|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mua bánh mì cũng phải quét mặt và xu hướng thanh toán sinh trắc học đang tới gần?

09:56 | 21/07/2024
Chia sẻ
Quy định xác thực sinh trắc học khuôn mặt khi thanh toán mở ra cơ hội cho các fintech cung cấp công nghệ này tại Việt Nam.

Trong hai tuần qua, người dùng ngân hàng tại Việt Nam đã gặp không ít khó khăn với quy định thanh toán mới, yêu cầu quét khuôn mặt để chuyển khoản trong nước với số tiền trên 10 triệu đồng, theo Tech in Asia.

Quy định này đã gây ra nhiều sự nhầm lẫn, khiến người dùng đổ xô đến các chi nhánh ngân hàng khi ứng dụng ngân hàng gặp trục trặc hoặc báo lỗi. Thậm chí, có trường hợp người dùng đã "qua mặt" hệ thống bằng cách sử dụng ảnh thay vì khuôn mặt thật để xác thực.

Việc quét khuôn mặt được dự đoán sẽ làm tăng chi phí cho các tổ chức tài chính, đặc biệt là các công ty fintech nhỏ. Bên cạnh đó, cách thức xử lý dữ liệu sinh trắc học mới này cũng đang là một vấn đề đáng quan ngại.

Quy trình xác thực sinh trắc học ở Việt Nam hoạt động bằng cách so sánh ảnh quét khuôn mặt của người dùng trên điện thoại với cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu khớp, giao dịch sẽ được thông qua.

Bên trong một trung tâm thương mại ở Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Ông Christian Nguyen, CEO Wee Digital, cho rằng quy trình này an toàn hơn cho người dùng nhưng lại phức tạp hơn cho các ngân hàng so với Face ID của Apple. Trong khi Face ID chỉ xác thực một người dùng duy nhất trên mỗi chiếc iPhone, các ngân hàng phải đối chiếu với cơ sở dữ liệu hàng triệu chủ tài khoản.

Mặc dù quy định mới đã thu hút sự chú ý vào công nghệ xác thực khuôn mặt, ông Christian cho biết công ty ông đã cung cấp dịch vụ này cho các ngân hàng từ 6 năm trước. Ông chia sẻ: "Chúng tôi đang chuyển đổi xác thực từ thiết bị và Apple sang các ngân hàng, và đây là một thay đổi lớn."

Theo ông, Face ID và các dịch vụ tương tự chỉ xác nhận người thực hiện giao dịch là chủ sở hữu điện thoại, trong khi quy định mới của Việt Nam yêu cầu xác minh chính chủ tài khoản cho mỗi giao dịch. Sự khác biệt này rất quan trọng vì quy trình cũ dễ dẫn đến gian lận hơn.

Gian lận trực tuyến ước tính gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam lên tới 10.000 tỷ đồng trong năm ngoái. Đây là một trong những lý do chính khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra yêu cầu xác thực sinh trắc học mới. 

Ông Niraan De Silva, CEO VNLife, cho rằng xác thực sinh trắc học có thể "gây thêm một chút khó khăn" cho các ngân hàng và yêu cầu nhiều thao tác hơn từ người dùng, nhưng "điều này là vì lợi ích tốt nhất cho hệ thống tài chính.”

VNPay hiện cung cấp giải pháp xác thực khuôn mặt cho một số ngân hàng Việt Nam, được sử dụng trong quy trình nhận biết khách hàng điện tử (eKYC). Giải pháp của VNPay cũng đang được các tổ chức tài chính sử dụng để xác thực các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng, ông De Silva cho biết.

Ông Niraan De Silva, CEO VNLife. (Ảnh: Tech in Asia).

Ông Nguyễn An Nguyên, nhà sáng lập kiêm CEO Trusting Social, một công ty fintech chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI), cho rằng người tiêu dùng Việt Nam đang phải đối mặt với các cuộc tấn công lừa đảo ngày càng tinh vi và các mối đe dọa an ninh mạng có tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh các công cụ AI phát triển nhanh chóng.

Được thành lập vào năm 2013, Trusting Social là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng cho những người chưa có tài khoản ngân hàng ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines. Năm ngoái, tập đoàn Masan đã đầu tư 65 triệu USD vào Trust IQ, công ty mẹ của Trusting Social, để sở hữu 18% cổ phần.

Ông Nguyên lưu ý rằng việc cung cấp quy trình xác thực sinh trắc học liền mạch có thể là một thách thức về mặt kỹ thuật, ngay cả đối với các ngân hàng lớn ở Việt Nam. Khách hàng vẫn mong đợi tốc độ giao dịch nhanh chóng, ngay cả khi có thêm một lớp bảo mật.

Ông nói thêm rằng khi quy định có hiệu lực và lưu lượng truy cập đạt đỉnh điểm trong tuần đầu tiên của tháng 7, Trusting Social vẫn đảm bảo "100% thời gian hoạt động và thời gian phản hồi 500 mili giây cho API xác thực khuôn mặt."

