|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Miễn cách ly với khách quốc tế không phải là bước đi mạo hiểm, nên kết hợp mở hoàn toàn mọi dịch vụ khác

08:00 | 26/10/2021
Chia sẻ
Trong khi các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Thái Lan đã bắt đầu dỡ bỏ quy định cách ly đối hành khách quốc tế đến từ một số quốc gia trên thế giới, liệu Việt Nam có nên mạnh dạn bỏ quy định này để mở rộng lối đi cho du lịch và hàng không tiến nhanh tới đà phục hồi?

Trong các nước khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore là hai quốc gia đi đầu trong việc dỡ bỏ quy định cách ly đối với khách quốc tế. Trong bối cảnh Thái Lan nỗ lực phục hồi ngành du lịch đang lao đao vì đại dịch COVID-19, bắt đầu từ tháng 11, quốc gia này sẽ mở rộng số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ được cho là có nguy cơ thấp lên 46 và du khách từ các khu vực này sẽ được miễn cách ly nếu đáp ứng đủ các yêu cầu do Thái Lan đặt ra.

Còn tại Singapore, ngay từ giữa tháng 9 vừa qua, nước này đã chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế cho hành khách đã tiêm chủng từ Đức và Brunei trong khuôn khổ chương trình Hành lang Du lịch Tiêm chủng (VTL). Đến đầu tháng 10, "quốc đảo sư tử" tiếp tục thông báo bổ sung 8 quốc gia vào chương trình trên.

Những du khách đã tiêm chủng đến từ các quốc gia nằm trong khuôn khổ chương trình VTL sẽ được miễn cách ly khi nhập cảnh vào Singapore.

Mạnh dạn bỏ quy định cách ly đối với hành khách quốc tế là táo bạo hay mạo hiểm? - Ảnh 1.

Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á đang lên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, đón khách nước ngoài vào tháng 11 tới đây. (Ảnh minh họa: Zing).

Tại Việt Nam, theo đề xuất mở lại đường bay quốc tế theo 4 giai đoạn của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, các hãng hàng không sẽ đón người Việt về nước mua combo vé và khách sạn cách ly song song với việc tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...).

Đối với khách khách quốc tế đi lẻ, cần tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải cách ly 7 ngày sau khi đến Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, các chuyến bay quốc tế chỉ được phép chở 4.000 - 6.000 khách mỗi tháng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đang trao đổi với gần 80 đối tác khác về vấn đề này. Những người mang giấy tờ này sẽ được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam và giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày.

Cần mạnh dạn miễn cách ly với khách quốc tế, mở đầy đủ các loại dịch vụ

Nhận định về kế hoạch này, trao đổi với người viết, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, việc mở cửa hàng không quốc tế và quy định về cách ly cần phải tách ra thành hai nhóm khách gồm khách tới Việt Nam để làm việc và khách du lịch.

Mạnh dạn bỏ quy định cách ly đối với hành khách quốc tế là táo bạo hay mạo hiểm? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị).

Đối với khách quốc tế đến Việt Nam để làm việc như các chuyên gia, nhà đầu tư,... đảm bảo đầy đủ các yếu tố về hai mũi vắc xin, xét nghiệm,... mà vẫn yêu cầu phải cách ly thì điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn. Bởi đối tượng này cần có nhiều thời gian để ký hợp đồng thương thảo mà giờ phải cách ly 7 ngày thì sẽ trễ công việc và quy định này không thực sự hợp lý.

Còn đối với khách du lịch quốc tế, điều đầu tiên cần lưu ý chính là sự đồng bộ các hoạt động dịch vụ như quán ăn, nhà hàng, khách sạn,... những dịch vụ này cần được hoạt động bình thường thì mới đủ hấp dẫn. Khách quốc tế đi một chặng đường dài để du lịch nhưng đến địa điểm lại không được ăn uống, giải trí thoải mái thì khách sẽ chọn nơi khác.

"Đặt bản thân vào vị trí của du khách nước ngoài, chúng ta cũng sẽ e dè với việc đi du lịch mà phải cách ly tới 7 ngày", ông Đinh Thế Hiển nhận định.

Theo ông, việc bỏ quy định cách ly 7 ngày là điều cần thiết. Cũng giống như người từ TP HCM khi xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tỉnh này cũng đã cho người TP HCM đi thoải mái thì hành khách quốc tế tới Việt Nam cũng vậy.

Trong những lĩnh vực kinh tế khác như kinh doanh thực phẩm, ăn uống thì "mở hé" vẫn là mở. Tuy nhiên đối với nhà hàng, khách sạn và du lịch thì phải mở một cách hoàn thiện, không thể nửa vời, ví như một tour du lịch phải có đầy đủ các dịch vụ thì mới hấp dẫn du khách.

"Nhìn chung, khi chúng ta chưa mở lại được hoạt động dịch vụ thì hãy khoan nói tới chuyện đón khách du lịch quốc tế. Khi chưa hoàn thiện được dịch vụ để du khách tới chơi mà đã công bố tháng 10 hay tháng 11 đón du khách thì có vẻ như chúng ta đang làm việc thiếu đồng bộ và thiếu tính khoa học", ông nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng lưu ý, nếu mở cửa kiểu nửa vời thì doanh nghiệp không thể khởi động được vì triển khai còn tốn chi phí, khổ hơn nằm chờ.

Cần phân đường bay đối với các nhóm khách quốc tế khác nhau

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng khi hành khách đã tiêm đủ hai liều vắc xin, xét nghiệm âm tính COVID-19 hay khỏi bệnh trong vòng 6 tháng thì không nên áp dụng quy định cách ly.

Mạnh dạn bỏ quy định cách ly đối với hành khách quốc tế là táo bạo hay mạo hiểm? - Ảnh 3.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: Dân trí).

"Đặc biệt với đối tượng là chuyên gia, nhà kinh doanh. Bởi họ không nhiều thời gian để cách ly và trong thời gian cách ly cũng không thể làm việc. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Y tế nên xem xét để có được quy trình có thể đảm bảo được an toàn y tế mà vẫn không cần phải cách ly tập trung", TS Lê Đăng Doanh nhận định.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có chính sách rõ ràng giữa các nhóm khách. Chẳng hạn, nhóm khách quốc tế đáp ứng đủ các yêu cầu về vắc xin, xét nghiệm âm tính,... và đến từ vùng xanh có thể miễn cách ly như người dân nội địa. Hay nhóm khách chưa tiêm vắc xin và tới từ vùng nguy cơ cao thì cũng cần những chính sách khác, phù hợp hơn.

Trong điều kiện dịch COVID-19, việc mở cửa hàng không cũng như đón khách quốc tế là tín hiệu lạc quan đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Để có thể thu hút khách quốc tế, ngay từ bây giờ cần xem xét, lên kế hoạch, đưa ra những chương trình với các điều kiện đủ để cạnh tranh với các thị trường trong khu vực như Thái Lan và Singapore.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những quốc gia trong khu vực về kinh nghiệm mở cửa đường bay quốc tế và thu hút khách quốc tế như Singapore với chương trình Hành lang Du lịch Tiêm chủng hay Thái Lan với mô hình du lịch hộp cát Phuket.

Có thể thấy đề xuất miễn cách ly với khách quốc tế không phải là đề xuất mạo hiểm mà khá phù hợp trong bối cảnh hiện tại, bởi nhiều nước trên thế giới đã có tỷ lệ tiêm vắc xin khá cao, đồng thời dịch tại Việt Nam đã được kiểm soát. Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn qua các đợt bùng dịch.

Phương Trang