|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm về đáy một năm

14:30 | 06/12/2024
Chia sẻ
Một số đại diện ngành chứng khoán ghi nhận xu hướng giảm giá trong nhiều tháng gần đây. Cổ phiếu quay lại vùng thấp nhất trong khoảng một đến một năm rưỡi, kể đến VND, SHS, TCI, ABW...

Sau cú lao dốc trong năm 2022, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng trở lại từ cuối 2022 qua năm 2023. Là lĩnh vực có tính “nhạy” với thị trường nhất, ngành chứng khoán ghi nhận các cổ phiếu hồi phục.

Xu hướng đi lên của nhóm này vẫn tiếp diễn qua đầu năm 2024, trong bối cảnh thanh khoản và thị trường chung đều khởi sắc.

Tuy nhiên từ khoảng tháng 4 đến tháng 11, thị trường bước vào xu hướng đi ngang cùng thanh khoản giảm sút. Sự phân hóa diễn ra ngày càng rõ rệt giữa các nhóm ngành và cả các mã trong ngành.

Với nhóm công ty chứng khoán, hiếm hoi mã ghi nhận tăng trong khoảng từ tháng 4 đến đầu tháng 12, kể đến MBS hay BVS.

Xu hướng giảm gần như chiếm chủ đạo, kể cả vốn hóa lớn như SSI, VND, VCI. Đến đầu tháng 12, nhiều mã đã quay lại vùng thấp nhất trong vòng một năm đến một năm rưỡi, như VND, SHS, TCI, ABW.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm về đáy 1-2 năm (tính đến 5/12). (Biểu đồ: TradingView).

Đơn cử như cổ phiếu của VNDirect (Mã: VND), diễn biến giảm giá đã kéo dài từ tháng 4 đến nay và không có nhịp hồi phục nào đáng kể. Thị giá có lúc rơi về vùng 13.000 đồng/cp vào đầu tháng 12, thấp nhất kể từ tháng 5/2023 (khoảng một năm rưỡi) (các mức giá đã điều chỉnh).

Xét tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của VNDirect trong ba quý đầu năm đều thấp hơn so với quý IV/2023.

Gần nhất, doanh thu hoạt động quý III ghi nhận 1.270 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và thấp nhất trong 5 quý. Lợi nhuận sau thuế là 606 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, và thấp thứ hai trong năm quý (cao hơn quý II liền trước với 345 tỷ đồng).

Doanh thu môi giới hai quý gần nhất là quý II và quý III đều dưới 200 tỷ đồng, trong khi ba quý trước đều đạt trên 200 tỷ đồng. Diễn biến này xảy đến ngay sau sự cố bị tấn công hệ thống vào tháng 3/2024. Sự cố đã tác động phần nào đến lòng tin của khách hàng và nhà đầu tư. Tuy được giải quyết và hệ thống trở lại hoạt động từ đầu tháng 4, mảng môi giới của VNDirect ghi nhận tín hiệu chững lại.

Quý III, thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của VNDirect trên sàn HOSE chỉ còn 5,7%, thấp nhất trong 20 quý. Công ty chứng khoán liên quan đến bà Phạm Minh Hương hiện đứng thứ 6 về thị phần.

Ở mảng tự doanh, thách thức với danh mục đầu tư của VNDirect là khoản trái phiếu của Trung Nam Group. Đây là một tập đoàn lớn trong ngành năng lượng nhưng đang đối mặt khó khăn tài chính. Tại cuối tháng 9, danh mục trái phiếu của VNDirect có giá trị khoảng 13.100 tỷ đồng, công ty phải trích lập dự phòng hơn 55 tỷ đồng đối với khoản đầu tư liên quan đến Trung Nam.

 VNDirect từng gặp sự cố tấn công hệ thống vào tháng 3. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Gần như tương đồng với VNDirect, cổ phiếu của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) lao về vùng 13.000 đồng/cp trong đầu tháng 12, thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Kết quả kinh doanh của SHS đi xuống trong quý III. Doanh thu hoạt động giảm phân nửa và lợi nhuận sau thuế chỉ bằng khoảng 1/5 so với quý I hay quý II, ghi nhận lần lượt 276 tỷ đồng và 68 tỷ đồng.

