Ngành cao su trở lại đường đua xuất khẩu sau khi phá kỷ lục 10 năm
Người viết đã có cuộc trao đổi với đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) về nguy và cơ năm 2021 và những triển vọng xuất khẩu năm 2022.
Tin vui là xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2021 phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD. Ông/bà đánh giá như thế nào về kết quả này?
VRA: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020.
Trong đó, cao su thiên nhiên (CSTN) ước đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 37,5%; Sản phẩm cao su (SPCS) ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 18,5%; Gỗ và sản phẩm gỗ cao su ước đạt 2,5 triệu USD, tăng 7% so với năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu cao su tự nhiên trong năm 2021 đã đạt được kết quả ấn tượng, vượt năm 2011 nhờ giá bán tăng và những nỗ lực của doanh nghiệp cao su đạt "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Kết quả trên càng khẳng định thêm vị trí thứ ba thế giới về sản lượng và xuất khẩu cũng như thể hiện tín hiệu tích cực từ thị trường đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam với các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết cao su tự nhiên của Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xuất khẩu cao su tập trung ở thị trường châu Á với 1,7 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 34% về trị giá so với năm 2020, chiếm tới 88% tổng kim ngạch.
Yếu tố thuận lợi nào góp phần đem lại thành công này? Ngành cao su đã biến nguy thành cơ như thế nào trong dịch COVID-19, thưa ông/bà?
VRA: Năm 2021, các nền kinh tế lớn đồng thời cũng là các thị trường tiêu thụ cao su trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi.
Từ đó dẫn tới việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên để phục vụ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp.
Mức cầu cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục gia tăng trong khi sản lượng thế giới đang có xu hướng giảm nhẹ do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội làm gián đoạn hoạt động khai thác, đóng cửa nhiều nhà máy.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, mưa trái mùa và một số bệnh trên cây cao su tác động đến sản lượng tại một số quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan.
Bên cạnh đó, giá dầu - nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp đi lên, kéo theo giá vật liệu này tăng, điều này cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ cho giá cao su thiên nhiên xuất khẩu tăng cao.
Cũng trong năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành cao su, làm gián đoạn thời gian trồng tái canh cao su trong năm và nhiều hoạt động khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cố gắng đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra an toàn. Khi trạng thái "bình thường mới" dần được thiết lập, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vượt mức kế hoạch sản lượng, tạo động lực "tăng tốc" và "về đích" so với mục tiêu hàng năm.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp đã nâng cao tỷ lệ sử dụng cao su nội địa cho việc sản xuất sản phẩm cao su có giá trị xuất khẩu cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành.
Ngoài ra, các vườn cao su trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn quy định của ngành.
Đồng thời, nhằm đáp ứng xu hướng thị trường và yêu cầu của khách hàng quốc tế, ngành cũng đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững, thúc đẩy việc đạt các chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng chỉ chuỗi hành trình cho các vườn cây cao su, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện, Hiệp hội Cao su Việt Nam đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất lượng trồng và chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt.
Tính đến ngày 16/12/2021, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được Hiệp hội cấp quyền sử dụng nhãn hiệu "Cao su Việt Nam".
Với kết quả này, cao su Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Khoảng cách với các đối thủ còn xa, thưa ông/bà?
VRA: Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong năm 2021, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu, chỉ sau Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên, năng suất của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,6 tấn/ha, trở thành nước đứng đầu châu Á về năng suất cây cao su, vượt các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ là không mở rộng diện tích cao su nên việc tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra, việc nghiên cứu phát triển bền vững thông qua việc gia tăng diện tích vườn cao su được cấp chứng chỉ bền vững, gia tăng doanh nghiệp đạt chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm làm tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và tăng tính minh bạch trong ngành, nghiên cứu các mô hình nông lâm kết hợp,... cũng là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông/bà đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu cao su năm 2022 khi nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu tiêu thụ cao?
VRA: Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 của Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển đã giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm đáng kể nhu cầu cao su trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Lượng cao su tự nhiên tiêu thụ trên toàn cầu ước đạt hơn 14 triệu tấn trong năm 2021, tăng 8,7% so với 2020 và vượt qua mức trước đại dịch.
Sự phục hồi mạnh mẽ này được hỗ trợ bởi nhu cầu gia tăng từ cả ngành lốp xe và ngành ngoài lốp. Mức tiêu thụ dự kiến vào năm 2022 là 14,7 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ cao su tự nhiên đối với lĩnh vực săm lốp ước tính phục hồi 9,3% vào năm 2021 đạt 9,9 triệu tấn và được dự báo sẽ tăng 2,7% vào năm 2022 và tăng thêm 3% vào năm 2023.
Cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao, ANRPC cũng dự đoán sản lượng toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với 2021. Nhờ đó, cán cân cung cầu trong năm 2022 sẽ tương đối cân bằng.
Song, giá cao su tự nhiên trong vài tháng tới có thể tăng do nguồn cung thiếu hụt theo mùa sẽ ngày càng gia tăng từ tháng 2 trở đi.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu còn bị hạn chế bởi giá cước vận tải biển tăng cao. Giá cước container leo thang đến năm thứ 3 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm container rỗng đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh rất khó thuê tàu và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến năm 2023.
Xin cảm ơn VRA!