|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NIM ngân hàng có xu hướng giảm và có sự phân hoá, nhóm nào sẽ có ưu thế giữ được biên lợi nhuận tốt hơn?

08:18 | 04/04/2023
Chia sẻ
Theo VCBS, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ có NIM giảm nhẹ do áp lực duy trì lãi suất cho vay không tăng quá cao. Nhóm ngân hàng nhỏ thiếu hụt về thanh khoản NIM sẽ chịu áp lực giảm mạnh nhất.

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghi nhận suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong 2023.

Tăng trưởng tín dụng được dự báo ở mức 13 – 15% trong năm 2023, khi lãi suất cho vay tăng mạnh, các rủi ro liên quan trái phiếu doanh nghiệp và các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá và bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn.

Trong đó, các ngân hàng có phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được ưu tiên hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành.Cùng với đó, các ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bối cảnh thị trường trái phiếu kém lạc quan và hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế. 

Các ngân hàng hiện nắm giữ trên 20% lượng TPDN đang lưu hành, chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tín dụng. TPDN được thẩm định như một khoản cho vay trung và dài hạn, bao gồm phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ, có đầy đủ tài sản đảm bảo. Một số ngân hàng nắm giữ khối lượng TPDN lớn như TPBank, NCB, MB, Techcombank.

  Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp.

Theo các chuyên gia của VCBS, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp trong nửa đầu năm do lãi suất cao làm chậm lại nhu cầu của nhóm khách hàng đủ điều kiện giải ngân. Sang nửa cuối năm, lãi suất kỳ vọng sẽ hạ nhiệt kéo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành cải thiện mạnh mẽ.

NIM nhóm Big4 sẽ có xu hướng giảm nhẹ hơn

Lãi suất tăng sẽ khiến cho biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng và CASA có xu hướng giảm. Độ trễ của kỳ hạn huy động và thời điểm tăng lãi suất mạnh nhất rơi vào tháng 10. Việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu được phản ánh khi 12/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận NIM quý IV giảm 0,1 – 0,8% so với NIM quý III/2022.

Cuối năm 2022, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tiếp tục giảm xuống 20,4% do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng nhanh hấp dẫn dòng tiền chảy ra khỏi tài khoản thanh toán, cùng với việc các doanh nghiệp rút tiền phục vụ nhu cầu về vốn hoạt động và thực hiện thanh toán các nghĩa vụ tài chính, trong đó có mua lại TPDN trước hạn.

  Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp.

Mức độ thu hẹp của NIM rõ ràng hơn ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản, trong khi nhóm ngân hàng có lợi thế về CASA, tiếp cận được nguồn vốn offshore giá rẻ sẽ chịu ít áp lực hơn.

Cụ thể, nhóm ngân hàng tư nhân tăng nhanh về tập khách hàng và sức hút tiền gửi có NIM giảm nhẹ hoặc đi ngang nhờ duy trì tỷ lệ CASA cao và chi phí vốn thấp. Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước NIM giảm nhẹ do áp lực duy trì lãi suất cho vay không tăng quá cao. Nhóm ngân hàng nhỏ thiếu hụt về thanh khoản NIM sẽ chịu áp lực giảm mạnh nhất.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng nhưng có sự phân hoá

Bên cạnh đó, nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Những ngân hàng có rủi ro nợ xấu cao là nhóm có tỷ trọng cho vay bất động sản và TPDN cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. 

Đến cuối 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,6% từ mức 1,4% cuối 2021, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 1,8% do một phần nợ tái cơ cấu chuyển nhóm khi Thông tư 14 hết hiệu lực.

 Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp.

Tỷ lệ nợ tái cơ cấu giảm mạnh kể từ quý I/2022 nhờ khả năng trả nợ phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC ở mức 1%, bao gồm khoảng 0,6% đến từ SCB, 0,2% đến từ Sacombank. Chi phí tín dụng duy trì ở mức cao khi các ngân hàng tiếp tục tăng cường trích lập trước thời hạn cho các khoản nợ xấu tiềm tàng.

Chi tiết số dư nợ tái cơ cấu các ngân hàng năm 2022 (tỷ đồng)

 Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng ngành ngân hàng đã có sự cải thiện về sức khoẻ rõ rệt sau 10 năm tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng dần qua các năm.

 

 Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp. 

Diệp Bình