Năm tồi tệ của Big Tech kể từ khủng hoảng tài chính 2008
Sau nhiều năm phát triển thần tốc và thu về hàng tỷ đô la lợi nhuận, Big Tech đang giảm các khoản chi tiêu xa hoa nổi tiếng của mình khi thời kỳ bùng nổ kéo dài cuối cùng cũng kết thúc, theo The New York Times.
Phần lớn thời gian năm ngoái, các công ty công nghệ có tình hình kinh doanh ảm đạm. Doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số sụt giảm, thương mại điện tử yếu ớt, sản xuất iPhone bị đình trệ và các nhà đầu tư mất niềm tin.
Tờ New York Times nhận định: “Đây là năm tồi tệ nhất mà ngành công nghệ ở Phố Wall đã trải qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft và Meta đã mất tổng cộng 3.900 tỷ USD giá trị thị trường.
Thắt lưng buộc bụng
Hiện tại, nhiều công ty công nghệ bắt đầu năm mới bằng cách ủng hộ chiến lược kinh doanh độc lạ: thắt lưng buộc bụng. Trong những tháng gần đây, một số doanh nghiệp cho biết họ đang tìm cách cắt giảm chi phí và loại bỏ các dự án đốt tiền mà chưa thấy lợi nhuận. Cả Amazon, Alphabet, Microsoft và Meta mỗi công ty đã từng công bố kế hoạch sa thải hơn 10.000 nhân viên.
Đó là một sự thay đổi đột ngột, đặc biệt với một ngành công nghiệp vốn nổi tiếng với mức lương hậu hĩnh, văn phòng xa hoa và những đặc quyền tốt, từ xe bus đưa đón miễn phí tới dịch vụ giặt là miễn phí,… Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim kéo dài 15 năm sắp kết thúc, lợi nhuận sụt giảm đang khiến các CEO phải suy nghĩ lại về những gì họ tin sẽ là chính sách quan trọng để giữ chân nhân tài trong cuộc cạnh tranh toàn ngành.
Ông Sundar Pichai, CEO Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết họ “cam kết đầu tư có trách nhiệm, với kỷ luật cao”. Tim Cook, CEO Apple, đảm bảo với các nhà đầu tư rằng công ty sẽ “suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng”. Và Andy Jassy, CEO Amazon, đã xuất hiện lần đầu tiên trong một cuộc gặp gỡ các nhà phân tích kể từ khi tiếp quản vị trí từ Jeff Bezos khoảng 18 tháng trước và nhấn mạnh công ty đã làm việc chăm chỉ như thế nào để giảm chi phí hoạt động.
Hầu hết, thông điệp của các CEO này đều được xây dựng dựa trên quan điểm tương tự Mark Zuckerberg đã đặt ra cho ngành công nghệ năm nay khi gọi 2023 là “năm của hiệu quả”. Trong một cuộc gặp gỡ với các nhà phân tích, từ “hiệu quả” được CEO Meta nhắc đến hơn 30 lần, Zuckerberg đã nói về việc chi tiêu ít hơn cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt các cấp quản lý và loại bỏ các dự án đi vào ngõ cụt.
Nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào các công ty công nghệ trước những động thái thắt chặt tài chính này. Bằng chứng là cổ phiếu của Meta, chủ sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, đã tăng hơn 23% khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, mức tăng hàng ngày lớn nhất trong gần một thập kỷ. Amazon, Alphabet, Microsoft và Apple đều tăng điểm và Nasdaq tăng 3%.
Ông Mark Mahaney, nhà phân tích tại Evercore ISI, một công ty đầu tư, nói rằng quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất thêm một phần tư điểm cũng đã giúp ích cho các công ty công nghệ, bởi vì điều đó cho thấy rằng ngân hàng trung ương đang kiểm soát lạm phát.
Khó khăn vẫn còn
Tuy nhiên, với báo cáo kết quả đáng thất vọng trong quý IV/2022 của các công ty này cho thấy rõ ràng rằng những thách thức kinh doanh của công nghệ vẫn còn. Đây là lần thứ hai Google ghi nhận doanh thu quảng bị sụt giảm. Amazon cho biết hoạt động kinh doanh điện toán đám mây đã chậm lại và doanh số bán hàng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi đã giảm.
Trong khi đó, Apple đã cho thấy doanh số bán iPhone có sự sụt giảm lớn nhất trong mùa Giáng sinh kể từ năm 2018. Meta cho biết doanh thu trong ba tháng cuối năm ngoái đã giảm 4%. Và Microsoft nói rằng chi tiêu cho điện toán đám mây đang yếu đi.
Về kinh tế vĩ mô, các nhà kinh tế đang cố gắng đánh giá liệu nền kinh tế có thể tránh được suy thoái sâu và đạt được điều mà một số người gọi là “hạ cánh mềm” hay không. Jason Furman, một nhà kinh tế của Harvard, cho biết nếu công nghệ - ngành nổi bật nhất đã suy yếu vào năm ngoái, tìm thấy đáy và bắt đầu hồi phục, thì đó sẽ là một minh chứng cho sức mạnh của kinh tế vĩ mô.
Phần lớn cả Alphabet, Amazon và Apple đều có kết quả kinh doanh quý cuối năm ngoái không đạt kỳ vọng Phố Wall. Trong đó, lợi nhuận Alphabet đã giảm lần thứ tư liên tiếp khi phải vật lộn với việc doanh thu quảng cáo sụt giảm. Doanh thu quảng cáo trên YouTube, nền tảng video của Google, giảm gần 8% xuống còn 7,96 tỷ USD, thấp hơn mức 8,2 tỷ USD mà các nhà phân tích dự kiến.
Khi doanh thu của Google chậm lại, ông Pichai cho biết, công ty đang thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để kiểm soát chi phí. Nó bao gồm cải thiện hiệu suất tài chính, giúp bộ phận đám mây đạt được lợi nhuận và củng cố hoạt động kinh doanh của YouTube. “Tôi coi đây là một hành trình quan trọng để tái cấu trúc cơ sở chi phí của công ty một cách bền vững”, ông Pichai nói.
Tại Amazon, CEO Jassy đã nỗ lực cắt giảm chi phí trong năm qua. Công ty đã và đang thực hiện các kế hoạch sa thải 18.000 nhân viên, bổ sung phí giao hàng tạp hóa từng được miễn phí và cắt giảm chi phí do mở rộng kho hàng quá mức.
Tuy nhiên, Amazon hầu như không có lãi, khi quý cuối năm chỉ đạt 278 triệu USD lợi nhuận, và doanh thu tăng 9% so với cùng kỳ lên 149 tỷ USD. Trong cuộc gặp với các nhà phân tích, ông Jassy cho biết công ty đã tập trung vào việc giảm chi phí liên quan đến hoàn thành và giao hàng.
Apple đã bị mất khoảng 7 tỷ USD doanh số bán iPhone trong quý IV khi nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của họ ở Trung Quốc bị đóng cửa vì sự bùng phát COVID-19. Công ty đã bù đắp những tổn thất đó bằng doanh thu bán iPad, khi doanh số sản phẩm này tăng 30% và các dịch vụ đăng ký trả phí như Apple Music.
CEO Tim Cook cho biết các yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát và xung đột ở Ukraine, đã góp phần khiến họ gặp khó khăn. Trước những thách thức đó, Apple cho biết họ đang kiềm chế chi tiêu, điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Ông Luca Maestri, giám đốc tài chính của Apple cho biết: “Chúng tôi đang làm rất nhiều việc xoay quanh vấn đề chi phí. Điều đó đang cho thấy kết quả”.