|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mức lương 11 triệu đồng/tháng hãng taxi của ông Phạm Nhật Vượng trả cho tài xế là cao hay thấp?

10:44 | 10/03/2023
Chia sẻ
Mức lương trung bình của các tài xế ô tô tại Việt Nam đang dao động trung bình khoảng 12 triệu đồng/tháng.

CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, thành lập và nắm phần lớn vốn điều lệ, đã ra thông báo tuyển đối tác tài xế vào chiều 9/3.

GSM cho biết khi trở thành đối tác, tài xế sẽ được cam kết mức lương cứng 11 triệu đồng/tháng, kèm theo hoa hồng lên đến 25% tổng doanh thu tháng. Tài xế được tham gia bảo hiểm xã hội sau hai tháng thử việc, được đào tạo về ngành dịch vụ vận tải.

Sau khi thông tin tuyển dụng được phát đi, theo quan sát, nhiều người bày tỏ lạc quan bởi cơ hội nghề nghiệp tiềm năng cùng mức lương cạnh tranh so với tài xế của các hãng taxi truyền thống hay tài xế đang chạy dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.

Vậy thực tế, lương tài xế ô tô ở Việt Nam đang là bao nhiêu? Mức lương cứng cùng phần trăm hoa hồng mà công ty của ông Phạm Nhật Vượng mới đưa ra có đủ để thu hút tài xế về làm?

 Nhiều tài xế chọn chạy ca đêm để tăng thu nhập. (Ảnh minh hoạ: Đức Huy).

Tài xế thu nhập bao nhiêu một tháng?

Theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, công bố vào năm ngoái, đã lần đầu hé lộ thu nhập trung bình của những người làm nghề tài xế ở Việt Nam.

Nghiên cứu tại ba đơn vị dịch vụ kết nối thuộc nhóm có thị phần lớn nhất Việt Nam gồm: Grab, Gojek và Bee cho thấy mức lương trung bình một tháng (đã trừ chi phí cơ bản hàng ngày xăng xe; chưa tính bảo hiểm, thay dầu máy, tiền bảo dưỡng, sửa chữa xe…) của lái xe máy là 7,5 triệu/tháng, lái xe ôtô là 12,7 triệu đồng/tháng.

Báo cáo cũng chỉ ra bên cạnh công việc chính là làm lái xe, 28,6% lái xe máy và 36,8% lái xe ô tô còn làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập và để bù cho lúc không có việc, với mức thu nhập tương ứng là 5,1 triệu/tháng và 6,1 triệu đồng/tháng.

Như vậy, trung bình một tài xế xe máy mỗi tháng có thu nhập khoảng 12,6 triệu đồng/tháng trong khi con số này ở tài xế ô tô là 18,8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, con số này chưa dừng lại ở đó, để tăng thu nhập, các tài xế công nghệ sẵn sàng làm việc với thời gian liên tục kéo dài cả năm. Theo nghiên cứu, hầu hết họ làm việc 7 ngày/tuần và làm việc cả những ngày nghỉ, ngày lễ tết vì thường ngày này thu nhập cao hơn ngày thường (gấp 1,5 – 2 lần). 

Trung bình một ngày, thời gian thực sự để làm công việc lái xe (thời gian đón và chờ khách, không tính thời gian nghỉ ngơi, ăn trưa…) của tài xế xe máy là 9,9 giờ và của ô tô là 11,5 giờ. Viện nghiên cứu nhận định đây là nhóm có thời gian làm việc rất cao, thời giờ nghỉ ngơi rất thấp trong các ngành nghề lao động hiện nay. 

Họ làm việc hầu như không có giờ giấc cố định, không có ngày nghỉ vì mục tiêu thu nhập: vì muốn có giá dịch vụ cao trong các ngày nghỉ lễ tết, ngày nghỉ, vì muốn nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhận nhiều sao, để có cơ hội cao hơn trong nhận "cuốc xe", qua đó tăng thu nhập.

Thu nhập không đủ sống

Cũng theo báo cáo này, đầu năm 2022, Việt Nam có khoảng 200.000 tài xế công nghệ. Trong đó, có gần 50% tài xế công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP HCM, phần lớn là người ngoại tỉnh.

Những tài xế này có xuất thân đa dạng từ lái xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ,… Điểm đáng nói, có 2/3 các tài xế đã có gia đình và 60% trong số họ đang gánh trách nhiệm lớn lao là kiếm tiền để nuôi dưỡng từ hai người trở lên.

Tuy nhiên, Viện nghiên cứu cho biết mặc dù lái xe làm việc thời gian kéo dài nhưng với mức thu nhập như vậy là không cao so với mặt bằng thu nhập chung ở khu vực đô thị.

Các tài xế còn phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn, chịu áp lực từ khách hàng,… (Ảnh minh hoạ: Đức Huy).

