Một thị trường chứng khoán rất khác sau 2 năm bùng nổ
Hai năm chứng khoán bùng nổ, nhà đầu tư "bán là thua, mua là thắng"
Quay trở lại quãng thời gian hơn 2 năm về trước, sức quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán đẩy lên cao độ. Người người nhà nhà bàn luận về chứng khoán tạo làn sóng “nhà đầu tư F0” gia nhập thị trường.
Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa, dòng tiền nhàn rỗi đổ sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số. Ngay cả những công ty niêm yết trên sàn cũng không thể đứng ngoài sóng tăng giá mạnh nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Nếu như năm 2019, thị trường đón 192.567 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới. Con số này gấp đôi trong năm 2020. Sang đến năm 2021 - 2022, mỗi tháng thị trường có thêm hàng trăm nghìn tài khoản chứng khoán mới. Kỷ lục liên tiếp tạo ra, đỉnh điểm là 476.711 tài khoản mới vào tháng 5/2022.
Tính đến cuối tháng 8, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 6,5 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, gấp gần 3 lần thời điểm đầu năm 2020.
Số tài khoản tăng nhanh nhờ công nghệ, nhà đầu tư chỉ mất vài phút để giao dịch chứng khoán. Song, một lý do khác khả năng lớn hơn đó là những con sóng tăng giá cổ phiếu tạo sức hấp dẫn. Nhà đầu tư chứng khoán đua nhau khoe lãi trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán.
Sóng tăng giá cổ phiếu thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản giúp nhà đầu tư đạt mức lợi nhuận trong mơ chỉ trong một thời gian ngắn. Sắc xanh trên diện rộng, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu không cần quá khắt khe bởi cứ mua là có lãi.
Nhiều nhà đầu tư không quan tâm đến câu chuyện tài chính kinh doanh của doanh nghiệp, họ lựa chọn đầu cơ trên quan điểm “cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá”.
Những đợt bùng phát dịch tạo ra cú rung lắc ngắn để thị trường tiếp tục đi lên. Xu hướng lặp đi lặp lại, thị trường giảm rồi lại tăng, mua cao và bán cao hơn, bất kỳ cổ phiếu nào cũng có thể sinh lời. Không trải qua cảm giác thua lỗ, một thị trường chứng khoán màu hồng trong mắt nhiều người.
Mua là thắng, dòng tiền trong nước đổ vào thị trường chứng khoán ngày một lớn. Nội khối cân lực bán kỷ lục từ nhóm ngoại. Lực cầu lớn khiến hệ thống giao dịch sàn HOSE quá tải nhiều tháng. Sau khắc phục sự cố trên, những phiên thanh khoản tỷ USD trở nên quen thuộc. Dòng tiền tạo ra một kịch bản “trong mơ” theo lời của nhiều lãnh đạo cấp cao ngành chứng khoán.
Cũng kể từ khi xuống tiền mua cổ phiếu, những nhà đầu tư, đặc biệt lớp người mới quan tâm đến những buổi họp đại hội, gặp gỡ nhà đầu tư hơn. NĐT tham gia để cập nhật hoạt động doanh nghiệp, không ít người kỳ vọng tìm kiếm tin tốt, tin mật hay chia sẻ từ những “tay to, cá mập”. Chỉ một thông tin dù chưa kiểm chứng chia sẻ trên những hội nhóm, diễn đàn cũng có thể khiến cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp.
Còn với các công ty niêm yết, số lượng cổ đông tăng vọt lên, đặc biệt nhóm tập đoàn lớn, ngân hàng có đến hàng trăm nghìn cổ đông. Có đại hội có hàng nghìn người tham dự, nhiều đơn vị phải chia ra nhiều phòng họp, hội trường để có đủ sức chứa.
Dễ dàng gia nhập, dễ dàng đầu tư, lợi nhuận cao, nhà đầu tư chứng khoán dần mất đi sự cảnh giác, khái niệm quản trị rủi ro cũng không còn. Với nhiều người, công thức đầu tư đơn giản chỉ là “điều chỉnh để lên”, “xuống là cơ hội gom tiếp”…
Biểu hiện dòng tiền dần thờ ơ với chứng khoán
Nhưng không thị trường chứng khoán nào tăng được mãi, VN-Index điều chỉnh là lúc lớp nhà đầu tư mới dần bộc lộ những yếu điểm theo cách số đông vẫn nói “nước rút mới biết ai mặc quần”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh đến từ nhiều yếu tố như những ảnh hưởng từ bên ngoài như chứng khoán toàn cầu đi xuống, căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát mức cao, nhiều đồng tiền mất giá. Còn trong nước, hoạt động quản lý siết chặt, nhiều lãnh đạo vướng vào lao lý với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, thị trường dấu hiệu tăng nóng những ngày cuối năm 2021 đầu năm 2022. Ví dụ điển hình là sóng cổ phiếu bất động sản đẩy giá tăng phi mã khi dòng tiền đầu cơ gia nhập và nhà đầu tư “đếm cua trong lỗ” quỹ đất doanh nghiệp.
