|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

MoMo ‘một mình một ngựa' trên thị trường ví điện tử

11:05 | 22/05/2023
Chia sẻ
Hiện thị phần MoMo chiếm 68% trong thị trường ví điện tử tại Việt Nam.

Báo cáo của Decision Lab phối hợp cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA) công bố cho thấy MoMo đứng đầu về thị phần và là ví điện tử được ưa chuộng nhất Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo báo cáo này, MoMo đang chiếm 68% thị phần ví điện tử, tăng so với quý IV năm ngoái trong khi các ví khác như ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VNPay hay Moca đều giảm thị phần.

MoMo cũng là ví điện tử được ưa chuộng nhiều nhất tại Việt Nam ở tất cả các thế hệ (Gen X, Gen Y và Gen Z) với mức độ yêu thích 48%, tăng 2% so với quý IV năm ngoái. Đứng thứ hai là ZaloPay với độ yêu thích 18%, trong khi quý IV/2023 là 19%. ViettelPay đứng thứ ba với độ yêu thích là 10%. 

 Thị phần các ví điện tử tại Việt Nam. (Nguồn:Decision Lab).

MoMo và phần còn lại

Theo Tech in Asia, với định giá 2,2 tỷ USD và 31 triệu người dùng, MoMo đang dẫn đầu mảng thanh toán số ở Việt Nam, bỏ xa các đối thủ trên thị trường. 

Trong nhiều năm, MoMo duy trì việc hoạt động khá độc lập bằng cách liên tục mở rộng mạng lưới các nhà bán hàng và người dùng thông qua chiết khấu và marketing, đồng thời hợp tác với những công ty như Lazada, Tiki, Apple hay Google để mở rộng tập người dùng nhanh chóng.

Đầu năm ngoái, MoMo đã giới thiệu một Hội đồng AI gồm nhiều nhân sự chất lượng để thực thi chiến lược tập trung vào AI (AI-First). Hội đồng AI của MoMo có sự tham gia của nhiều nhân sự kỳ cựu đã từng có kinh nghiệm tại Facebook, LinkedIn, Twitter, VNG, và FPT.

Động thái trên được MoMo thực hiện sau khi thâu tóm một startup AI Việt Nam có tên Pique hồi tháng 6 năm ngoái. Pique có khả năng tạo ra các gợi ý dựa trên AI để khuyến khích người dùng tương tác và mua sắm nhiều hơn. Việc thâu tóm Pique tạo tiền đề để MoMo tận dụng tốt hơn những dữ liệu người dùng mà nó sở hữu.

MoMo khẳng định sẽ dành từ 20% đến 25% ngân sách công nghệ cho AI đồng thời nâng số lượng nhân sự kỹ thuật lên 1.000 người.

 Mức độ ưa thích sử dụng ví điện tử của người dùng các thế hệ tại Việt Nam. (Nguồn:Decision Lab).

Trong bối cảnh đó, các ví điện tử khác cũng không chịu ngồi yên. ZaloPay đã tận dụng người dùng từ Zalo - nền tảng trò chuyện OTT lớn nhất Việt Nam để tăng thị phần, trong khi AirPay (nay là ShopeePay) lại được tích hợp vào Shopee - sàn thương mại điện tử nhiều người dùng nhất tại Việt Nam.

Năm 2021, ZaloPay "đốt" gần 52 triệu USD, theo Tech in Asia. Năm ngoái, Funding Societies thừa nhận đầu tư và có hợp tác với VNG - đơn vị sở hữu ví điện tử ZaloPay. Người phát ngôn của Funding Societies nói rằng công ty này và VNG có thể tạo ra "trải nghiệm khách hàng liền mạch" ở các mảng cho vay, thanh toán, quản lý chi tiêu và các dịch vụ khác cho SME (Small and Medium Enterprise - doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Trong khi đó, Shopee hiện tại cho phép dùng ShopeePay để thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử này. Năm 2021, Shopee đổi tên dịch vụ giao đồ ăn và thanh toán tại Việt Nam lần lượt thành ShopeeFood và ShopeePay. Động thái này cho thấy Shopee đang muốn tạo ra một sự kết nối tốt hơn của các dịch vụ đến sàn thương mại điện tử khổng lồ của mình.

