|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Doanh nghiệp thuỷ sản chọn ở lại hay rời đi?

07:25 | 06/05/2025
Chia sẻ
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46%, một số doanh nghiệp đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là thuế không thay đổi, sẵn sàng chuyển sang thị trường mới, một số khác chọn cách bám trụ.

 Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ giảm 15% trong tháng 4

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 sự phục hồi, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt 850,5 triệu USD, tăng 10%.

Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu không đồng đều giữa các sản phẩm và thị trường trong bối cảnh bất ổn về thuế quan đối ứng từ Mỹ đang tạo ra nhiều thách thức. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn thứ ba của thuỷ sản, chỉ tăng 7% trong 4 tháng, riêng trong tháng 4 giảm 15% xuống 120,5 triệu USD.

 Nguồn: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Xét về cơ cấu mặt hàng, tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đóng góp 1,27 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 330,8 triệu USD, tăng 15%. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu.

Cá tra, với kim ngạch 632,7 triệu USD (tăng 9%), duy trì vị thế quan trọng nhưng tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong tháng 4 chỉ đạt 167,7 triệu USD, không tăng so với cùng kỳ. 

 

Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, với mức thuế chống bán phá giá cao (lên tới 46% đối với một số sản phẩm), đang tạo áp lực lớn lên xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các mặt hàng như cá tra và tôm, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này, chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thuế quan làm tăng giá thành sản phẩm, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ cân nhắc chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ hay Ecuador. Các rào cản kỹ thuật, như kiểm tra an toàn thực phẩm và yêu cầu truy xuất nguồn gốc khắt khe, cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP và các FTA khác đang giúp Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực bằng cách mở rộng thị trường sang EU, Nhật Bản và ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang điều chỉnh chiến lược, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào Mỹ.

VASEP cho biết trong hai tháng tới (tháng 5 và 6/2025), xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế quan đối ứng mới của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/7.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10-15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần.

Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN có khả năng chững lại, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3-5%. Nguyên nhân là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc, vốn bị áp thuế cao tại Mỹ và buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận như ASEAN.

Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ. EU và Nhật Bản có thể duy trì tăng trưởng ổn định (khoảng 8-10%), nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng không đủ bù đắp sự chững lại ở Trung Quốc và ASEAN.

Lựa chọn đa dạng hoá thị trường

Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp chọn cách đa dạng hoá thị trường và sẵn sàng giảm tỷ trọng ở Mỹ nếu xảy ra kịch bản xấu nhất là giữ nguyên mức thuế 46%.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ Thường niên CTCP Sao Ta (Mã: FMC) diễn ra hôm 18/4, lãnh đạo công ty cho biết hiện đang tập trung chế biến giao hàng các hợp đồng đã ký để tranh thủ đợt hoãn thuế 90 ngày. Năm ngoái, doanh số tại Mỹ của Sao Ta là 80 triệu USD, tương đương chiếm khoảng 33% trong cơ cấu doanh thu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng chia sẻ tỷ suất lợi nhuận khi bán hàng sang thị trường Mỹ rất thấp. Trong khi đó, nếu kịch bản xấu nhất là mức thuế đối ứng 46% không thay đổi thì sức cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%) thì sức cạnh tranh như bị triệt tiêu. Mức thuế đối ứng cao nhất mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được là 20% các đối thủ lớn cũng ở quanh mức này. 

“Vấn đề không phải là thuế cao hay thấp mà là tương quan mức thuế giữa Việt Nam và các nước đổi thủ”, đại diện công ty cho biết. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch đa dạng hoá thị trường từ nhiều năm năm trước. Hiện Sao Ta đang mở rộng sang các thị trường như Canada, Australia, Nhật Bản và tính toán đến phương án thâm nhập vào Trung Quốc nếu điều kiện thuận lợi.

“Công ty đã thực hiện việc chuyển hướng thị trường từ nhiều năm trước nên không mất nhiều thời gian, chi phí để mở thị trường mới nếu rời bỏ Mỹ. Trung Quốc tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, nhưng chủ yếu mua nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm về chế biến lại.

Do vậy, nếu bán hàng chế biến vào thị trường này không thể cạnh tranh nổi về giá. Sao Ta tập trung phân tích những gì mình có nếu đáp ứng được nhu cầu Trung Quốc thì sẽ tiến hành thâm nhập vào thị trường này”, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.

Trong quý I, Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt 36% lên 1.990 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh lên 127 tỷ đồng, tuy nhiên biên lợi nhuận đã giảm từ 6,6% về 6,4%. Chi phí bán hàng đột biến 88 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Sao Ta theo đó chỉ còn lãi trước thuế 36 tỷ đồng, giảm 37% so với kết quả quý I/2024. Đây là mức thấp nhất từ 2021 đến nay và giảm 81% so với quý liền trước.

Năm 2025, Sao Ta đặt mục tiêu sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ 22.000 tấn và 1.300 tấn nông sản tiêu thụ. Doanh số chung ước đạt 255 triệu USD, tăng gần 2% so với mức kỷ lục năm 2024; song tổng lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ về 420 tỷ đồng. 