Margin từ chỗ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận quay trở lại là “con dao hai lưỡi”, tạo ra làn sóng bán giải chấp khiến thị trường sụt giảm. Tới đây nhà đầu tư mới nhận ra sự khốc liệt của chứng khoán, việc kiếm lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu không dễ dàng như số đông vẫn nghĩ.
Khác hai năm trước đó, thị trường không hồi phục ngay và tìm đỉnh mới sau khi kết thúc nhịp giảm. Nhiều cổ phiếu mất 60 – 70% giá trị và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Những quỹ đầu tư chuyên nghiệp khó khăn mới chiến thắng được VN-Index, dù hiệu suất đang âm. Còn với nhà đầu tư cá nhân, mức lỗ có lẽ cao hơn thế bởi tâm lý “tất tay”.
Những tháng gần đây, thị trường giảm điểm, nhịp hồi ngắn xuất hiện không đủ để nhà đầu tư dễ dàng có được lợi nhuận như trước. Không ít người đang hi vọng cổ phiếu hồi phục để hòa vốn.
Biểu hiện rõ nhất cho thấy tâm lý có phần chán nản là thanh khoản ảm đạm. Từ chỗ giao dịch vài chục nghìn tỷ đồng mỗi phiên và đứng đầu Đông Nam Á, nay giá trị giao dịch trên sàn HOSE giảm hơn một nửa, thậm chí nhiều phiên xuống dưới mốc 10.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research, dòng tiền có dấu hiệu bị rút ra ngoài thị trường do nhiều yếu tố đồng thời như chính sách thắt chặt tiền tệ trên cả thị trường quốc tế cũng như trong nước, lo ngại suy thoái toàn cầu và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp kém lạc quan hơn. Phần khác là dòng tiền rút từ thị trường chứng khoán để quay lại sản xuất kinh doanh.
Tín hiệu khác là số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới giảm ba tháng gần đây. Dù con số này không thực sự nhiều ý nghĩa khi nó không đồng pha giá trị mua ròng từ cá nhân trong nước kể từ đầu năm 2022. Nói một cách đơn giản là tiền mới không gia nhập.
"Cái nhiệt" của nhà đầu tư cũng mất dần theo giá cổ phiếu. Mới đây một công ty bất động sản lớn trên sàn đã không đủ túc số để tiến hành cuộc họp cổ đông với nhiều nội dung quan trọng gắn liền với quyền lợi cổ đông và dòng vốn phát triển dự án. Chỉ cách đây ít tháng, doanh nghiệp này đón lượng lớn nhà đầu tư tham dự đại hội cổ đông thường niên 2022.
Đây không phải là một diễn biến mới. Nhiều doanh nghiệp, ngân hàng tổ chức đại hội thường niên kể từ quý II đã ghi nhận tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự sụt giảm so với mùa trước. Có nghĩa là nhà đầu tư thờ ơ với giao dịch cổ phiếu và cũng ít quan tâm hơn hoạt động doanh nghiệp khi thị trường đảo chiều.
Nhìn tổng quan, những diễn biến trên cho thấy một thị trường chứng khoán Việt Nam rất khác chỉ sau ít tháng điều chỉnh. Từ chỗ bùng nổ, thị trường lịm dần đan xen những nhịp sóng ngắn. Số đông đang loay hoay tìm câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” cho những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Nhưng bối cảnh hiện nay thì điều này không mấy dễ dàng.
Trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động khó lường theo diễn biến kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh quốc tế cũng như trong nước. Cơ hội đầu tư vẫn có nhưng sẽ không nhiều như giai đoạn trước và có sự phân hóa mạnh trong bối cảnh dòng tiền yếu. Do vậy, phương pháp đầu tư cũng cần điều chỉnh để thích ứng với giai đoạn mới, không còn cảnh “bán là thua, mua là thắng”.
Những thảo luận chi tiết hơn về xu hướng thị trường và những nhóm ngành triển vọng sẽ được đưa ra tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” tổ chức ngày 27/9 tới đây.
Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" sẽ diễn ra vào 8h30-11h30 ngày 27/9/2022 tại TP HCM.
Toạ đàm do Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức với sự tham gia của các diễn giả:
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup
Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT
Cùng sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia,quỹ đầu tư,…
Nhằm hướng tới mục tiêu đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán, gợi ý các chiến lược phân lớp tài sản đầu tư, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu đảm bảo tính an toàn vốn cao và có hiệu suất tốt, mang lại giá trị cho nhà đầu tư và chung tay phát triển một thị trường vốn phát triển lành mạnh, toạ đàm sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm:
- Đánh giá tác động chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, làm lành mạnh TTCK đến dòng vốn đầu tư
- Những biến số vĩ mô tác động đến TTCK Q4.2022 - 2023
- Triển vọng dòng tiền vào TTCK
- Triển vọng kinh doanh các ngành, một số lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng
- Ý tưởng đầu tư, chiến lược phân lớp tài sản phù hợp cho năm 2023
Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý nhà đầu tư và các bạn đọc!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/