Những đại gia trên sàn có hàng tỷ USD lợi nhuận giữ lại, chưa chia cho cổ đông
Các doanh nghiệp sau khi làm ra lợi nhuận sẽ đối diện với câu hỏi cần làm gì với số lợi nhuận đó.
Đầu tiên, doanh nghiệp sẽ trích ra một phần lợi nhuận cho các quỹ như quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ vốn điều lệ, hay quỹ công tác xã hội. Có những quỹ nào và mức trích bao nhiêu là tùy từng doanh nghiệp.
Với năm 2021, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) trích 5 tỷ đồng cho quỹ công tác xã hội, không trích quỹ đầu tư phát triển và dành ra 97 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Tại Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM), chỉ có một quỹ duy nhất là quỹ dự trữ và mức trích cho năm 2021 là 5 tỷ đồng.
Ở Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Hội đồng quản trị dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông họp ngày 24/5 tới đây phương án trích quỹ đầu tư phát triển 5 tỷ đồng, quỹ khen thưởng phúc lợi 1.036 tỷ đồng (bằng 3% lợi nhuận sau thuế), quỹ khen thưởng ban điều hành 496 tỷ đồng (3% phần lợi nhuận vượt kế hoạch) và thù lao HĐQT 172 tỷ đồng (bằng 0,5% lãi sau thuế).
- TIN LIÊN QUAN
-
Hòa Phát dự kiến chia cổ tức 35%, số cổ phiếu HPG sẽ vượt 5,8 tỷ đơn vị 29/04/2022 - 14:32
Ở đa số doanh nghiệp, nhất là với những công ty nhỏ có kết quả kinh doanh khiêm tốn, mức trích các quỹ thù lao và khen thưởng sẽ không thể hào phóng như Hòa Phát. HĐQT của những doanh nghiệp này chỉ nhận thù lao khoảng 8-10 triệu đồng mỗi tháng.
Sau khi trích xong các quỹ và chi trả tiền thưởng, doanh nghiệp sẽ tính đến chuyện nên trả cổ tức hay không và nếu trả thì bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu.
Nếu trả cổ tức bằng tiền mặt thì quy mô bảng cân đối kế toán sẽ giảm đi đúng bằng giá trị của đợt cổ tức. Giả sử doanh nghiệp dùng 1.000 tỷ đồng để thanh toán cổ tức thì khoản mục Tiền và tương đương tiền (bên phía Tài sản) và khoản mục Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (bên phía Nguồn vốn) cùng giảm đi 1.000 tỷ.
Nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, tổng tài sản và giá trị các khoản mục tài sản không thay đổi. Nhưng ở bên phía Nguồn vốn, giá trị khoản mục Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ giảm đi một lượng đúng bằng mức tăng của khoản mục Vốn cổ phần.
Nói cách khác, tiền vẫn ở trong công ty, chỉ chuyển từ chỗ Lợi nhuận giữ lại sang chỗ Vốn cổ phần. Sau khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ sẽ tăng lên theo giá trị cổ phiếu mới phát hành.
Nếu không chia cổ tức, giá trị các khoản mục trên bảng cân đối kế toán sẽ không đổi. Theo thời gian, khi doanh nghiệp làm ra thêm nhiều lợi nhuận, giá trị Lợi nhuận giữ lại cũng sẽ lớn lên theo.
Thống kê dưới đây cho thấy tại ngày 31/3 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có 6 doanh nghiệp với lợi nhuận giữ lại trên 1 tỷ USD (tức là trên 23.000 tỷ đồng).
Vinhomes dẫn đầu với khối “của để dành” gần 84.000 tỷ. Đại hội thường niên 2022 tổ chức ngày 12/5 đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% vốn điều lệ, tổng trị giá khoảng 8.700 tỷ đồng. Vì vậy, trong thời gian tới, lợi nhuận giữ lại của Vinhomes sẽ giảm đi khoảng 8.700 tỷ do trả cổ tức.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) đứng thứ 2 với lợi nhuận giữ lại gần 53.000 tỷ. Từ khi lên sàn vào tháng 6/2018 đến nay, Techcombank chưa một lần trả cổ tức tiền mặt, chỉ một lần chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:2.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 23/4, ban lãnh đạo Techcombank cũng cho biết không có kế hoạch trả cổ tức trong tương lai.
Tập đoàn Hòa Phát đứng thứ 3 về khoản mục lợi nhuận giữ lại với xấp xỉ 50.000 tỷ. Năm ngoái, tập đoàn thép của tỷ phú Trần Đình Long đã trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%.
Năm nay, Hòa Phát sẽ trình đại hội cổ đông phương án cổ tức bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 30%. Việc chia cổ tức này sẽ làm giảm khoản mục lợi nhuận giữ lại lại và tiền mặt, nhưng làm tăng vốn điều lệ của Hòa Phát.
Trong những năm qua, Hòa Phát đã tích lũy lợi nhuận để xây dựng Khu Liên hợp Sản xuất Gang thép tại Dung Quất (Quảng Ngãi) trị giá 65.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, tập đoàn sẽ khởi công giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ.
Những cái tên còn lại trong top 10 bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG), Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã: MBB), CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Tổng Công ty Khí Việt Nam (Mã: GAS) và Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB).
Các doanh nghiệp trong top 10 kể trên đều có điểm chung là lợi nhuận quý đầu năm nay đạt trên 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tại ngày 31/3 trên 1 tỷ USD.
Một đại gia ngân hàng là BIDV (Mã: BID) không có tên trong top 10 do vào năm ngoái, nhà băng này đã trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25,8% để tăng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng, khiến lợi nhuận giữ lại giảm xuống.
Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ tại ngày cuối quý I/2022 như Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG), Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HNG), Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) hay Tập đoàn Đại Dương (Mã: OGC).
Một doanh nghiệp khác cũng thua lỗ khủng trong những quý gần đây là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN). Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 chưa kiểm toán, Vietnam Airlines có lỗ lũy kế xấp xỉ 22.000 tỷ đồng. Hiện nay, tổng công ty này chưa công bố báo cáo quý I/2022 nên chưa có số liệu cùng thời điểm để so sánh.