Theo ông Nguyên, phần mềm của Trusting Social đã được 15 ngân hàng ở Việt Nam, bao gồm Techcombank, VIB, MSB và OCB, sử dụng để tích hợp khách hàng vào hệ thống xác thực sinh trắc học.

Cả Wee Digital và Trusting Social đều lạc quan về nhu cầu cao của các ngân hàng đối với dịch vụ xác thực sinh trắc học của họ. Hai công ty tin rằng ngay cả các ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng sẽ thấy việc tự phát triển hệ thống nội bộ để xử lý lượng lớn dữ liệu là một gánh nặng.

 Giải pháp xác thực khuôn mặt của Wee Digital. (Ảnh: Wee Digital).

Tính đến ngày 5/7, khoảng 19 triệu người đã đăng ký xác thực sinh trắc học, theo Ngân hàng Nhà nước. Với khoảng 77% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng, ước tính còn khoảng 37 triệu người chưa đăng ký.

Ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO và đồng sáng lập Fundiin, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực "mua trước, trả sau" (BNPL), cũng tin rằng quy định mới này sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh công ty ông. 

Fundiin đã huy động được khoảng 6,8 triệu USD vốn đầu tư và hợp tác với hơn 600 nhà bán lẻ cùng các thương hiệu lớn như Lotte Cinema, Pharmacity và Guardian.

Ông nói: "Trước đây, chúng tôi thấy rằng nhiều khách hàng có tài khoản ngân hàng, nhưng rất ít người sử dụng thẻ vì họ không thực sự tin tưởng vào việc cung cấp thông tin thẻ." Việt Nam có tỷ lệ sử dụng thẻ thấp, với tỷ lệ chưa đến hai trong số 10 người lớn sở hữu thẻ, theo báo cáo của FiinGroup.

Để sử dụng Fundiin, khách hàng phải đăng ký ứng dụng, cung cấp giấy tờ tùy thân và chọn phương thức thanh toán - chuyển khoản ngân hàng trực tiếp hoặc thẻ ngân hàng - nhằm liên kết với ứng dụng. Ông Cường cho biết chưa đến 30% khách hàng của Fundiin sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ ngân hàng nội địa.

Ông nói thêm rằng nếu quy định mới giúp giảm thiểu gian lận và tăng cường niềm tin vào hệ thống tài chính, người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn vào các loại hình dịch vụ fintech mới, bao gồm cả BNPL.

Theo ông Huy Phạm, giảng viên cao cấp về tài chính tại Đại học RMIT ở TP HCM, quy định mới này có thể giúp ngành fintech Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông cho biết thêm: "Khi các công ty mới gia nhập thị trường, họ sẽ yên tâm hơn khi biết rằng mình đang làm việc với một cơ sở người dùng lớn và được bảo vệ tốt."

Tuy nhiên, yêu cầu về dữ liệu sinh trắc học cũng làm dấy lên lo ngại về việc các ngân hàng và công ty fintech sẽ phải lưu trữ và bảo vệ một lượng lớn "dữ liệu nhạy cảm hơn".

Ông Huy nhấn mạnh: "Do tính chất nhạy cảm của dữ liệu sinh trắc học và những rủi ro liên quan nếu dữ liệu này rơi vào tay kẻ xấu, cần phải có các biện pháp bảo mật cao hơn so với thông tin cá nhân thông thường."

Ông Lù Duy Nguyên, Giám đốc Ngân hàng số tại Orient Commercial Joint Stock Bank (OCB), cho rằng yêu cầu mới này có thể gây khó khăn cho các công ty fintech nhỏ hơn trong việc cạnh tranh do chi phí công nghệ và nhân sự cần thiết để tuân thủ quy định tăng cao.

Ông Nguyên cũng chỉ ra rằng các công ty fintech khởi nghiệp thường phải dựa vào các nhà cung cấp bên thứ ba về công nghệ quét khuôn mặt, nhưng các nhà cung cấp này thường ưu tiên khách hàng lớn hơn để thu phí cao hơn và tăng doanh thu, khiến các công ty nhỏ hơn bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù xác thực sinh trắc học tăng cường thêm một lớp bảo mật cho giao dịch ngân hàng, nhưng nó không phải là giải pháp cuối cùng để chống gian lận, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ AI đang bùng nổ.

Tuy nhiên, theo ông Christian tại Wee Digital, "trong vòng 5 năm tới, 100% giao dịch, dù là một hay hai đô, sẽ được các ngân hàng xác thực bằng sinh trắc học." Ông tin rằng tốt hơn hết là nên bắt đầu ngay bây giờ hơn là chờ đợi đến khi quá muộn, khi mà Việt Nam đang nhanh chóng chuyển đổi sang một xã hội không tiền mặt."

Đức Huy

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.