Ngân hàng nắm giữ hơn 330.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 23% trong ba tháng đầu năm
Trong thời gian qua, mặc dù trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị quản lý chặt chẽ hơn, siết các hình thức đầu tư TPDN của các ngân hàng nhưng danh mục đầu tư TPDN quý I của các nhà băng vẫn tăng mạnh.
Theo báo cáo tài chính của 23 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế (không tính các TCTD) mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3/2022 là hơn 338.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng TPDN nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021. Mức tăng mạnh của TPDN đã đẩy tỷ trọng TPDN trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022. Đây có thể là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.
Một số ngân hàng khác cũng nằm trong nhóm nắm giữ nhiều TPDN có thể kể đến như MB với lượng trái phiếu nắm giữ là hơn 50.600 tỷ đồng (tăng 19%), VPBank với 41.593 tỷ đồng (tăng 50%), TPBank với 27.589 tỷ đồng (tăng 49%),...
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những chủ đề làm nóng hội trường đại hội cổ đông nhiều ngân hàng năm nay.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp,Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết mặc dù Techcombank tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu nhưng tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
"Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu vì tin trưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các các nhân và doanh nghiệp nếu có nhu cầu", ông Hùng Anh chia sẻ.
Cũng tại đại hội cổ đông mới đây, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định các khoản đầu tư trái phiếu tuyệt đối an toàn, có tính thanh khoản cao.
Trước đó, tham luận tạiHội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết 11.400 tỷ đồng TPDN của ngân hàng chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay và đều là nợ nhóm 1.
"Toàn bộ dư nợ TPDN của Vietcombank hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn", lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo của BIDV có vẻ thận trọng hơn trong mảng đầu tư này. Chia sẻ tại đại hội cổ đông, lãnh đạo BIDV đánh giá lợi ích của ngân hàng trong cho vay lớn hơn nhiều đầu tư TPDN.
Do đó, nhiều năm qua, BIDV rất hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây, trái phiếu của BIDV tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, một phần khác là đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.
Siết trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng gì tới các ngân hàng?
Một vài sự kiện xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến thị trường TPDN có vẻ trầm lắng, nhất là kênh phân phối thứ cấp. Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình huy động vốn từ TPDN, cơ quan quản lý đang lên dự thảo sửa đổi Nghị định 153 theo hướng siết chặt hơn các quy định về công ty phát hánh cũng như người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Nhận định về vấn đề này, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá đây là bước đi cần thiết để làm minh bạch và lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như khôi phục niềm tin nhà đầu tư và từ đó có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, BVSC đánh giá thị trường TPDN có thể gặp những khó khăn nhất định dẫn tới một số doanh nghiệp khó phát hành thêm trái phiếu để tái cơ cấu. Điều này có thể gián tiếp làm gia tăng tình hình nợ xấu ở hệ thống ngân hàng.
Theo Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh, những động thái gần đây của cơ quan quản lý là nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán và trái phiếu, góp phần đưa thị trường vốn phải phát triển đúng với hình hài của nó và về lâu về dài các ngân hàng sẽ được hưởng lợi.
Nói siết trái phiếu thì hơi nặng mà là làm lành mạnh thị trường, điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà chuyên nghiệp đưa đến những sản phẩm tốt cho thị trường.
Đồng quan điểm, ban lãnh đạo Vietcombank và BIDV cho rằng nếu làm tốt thì TPDN là một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn. Do đó, nếu phát triển minh bạch, rõ ràng, thị trường trái phiếu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
Mặt khác, Chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mặc dù hoạt động cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản đang bị siết lại, song hiệu ứng từ việc siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây sẽ khiến áp lực vay vốn dồn sang hệ thống ngân hàng, đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thống đốc NHNN cho biết tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021. Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI dự báo trong năm 2022, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh từ 15-16% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cuối quý I tăng khoảng 2-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ bao gồm VietinBank, BIDV, MB, HDBank và TPBank.