|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều cổ phiếu mất 30% - 50% giá trị trong vài tháng, doanh nghiệp gian nan huy động vốn qua phát hành cổ phiếu

08:17 | 06/06/2022
Chia sẻ
Kênh trái phiếu bị siết, kênh huy động vốn qua cổ phiếu lại lên ngôi khi thế hệ F0 bùng nổ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không thuận lợi, nhiều cổ phiếu mất tới nửa giá trị trong vài tháng qua, thậm chí xuống dưới mức giá phát hành đã khiến nhiều doanh nghiệp phải hoãn, huỷ các phương án tăng vốn.

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đóng vài trò là kênh huy động vốn quan trọng trong trung, dài hạn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên đà phát triển nhanh và nóng đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm.

Sau vụ việc 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ hồi đầu tháng 4 vừa qua và sau Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước, lượng huy động qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt 61.900 tỷ đồng, giảm hơn 74% so với quý IV/2021.

Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn tích cực đẩy mạnh phát hành TPDN trong quý I với tổng khối lượng là 38.200 tỷ đồng, chiếm tới 62% tổng lượng phát hành và tập trung chủ yếu trong tháng 1 và 3. Sang tháng 4, sau vụ việc Tân Hoàng Minh, lượng TPDN do doanh nghiệp BĐS phát hành là 820 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 21.000 tỷ đồng.

   Nguồn: SSI Research. 

Đáng chú ý, sau vụ việc của Tân Hoàng Minh, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn. Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I.

Siết trái phiếu, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu lên ngôi

Ngoài việc bị siết chặt trái phiếu, huy động vốn từ kênh tín dụng của doanh nghiệp cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Đầu tháng 4 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động, trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.

Do nhu cầu vốn vẫn tăng cao, đặc biệt sau giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng huy động vốn trên sàn chứng khoán thông qua hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua.

Tiêu biểu là nhóm ngành BĐS có một loạt các doanh nghiệp huy động một khoản vốn lớn thông qua phát hành cổ phiếu như: Địa ốc Hoàng Quân (HQC), DIC Corp (DIG), CEO Group (CEO), Hodeco (HDC), Thủ Đức House (TDH),...

Không chỉ doanh nghiệp BĐS, nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất cũng tranh thủ huy động vốn trên thị trường chứng khoán như: HAGL (HAG), Phú Tài (PTB), Gỗ Trường Thành (TTF),...

Danh sách các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn năm nay. (Nguồn: Tổng hợp từ các doanh nghiệp). 

Thị trường không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp hoãn phát hành

Trước những diễn biến không thuận lợi trên thị trường chứng khoán vừa qua, cụ thể chỉ số VN-Index đã lao dốc từ hơn 1.500 điểm đầu tháng 4 xuống dưới 1.200 điểm vào giữa tháng 5, hàng loạt cổ phiếu giảm sâu tới 30-40% trong giai đoạn này thậm chí mất trên nửa giá trị.

Thị trường bất ngờ "quay xe", giá cổ phiếu lao dốc mạnh, một số doanh nghiệp đã tiến hành thay đổi kế hoạch huy động vốn hoặc hoãn chờ thời điểm thị trường diễn biến thuận lợi hơn nhằm đảm bảo khả năng thành công cho các đợt huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Diễn biến chỉ số VN-Index thời gian vừa qua. (Nguồn: TradingView.)

CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, Mã: HAX) vừa quyết định tạm hoãn phương án phát hành 49,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Doanh nghiệp lý giải cho quyết định này là do diễn biến thị trường hiện nay không tốt, nếu phát hành ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông và lợi ích của công ty. 

Trên thị trường, giá cổ phiếu HAX cũng vừa trải qua đợt giảm giá mạnh hơn 44% kể từ cuối tháng ba, từ mức đỉnh 40.000 đồng/cp xuống mức 22.400 đồng trong phiên giao dịch sáng nay 1/6. 

Tương tự, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, Mã: HDC) cũng tạm hoãn việc phát hành riêng lẻ năm nay và xem xét thực hiện vào một thời điểm khác nhằm đảm bảo lợi ích của công ty cũng như cổ đông. Giá cổ phiếu HDC kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6 chỉ còn 60.200 đồng, bằng 60% mức giá phát hành 100.000 đồng/cp.

Ngoài ra, CTCP Louis Capital (Mã: TGG) cũng thông báo hủy phương án phát hành 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu được cổ đông thông qua từ kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối tháng 11/2021

Tổng giám đốc công ty cho biết thị giá cổ phiếu TGG trên sàn chứng khoán biến động lớn tại thời điểm chuẩn bị phát hành. Ban điều hành nhận thấy đợt phát hành không còn phù hợp nên quyết định hủy bỏ đợt phát hành riêng lẻ. Giá cổ phiếu TGG kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6 là 7.890 đồng/cp.

Ngoài ra, thị giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp này đang ở dưới giá phát hàng như giá cổ phiếu HQC kết thúc phiên giao dịch 2/6 là 6.000 đồng/cp trong khi giá phát hàng là 10.000 đồng/cp. Tương tự, Thuduc House dự kiến phát hành cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp xong giá cổ phiếu THD kết phiên 3/6 chỉ còn hơn 7.100 đồng/cp.

Việc nhiều mã cổ phiếu giảm sâu, thậm chí giảm xuống dưới giá phát hành đã khiến cho các doanh nghiệp lo ngại về sự thành công của các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Thời gian vừa qua, thị trường diễn biến không mấy tích cực khiến cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán càng gian nan.

T.Đan