|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Ngành tôm sẽ phải kiên trì gấp đôi so với các ngành khác trong năm 2023'

06:30 | 06/12/2022
Chia sẻ
“Ngành tôm năm sau sẽ khó khăn hơn ngành cá tra rất nhiều nhiều. Cá tra giá rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Còn tôm giá lại đắt hơn. Bây giờ người dân Mỹ không ăn ở nhà hàng nữa, thắt chặt chi tiêu thì làm sao mà bán được”, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nhận định.

Ngành tôm sẽ chịu tác động kép trong năm 2023

“Ngành tôm năm nay chắc chắn thê thảm và phải kiên trì gấp đôi so với ngành khác”, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) trao đổi với chúng tôi bên lề hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng".

“Ngành tôm năm sau sẽ khó khăn hơn ngành cá tra rất nhiều. Cá tra giá rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Còn tôm giá lại đắt hơn. Bây giờ người dân Mỹ không ăn ở nhà hàng nữa, thắt chặt chi tiêu thì làm sao mà bán được”, ông Hoè nói.

Hiện tại, cá tra và tôm đang chiếm khoảng 63% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam. 

 Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Năm 2023, ngành thuỷ sản được đánh giá sẽ còn nhiều thách thức, chủ yếu là kéo dài từ năm 2022 sang. 

Lạm phát nhiều nước phát triển ở mức cao trong khi chênh lệch tỷ giá khiến giá một số mặt hàng thuỷ sản Việt Nam vốn ở mức cao hơn đối thủ (đặc biệt là tôm vì là hàng chế biến sâu) nay càng đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, lượng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính còn nhiều do đầu năm các khách hàng tăng cường nhập khẩu. Các yếu tố này cộng gộp dẫn đến tình trạng giảm sút đơn hàng. 

 Đồ hoạ: H.Mĩ

Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ chính như Ecuador hay Ấn Độ ngày càng gia tăng bởi các nước này đang đẩy mạnh sản lượng và tôm giá rẻ. Năm 2021, Ecuador chính thức thức ghi nhận sản lượng tôm vượt 1 triệu tấn, cao nhất thế giới. Nước này được dự báo sẽ đạt sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn vào năm 2025 nhờ phương pháp nuôi thâm canh. Con số này tương đương với tổng khối lượng tôm nhập khẩu trên toàn cầu ở thời điểm hiện tại. 

Bên cạnh đó, nước này có vị trí gần Mỹ hơn Việt Nam nên chi phí vận chuyển rẻ hơn và thời gian giao hàng cũng ngắn hơn. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, mỗi kg tôm của Ecuador tại Mỹ lợi hơn so với tôm Việt Nam khoảng 1 USD vì ở vị trí gần Mỹ hơn. 

Những áp lực đó phản ánh rõ nét trong số liệu xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 10, giá trị xuất khẩu tôm giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 360 triệu USD.

Đây là tháng thứ ba, kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.  Trong khi đó, với mặt hàng cá tra, mặc dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại nhưng vẫn giữ ở mức dương. Theo đó, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên 179 triệu USD. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc Tài chính CTCP Thuỷ sản Minh phú - Hậu Giang cho biết trong vài tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu đi Châu Âu, thị trường Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng nguyên liệu cũng thiếu hụt. 

Lãi suất năm nay cũng tăng nhiều so với năm 2021. Nếu như tháng 10/2021, lãi suất tiền vay đồng USD có thể 1,6%/năm thì năm nay đã lên tới 4%/năm. Điều này khiến chi phí tài chính tăng cao hơn so với năm ngoái. Bên cạnh đó, vừa qua tỷ giá tăng nhiều làm cho chênh lệch tỷ giá của doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 tăng hơn so với năm trước. 

 Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc Tài chính CTCP Thuỷ sản Minh phú - Hậu Giang. Ảnh: H.Mĩ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, chi phí tài chính trong quý III tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 88,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí do chênh lệch tỷ giá chiếm phần lớn, khoảng 60 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng 60% lên 24,1 tỷ đồng.  

Hàng tồn kho tính đến 30/9 tăng 16% so với đầu năm lên 5.316 tỷ đồng. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết từ cuối quý III đến nay, tình hình đơn hàng suy giảm rõ rệt. Có một số đơn hàng đã ký kết hoặc huỷ bỏ hoặc hoãn thời gian giao. Việc thương thảo đơn hàng cho năm 2023 chưa rõ nét. 

