thị Thu Hoa dành lời khuyên cho chị em phụ nữ.