Một người khổng lồ khác trong cuộc đua dịch vụ tài chính là Viettel. Tháng 1/2021, Viettel chuyển đổi định hướng từ một nhà mạng truyền thống thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Là một nhà mạng, Viettel có lợi thế lớn trong triển khai mobile money.

Với những chuyển động như vậy, có thể thấy cuộc chơi trên thị trường ví điện tử vẫn chưa ngã ngũ khi mỗi công ty fintech đều có những lợi thế riêng của mình để bứt tốc. Theo một báo cáo của Google, nền kinh tế internet của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 29% mỗi năm cho tới năm 2025.

Ngoài ra, phần lớn sự lạc quan của ngành fintech đến từ cơ hội phục vụ nhóm dân số chưa được ngân hàng phục vụ hoặc chưa được phục vụ đầy đủ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư liên tục rót tiền vào mảng fintech tại Việt Nam. Năm 2021,mảng fintech thu hút được 580 triệu USD vốn đầu tư, và con số này là gần 138 triệu USD trong năm ngoái, bất chấp những khó khăn kinh tế.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của mảng dịch vụ tài chính số tại một số quốc gia Đông Nam Á giai đoạn từ năm 2021 – 2025 (Nguồn: BDA Partners).

Không chỉ là ví điện tử

Tờ Tech in Asia nhận định các công ty fintech sẽ khó có thể tồn tại được chỉ nhờ dịch vụ ví điện tử vì biên lợi nhuận mảng này rất mỏng. "Nói về tài chính của một người, có tất cả 5 hoạt động: kiếm tiền, tiêu tiền, vay mượn, tiết kiệm và đầu tư. MoMo nên tham gia vào tất cả hoạt động", Nam Le, một chuyên gia tại Touchstone Partners, nhận định.

Năm 2019, CEO MoMo, nói với TechCrunch rằng "chiến thuật của chúng tôi được dựa trên thành công của Alipay và WeChat ở Trung Quốc, các dịch vụ này đi từ thanh toán đến cho vay và hơn thế nữa".

 Giá trị thanh toán số tại Đông Nam Á vào năm 2023. (đơn vị: tỷ USD). (Nguồn: Statista). 

MoMo cũng đang đi theo hướng này. Tháng 8/2021, MoMo ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau cùng TP Bank cho phép người dùng MoMo vay tới 10 triệu đồng dựa trên điểm xếp hạng tính dụng do MoMo tính toán. Người dùng dịch vụ này không cần chứng minh thu nhập và nhắm đến đối tượng khách hàng chưa dùng thẻ tín dụng.

Tháng 1/2022, MoMo mua cổ phần Nhanh.vn, một startup cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng đến doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Thương vụ thâu tóm này sẽ giúp MoMo có thể bắt đầu cung cấp nhiều dịch vụ đến nhóm doanh nghiệp SME, vốn chiếm tới 98% cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tuần trước, MoMo chính thức chính thức trở thành phương thức thanh toán tích hợp trên Apple Store trực tuyến tại Việt Nam. Phương thức này hỗ trợ trả góp kỳ hạn 6-24 tháng, trả trước 20% giá trị sản phẩm với lãi suất cạnh tranh 1,67%/tháng. Hạn mức tín dụng lên tới 100 triệu đồng.

Một "bước tiến logic" là MoMo trở thành một ngân hàng số. Điều này, dĩ nhiên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu được cấp phép. Khác với các quốc gia Đông Nam Á khác, các ngân hàng số của Việt Nam hiện vẫn phải hoạt động dưới sự hợp tác với các ngân hàng địa phương, ví dụ như Timo và Ngân hàng Bản Việt.

Với MoMo, IPO cũng nằm trong kế hoạch của họ. Phía MoMo  từng chia sẻ với Reuters rằng họ có thể IPO vào năm 2025.

Thiên Trường