Mạng lưới cao tốc Việt Nam sẽ thay đổi ra sao sau năm 2025?
Kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên TP HCM - Trung Lương được khởi công năm 2004, đến hết năm 2021 tổng chiều dài các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đang triển khai xây dựng là 2.079 km (hoàn thành 1.163 km, đang thi công 916 km).
Hồi đầu tháng 1, Quốc hội đồng ý đầu tư 147.000 tỷ đồng xây 729 km cao tốc trong 5 năm
Tuyến cao tốc chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ trong giai đoạn tới tập trung đầu tư các tuyến cao tốc chủ yếu ở khu vực phía Nam từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gồm:
2 tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài 27,43 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành vào cuối năm 2025; và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km, cơ bản hoàn thành một số đoạn cấp bách vào cuối năm 2025.
Với khu vực Đông Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km, dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành cuối năm 2025.
Ngoài các tuyến cao tốc đang thi công do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, các địa phương khu vực này đang chủ trì đầu tư các tuyến cao tốc như vành đai 3 TP HCM, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nối Đồng Nai với Lâm Đồng.
Tại miền Trung, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ cho đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 118 km, dự kiến khởi công đầu năm 2024, cơ bản hoàn thành các đoạn cấp bách vào cuối năm 2025.