“Lạm phát thế giới khiến nhu cầu giảm sút, mặt hàng giá trị cao không được khách hàng ưu tiên lựa chọn; tình hình cạnh tranh của các đối thủ ngành tôm gay gắt khiến cho việc tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn gặp khó khăn, điều này khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho", ông Lực nói. 

Theo số liệu được công bố mới đây, doanh số tiêu thụ chung của Sao Ta trong tháng 11 đạt 13,9 triệu USD, giảm 28% so với tháng 10. Đồng thời, đây là tháng có doanh số thấp thứ hai trong năm (sau tháng 2 là 11,3 triệu USD một phần do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán).

 Số liệu: Sao Ta (H.Mĩ tổng hợp)

Tập trung quản trị hàng tồn kho và chi phí lãi vay

“Để vượt qua khó khăn, chúng tôi bám chặt với đơn hàng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra chúng tôi tập trung mặt hàng giá trị gia tăng, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Toàn nói. 

Để giải quyết, tình hình khó khăn hiện tại, phía Sao Ta cho biết việc giải quyết hàng tồn kho và hạ tỷ trọng đòn bẩy tài chính là ưu tiên hàng đầu. 

“Nếu nhận thấy lạm phát chưa đạt đỉnh, và tình hình khó khăn còn kéo dài, chúng tôi giảm tối đa hàng tồn kho bằng cắt hạ giá, thậm chí bán lỗ. Và chúng tôi đã thành công. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp cần giảm tỷ lệ vay ngân hàng càng nhiều càng tốt bởi lãi suất quá cao”, ông Lực nói. 

Đồ hoạ: H.Mĩ

Ngoài ra, việc tiết kiệm cũng cần được chú trọng, ngay cả những khoản nhỏ nhất. 

“Ở công ty chúng tôi, tổng giám đốc, HĐQT không có xe riêng, đi xe chung hết. Phía trên làm gương. Chúng tôi rà soát hết các định mức. Những việc này bình thường chúng tôi đã làm rồi nhưng lúc khó khăn thì càng coi trọng hơn. 

Mặc dù những khoản đó không lớn nhưng nó thể hiện được sự quyết tâm, tạo được nền tảng văn hoá doanh nghiệp và ý chí thống nhất. Chúng tôi đã có những chỉ số tốt về chi phí ở những lúc khó khăn, ngay cả những kỳ khủng hoảng như năm 2008 hay dịch COVID-19”, ông Lực nói. 

Theo ông Hoè, giải pháp trước mắt cho các doanh nghiệp thuỷ sản nói chung trong thời gian tới là cố gắng “cầm cự”, giảm vay, cân đối lại tình hình tài chính và kiểm soát hàng tồn kho. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nhìn ra bài học của ngành thuỷ sản năm ngoái khi phải đối diện với đại dịch COVID-19 để áp dụng linh hoạt cho giai đoạn khủng hoảng hiện tại. 

“Hiện tại không có đơn hàng, do đó, doanh nghiệp không nên vay thêm. Nhiều doanh nghiệp vay nhiều quá, lãi suất tăng lên, hàng thì không bán được, coi chừng lại “khóc ròng”. Tốt nhất, thời điểm hiện tại nên cân đối nguồn tài chính, hàng tồn kho và hệ thống của doanh nghiệp. Tồn kho 1 tấn cá tra chỉ 3.000 USD nhưng tồn kho 1 tấn tôm đã lên tới 10.000 USD. Hy vọng các doanh nghiệp nhận ra điều này mà không đua theo câu chuyện gì cả, tập trung quản trị tốt hàng tồn kho của mình”, ông Hoè nói. 

Vị này cho rằng tình hình khó khăn có thể kéo dài đến hết quý I/2023 vì lúc đó Trung Quốc có thể mở cửa trở lại, tình hình lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU sẽ được kiểm soát. 

“Năm 2023 không thể hy vọng là một năm tăng trưởng đột biến mà hãy xác định là năm “cầm cự”. Kịch bản đẹp nhất là hết quý I/2023 thị trường sẽ khôi phục trở lại. Thay vì chúng ta bắt đầu từ tháng 1 như mọi năm thì năm tới, bắt đầu muộn hơn - từ quý I, thậm chí là quý II. Thị trường không thể xuống mãi được. 

Nhưng để đến quý III thì tình hình lại căng thẳng với ngành thuỷ sản cho nên đây là điều khó đoán định. Giá sử hết quý I, tình hình tốt lên thì vẫn có cơ sở hy vọng cho con số 10 tỷ USD cho toàn ngành vào năm sau”, ông Hoè nói. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