|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp nào khiến lợi nhuận trên sàn HNX, VN30 đi xuống trong khi UPCoM tăng mạnh?

12:19 | 05/08/2022
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp giảm lãi như Hòa Phát, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ như Petrolimex, Đầu tư I.P.A, Chứng khoán SHS, ... đã khiến cho lợi nhuận của nhóm VN30 và trên sàn HNX giảm sút. Trong khi đó, kết quả kinh doanh khởi sắc của BSR, OIL, ACV, ... đã đóng góp tích cực cho UPCoM.

Theo thống kê từ Chứng khoán SSI tính đến hết phiên 4/8, đã có tổng cộng 1.107 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, HNX, và đăng ký giao dịch tại UPCoM công bố kết quả kinh doanh quý II/2022, chiếm 69% tổng số doanh nghiệp và 98% vốn hóa toàn thị trường.

Số doanh nghiệp báo lãi chiếm 82,3%, còn lại 196 công ty thua lỗ. Phân bố số doanh nghiệp lãi, lỗ theo từng sàn giao dịch cụ thể như sau:

Đa số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có lãi quý II/2022 tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đã công bố là 129.616 tỷ đồng, tăng trưởng 11,9% so với quý II/2021. Các doanh nghiệp tại HOSE tiếp tục dẫn đầu với lãi thuần 95.041 tỷ đồng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ chỉ đạt 2% thay vì mức hai chữ số như các quý trước.

Nhóm doanh nghiệp lớn trong chỉ số VN30 là lực cản chính đối với lợi nhuận của HOSE nói chung khi lợi nhuận giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX còn sa sút mạnh hơn khi lợi nhuận sụt gần 42%. Trái lại, các doanh nghiệp đăng ký giao dịch UPCoM lại báo cáo lợi nhuận tăng trưởng tới 86% lên trên 31.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trên sàn UPCoM tăng đột biến trong khi VN30 và HNX đi xuống.

Lợi nhuận nhóm VN30 và HNX đi xuống vì ai?

Trong nhóm blue chip VN30, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) là doanh nghiệp duy nhất báo lỗ dù cùng kỳ năm ngoái có lãi nghìn tỷ.

Theo giải trình của Petrolimex, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động thất thường. Cụ thể, giá dầu WTI tăng từ 99,4 USD vào đầu quý II lên mức 122 USD rồi sau đó giảm sâu còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.

Petrolimex tăng cường nhập khẩu để bù đắp nhu cầu tiêu dùng của xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao, dẫn tới biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu quý II/2022 suy giảm lớn.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn. Để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính tới nhà đầu tư, Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được.

Giá trị trích lập dự phòng là 1.259 tỷ đồng. Nếu không có khoản chi phí khổng lồ này, Petrolimex đã không thua lỗ trong quý II vừa qua. Tổng giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6 là hơn 1.330 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với mức 224 tỷ đồng của ngày đầu năm 2022.

Petrolimex lỗ 141 tỷ đồng trong quý vừa qua, trái với khoản lãi gần 1.600 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Petrolimex cũng là doanh nghiệp duy nhất trong VN30 báo lỗ.

Nhiều doanh nghiệp khác trong VN30 vẫn có lãi nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) là một ví dụ điển hình.

Quý II vừa qua, doanh nghiệp thép của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận lãi sau thuế 4.023 tỷ đồng, giảm tới 59%. Nguyên nhân là chi phí vận tải và các nguyên vật liệu chính trong quá trình sản xuất, đặc biệt là than cốc, tăng cao. Giá vốn hàng bán quý II tăng 31% so với cùng kỳ trong khi doanh thu chỉ nhích lên 6%, dẫn tới lãi gộp giảm.

Nhu cầu thép thế giới suy yếu vì Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID. Cầu thép trong nước giảm theo xu hướng chung, nhất là với thép cuộn cán nóng (HRC). Giá bán thép đi xuống khiến Hòa Phát phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 575 tỷ đồng, dẫn tới tăng gánh nặng chi phí và kéo tụt lợi nhuận.

Biên lợi nhuận của Hòa Phát giảm sâu vì chi phí nguyên liệu và vận tải tăng, trong khi giá bán thép giảm trong nửa sau quý II.

Trên toàn HOSE, nhiều doanh nghiệp lỗ lớn đã kéo tụt kết quả kinh doanh chung của cả sàn. Cụ thể, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) báo cáo lợi nhuận âm 2.568 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của đại gia ngành hàng không này.

Tập đoàn FLC cũng lỗ 640 tỷ đồng trong quý II, nâng số lỗ nửa đầu năm lên trên 1.100 tỷ đồng. CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) và Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng lỗ hàng trăm tỷ.

Trên sàn HNX, việc tổng lợi nhuận sau thuế giảm tới 42% so với cùng kỳ có một phần nguyên nhân là một số doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh đảo chiều từ lãi thành lỗ.

Cụ thể, Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã: IPA) có lãi gần 950 tỷ đồng trong quý II/2021 nhưng trong quý II năm nay lỗ hơn 94 tỷ. Công ty cổ phần Licogi 14 (Mã: L14) chuyển từ lãi 23 tỷ đồng thành lỗ 346 tỷ.

CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã: APS) cùng kỳ năm ngoái có lãi nhẹ nhưng quý II năm nay lỗ sau thuế gần 363 tỷ. Cùng ngành với APS, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS) cũng chuyển từ lãi 310 tỷ trong kỳ trước thành lỗ 297 tỷ trong kỳ này.

Nhiều doanh nghiệp trên sàn HNX lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, kết quả kinh doanh chung khởi sắc nhờ sự đóng góp lớn của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) – đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.

Riêng trong quý II, BSR đã lãi sau thuế 9.910 tỷ đồng, cao chưa từng thấy trong lịch sử và gấp gần 6 lần cùng kỳ 2021. Lợi nhuận của một mình BSR đã chiếm gần 1/3 toàn thị trường UPCoM cho tới thời điểm này.

Cùng trong ngành dầu khí ở UPCoM, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL – Mã: OIL) báo cáo lợi nhuận 510 tỷ đồng, tăng trưởng 87,5% so với quý II năm ngoái.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Quý II vừa qua, ACV báo lãi sau thuế cao kỷ lục gần 2.600 tỷ đồng, lớn hơn tổng lợi nhuận trong cả hai năm đại dịch cộng lại. Ngoài nhu cầu hàng không – du lịch hồi phục sau COVID-19, diễn biến thuận lợi của tỷ giá yen Nhật cũng tác động đáng kể tới lợi nhuận của ACV.

Song Ngọc - Đức Quyền