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều tài xế đã không chịu được áp lực công việc và điều kiện kinh tế, đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội ở những ngành nghề khác. 

Chia sẻ với chúng tôi, Bùi Quang Duy (24 tuổi, Hoà Bình) - một tài xế công nghệ tại Hà Nội, cho biết thu nhập từ nghề lái xe chỉ ngang bằng so với khoảng thời gian anh làm công nhân tại một KCN ở Hà Nam.

“Còn trẻ, còn sức khoẻ thì mình còn chạy, cố kiếm lấy đồng vốn rồi vài năm nữa về quê lập nghiệp”, Duy chia sẻ. Để tăng thu nhập, Duy chọn lịch trình chạy buổi đêm, thời gian làm việc kéo dài từ 8h tối hôm trước tới 7h sáng hôm sau.

Tương tự, anh Bùi Hiếu (36 tuổi, Thanh Hoá) làm nghề chạy xe tự do tại Hà Nội cho biết nếu chỉ trông chờ vào mỗi việc lái xe thì không đủ ăn. Vì thế, ngoài chạy trên ứng dụng, anh Hiếu cũng tận dụng những ngày nghỉ để chạy dịch vụ bên ngoài, chở khách du lịch và thường nhận những cuốc xa.

Số liệu cũng chỉ ra thực trạng tài xế rời thị trường. Năm ngoái, theo thống kê của Hiệp hội taxi Hà Nội, trước đại dịch, số lượng xe taxi công nghệ ở Hà Nội khoảng 60.000 xe nhưng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 20.000 xe. Tương tự, taxi truyền thống cũng sa sút không kém, giảm từ 17.000 xe xuống còn gần 10.000 xe.

Tài xế không có việc làm, ngay cả những ông lớn trong ngành như Vinasun, Mai Linh cũng phải thanh lý xe. Cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi và con số ước tính cuối năm 2022 là 2.621 chiếc. Tương tự, số lượng xe của hãng Mai Linh đến cuối năm 2022 ước chỉ còn 16.966 xe, giảm từ mức 17.057 vào cuối năm 2019.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, không chỉ khó khăn về mặt thu nhập, các tài xế còn phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn, chịu áp lực từ khách hàng,… Phần lớn trong số họ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp.

Tung chiêu thu hút tài xế

Đứng trước thực trạng kể trên, để thu hút tài xế ngay trong tháng 2 và tháng 3 năm nay, hãng taxi Vinataxi đã áp dụng chính sách thưởng đặc biệt lên đến 3 triệu đồng cho tài xế hoặc nhân viên giới thiệu được xe thương quyền ký hợp đồng.

Ngoài ra, hãng taxi này cũng đưa ra chính sách khoán linh hoạt, thời gian làm việc chủ động, chi phí ký quỹ thấp. Nhiều khoản thưởng dành cho tài xế bao gồm: thưởng gia nhập, thưởng tái ký, thưởng ngày kinh doanh miễn phí, thưởng hỗ trợ dán quảng cáo,… Tài xế xe khoán của Vinataxi sẽ được nhận khoản thưởng hoàn thành hợp đồng là 11 triệu đồng/năm.

Ở các hãng gọi xe công nghệ, tài xế sẽ được nhận thưởng nếu tích cực hoạt động. Các lái xe đều cho biết thu nhập của tài xế công nghệ chủ yếu đến từ lợi nhuận cuốc xe, sau khi trừ phụ phí của hãng và tiền thưởng hoạt động. Với mỗi hãng, tài xế sẽ hưởng chính sách thu phí và thưởng khác nhau.

Đơn cử, tại Hà Nội, vào các ngày trong tuần, tài xế GrabCar sẽ nhận được 15 điểm tích lũy, nếu nhận và hoàn thành cuốc xe vào khung 11-13h59. Nếu vào khung cao điểm 17-18h59, tài xế sẽ nhận được 40điểm tích lũy.

Kết thúc ngày làm việc, nếu sốđiểm tích lũy đạt mốc 290, 410, 590, 690, tài xế sẽ được thưởng tương ứng 50.000 đồng, 80.000 đồng, 180.000 đồng, 300.000 đồng. Vào hai ngày cuối tuần, tài xế có thể được thưởng tối đa 550.000 đồng.

Đối với beCar, mức thưởng tối đa dành cho tài xế vào các ngày trong tuần là 800.000 đồng và 900.000 đồng vào hai ngày cuối tuần. Tương tự, GoCar có mức thưởng lần lượt 720.000 đồng và 800.000 đồng.

Bên cạnh mức thưởng trên, thời gian gần đây, tài xế công nghệ còn được nhận thêm một số phụ cấp khác như đón khách xa, giờ cao điểm, giờ đêm.

Đức Huy