Điểm khác biệt là SHS chuộng đầu tư vào cổ phiếu hơn trái phiếu. Tại cuối tháng 9, tỷ trọng cổ phiếu trên toàn bộ mảng tự doanh đạt 55%. Báo cáo tài chính cho thấy một số cổ phiếu SHS đang nắm giữ như FRT, FPT, MWG, VPB, SHB, TCD... Mặc dù thị trường chưa diễn biến tích cực, các khoản đầu tư lớn của SHS đa phần đang cao hơn so với giá gốc.

Tuy nhiên trong quý III, SHS chỉ báo lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ gần 62 tỷ đồng, bằng 1/6 so với quý I hay quý II. Lợi nhuận trước thuế quý III là 74 tỷ đồng, đến từ ghi nhận lợi nhuận đã thực hiện 308 tỷ đồng và chưa thực hiện là (âm) 234 tỷ đồng.

Quay lại với diễn biến nhóm cổ phiếu chứng khoán, thậm chí trường hợp EVS và SBS, thị giá đã chạm đáy hai năm.

Hai mã này cùng giảm giá phân nửa kể từ đỉnh gần nhất từng lập vào tháng 9/2023. Thị giá hiện tại đã quay lại vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2022, tức cách không xa đáy từng lập vào giữa tháng 11 khi VN-Index giảm về vùng 900 điểm.

Với SBS, tình hình kinh doanh vẫn chưa có tín hiệu chuyển biến. Công ty lỗ liên tiếp 4 quý từ quý IV/2023 đến quý III/2024. SBS giải trình kết quả tiêu cực do diễn biến thị trường tiếp tục phức tạp, doanh thu giảm, đồng thời phải trích lập dự phòng mảng tự doanh. Lỗ sau thuế chưa phân phối đến cuối tháng 9 đã vượt 1.400 tỷ đồng.

Chứng khoán Everest (Mã: EVS) báo lỗ 28 tỷ đồng trong quý III, đồng thời là quý đầu tiên trong 6 quý gần nhất. Công ty cho biết giá cổ phiếu đầu tư giảm trong kỳ làm tăng chi phí đánh giá lại danh mục, đồng thời doanh thu tự doanh giảm.

Chờ đợi "game" nâng hạng thị trường

Như đã đề cập, bối cảnh thị trường chứng khoán ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả kinh doanh các công ty chứng khoán cũng như triển vọng của cổ phiếu.

Tại bức thư gửi nhà đầu tư vào tháng 11, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund, nêu quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong nước, phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều có hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung trong nội địa.

Theo ông, mặc dù các chính sách thuế tiềm năng của tân Tổng thống Donald Trump có thể cản trở sự phát triển của một số công ty xuất khẩu thuộc sở hữu nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, những công ty này không được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam được kỳ vọng đạt khoảng 20% vào năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương tự vào năm 2025. Thị trường chứng khoán trước khi điều chỉnh đã ở mức định giá khá hợp lý, với P/E dự phóng năm 2025 là 10 lần.

Vào cuối tháng 11, Quốc hội biểu quyết thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trước đó, từ ngày 2/11, Thông tư số 68 do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực. Thông tư sửa đổi, bổ sung việc nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định.

Như vậy, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thể mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định (Non-Prefunding).

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết tình hình những ngày đầu triển khai Non-Prefunding vẫn diễn ra suôn sẻ, không gặp vấn đề gì. Thống kê tại một ngân hàng lưu ký chiếm thị phần lớn cho thấy tỷ lệ nhà đầu tư ngoại đặt lệnh Non-Prefundding đã đạt 60%.

Bà Bình cho biết trước mắt cơ quan quản lý sẽ giải quyết yếu tố kỹ thuật để nâng hạng, sau đó đến các vấn đề căn cơ hơn, kỳ vọng FTSE Russell sẽ có những đánh giá tích cực vào tháng 3/2025 và chính thức nâng hạng thị trường Việt Nam lên mới nổi vào tháng 9 cùng năm.

Một khi thị trường nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư trên thế giới, cũng như kích hoạt dòng tiền trong nước tham gia mạnh hơn. Một báo cáo phân tích cho thấy từ diễn biến nâng hạng của một số thị trường khác trước đây, thị trường chứng khoán thường diễn biến tích cực trong khoảng 6-12 tháng trước thời điểm chính thức được nâng hạng.

Xuân Nghĩa