Như vậy, với kết quả đạt được trong quý đầu năm, công ty xuất khẩu tôm này mới thực hiện được gần 9% về chỉ tiêu lợi nhuận. 

 Nguồn: Wichart, Sao Ta - Đồ hoạ: H.Mĩ.

Bám trụ tại thị trường Mỹ

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác vẫn lựa chọn bám trụ với thị trường Mỹ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, bàNguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết doanh nghiệp không bi quan mà vẫn khá lạc quan về xuất khẩu sản phẩm chủ lực cá tra sang thị trường Mỹ.

Vĩnh Hoàn khẳng định xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng 9-10% trong năm nay, điều này là nhờ các loại cá thịt trắng khác suy giảm. Cá tra đang chiếm thêm thị phần cá minh thái do lệnh cấm đối với Nga, hay cá tuyết ở phân khúc cao hơn và bị hạn chế đánh bắt. 

Lãnh đạo công ty cho biết thêm vẫn lạc quan về việc thực hiện tốt hơn kế hoạch, phụ thuộc khả năng chấp nhận của người tiêu dùng Mỹ với mức giá cao hơn và phụ thuộc sức mạnh nền kinh tế. Các khách hàng Mỹ vẫn có sức tiêu thụ tốt, mong muốn công ty nuôi cá lớn nhanh để tăng xuất khẩu. 

Vĩnh Hoàn là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu vào thị trường Mỹ và có những lợi thế riêng biệt. Đây là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế chống bán phá giá theo quy định của Mỹ hồi đầu năm.

"Đơn hàng trong quý II cũng không khó đoán, khi các doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng đi Mỹ trong thời gian hoãn thuế 90 ngày", bà nói. 

Đối với các thị trường ngoài Mỹ, bà Tâm nhận thấy chưa ghi nhận bất kì ảnh hưởng nào. Về cơ bản, công ty ưu tiên tăng xuất khẩu vào Mỹ nhưng vẫn đảm bảo lượng hàng cho các thị trường ngoài Mỹ. 

Công ty chỉ gặp khó khăn là chi phí nguyên vật liệu khá cao, công việc bán hàng có khó khăn về mặt kích cỡ sản phẩm, do cá nuôi của công ty đang còn nhỏ chưa đáp ứng kịp cho kích cỡ xuất khẩu. 

Đối với các kịch bản áp thuế đối ứng từ Mỹ, Chủ tịch Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh nói rằng thuế quan do nhà nhập khẩu chịu, dù là 10% hay đến 46%. 

"Kịch bản áp thuế mức nào cũng cần có thời gian để xem sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi luôn đặt ra thuế nhập khẩu là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, chuúng tôi khó lòng chia sẻ mức thuế này", bà Khanh cho hay.

Cá tra của Vĩnh Hoàn có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng khác khi Việt Nam là nguồn cung chủ lực, ít có đối thủ thay thế, do đó người tiêu dùng vẫn có sử dụng sản phẩm này. 

"Kịch bản xấu nhất áp thuế 46% thì người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận, đương nhiên cần có thời gian để nhà nhập khẩu quân bình giá nhằm giữ thị trường. Theo quy luật cần thời gian để người tiêu dùng chấp nhận và điều chỉnh thị trường. Mức thuế dưới 20% thì dễ thở hơn cho việc điều chỉnh này", người đứng đầu doanh nghiệp cho biết. 

Bà Khanh khẳng định đến hiện tại không quá bi quan để rút lui ở Mỹ, cá tra vẫn đang phục vụ người tiêu dùng. Câu chuyện này nên để người tiêu dùng Mỹ đấu tranh vì ảnh hưởng đến sức mua và phía nhà nhập khẩu cũng phải đấu tranh giảm thuế. 

Trong thời gian 90 ngày hoãn thuế thì công ty sẽ xuất khẩu tốt nhất có thể. Mỹ kiểm soát việc nhập khẩu và văn hóa doanh nghiệp của họ không tích trữ quá nhiều hàng tồn kho. Sếp Vĩnh Hoàn nói "không quá bi quan cũng không quá lạc quan, cá tra sẽ bình ổn được trong bất cứ tình huống nào". 

Do diễn biến mới, công ty điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Ở mức cơ bản, mục tiêu doanh thu 10.900 tỷ và lãi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 18% so với năm ngoái. 

Ở kịch bản cao, công ty đề ra chỉ tiêu doanh thu 12.350 tỷ đồng, giảm 1,3% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.   

Con số này đều thấp hơn so với mục tiêu ban đầu. Trong tài liệu công bố hồi đầu tháng 4, Vĩnh Hoàn đưa ra kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu 13.800 tỷ đồng và lãi ròng 1.500 tỷ đồng. Như vậy chỉ tiêu lợi nhuận đã giảm 200-500 tỷ so với ban đầu. 

 Nguồn: Vĩnh Hoàn, Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

H.Mĩ

Đầu tư chứng khoán giữa lằn ranh phục hồi và bất ổn: Cơ hội nằm ở đâu?
Thị trường chứng khoán phục hồi nhưng không đồng đều. Các chuyên gia tại toạ đàm Data Talk mới đây cảnh báo nhà đầu tư cần phân hóa và chọn lọc kỹ lưỡng.