|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Maneki-neko, những tượng mèo may mắn vượt biên giới Nhật Bản đi khắp năm châu

18:14 | 24/01/2023
Chia sẻ
Hình ảnh chú mèo thần tài bằng gốm sứ tráng men thường xuất hiện ở khắp các khu phố Tàu và cửa hiệu châu Á trên khắp thế giới, tưởng chừng là một sản phẩm của Trung Quốc. Song thực ra, đây là một vật phẩm của văn hoá Nhật Bản.

Hình ảnh chú mèo thần tài bằng gốm sứ tráng men thường xuất hiện ở khắp các khu phố Tàu và cửa hiệu châu Á trên khắp thế giới, tưởng chừng là một sản phẩm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những bức tượng nhỏ nhắn dễ thương này hoàn toàn không phải của Trung Quốc. Trên thực tế, chúng là của xứ sở mặt trời mọc Nhật Bản, với tên gọi maneki-neko, trong đó neko có nghĩa là mèo và maneki là vẫy tay.

Dù có tên là “mèo vẫy tay”, maneki-neko thực chất không hề vẫy tay. Ở Nhật Bản, khác với các nền văn hoá phương Tây, cách để ra hiệu ai đó tiến đến gần bạn là lòng bàn tay hướng về phía trước, các ngón tay chỉ xuống.

Trong hàng trăm năm qua, tượng mèo maneki-neko với bàn chân giơ lên trên cao, đôi tai nhọn màu đỏ, trên thân đeo các đồng xu và phụ kiện khác đã mang lại may mắn và thịnh vượng cho chủ cửa hàng ở nhiều quốc gia.

Theo Live Japan, tượng maneki-neko thường được làm bằng gốm, tuy nhiên chúng cũng có thể được làm từ bất cứ chất liệu nào khác, chẳng hạn như gỗ hay nhựa, hoặc thậm chí ngọc bích hoặc vàng.

Maneki-neko thường được trưng bày ở lối vào của các cơ sở kinh doanh. Lòng bàn chân của con mèo giơ lên biểu thị một lời chào mời khách hàng bước vào bên trong.

Hàng trăm tượng mèo maneki-neko được bày khắp nơi tại đền Gōtoku-ji, Tokyo. (Ảnh: Getty Images).

Nguồn gốc tượng mèo thần tài

Maneki-neko xuất hiện tại Nhật Bản từ khoảng thời gian nào vẫn còn là một câu hỏi mở, bởi câu chuyện về nguồn gốc của tượng mèo thần tài này có khá nhiều phiên bản.

Phiên bản phổ biến nhất liên quan đến một chú mèo tam thể sinh ra tại đền Gōtoku-ji Setagaya, Tokyo thời Edo (1603 - 1868).

National Geographic dẫn lời các nhà sử học cho biết, trong khi đi săn, Lãnh chúa Ii Naotaka đã trú dưới một gốc cây để tránh mưa.

Khi đó, chú mèo của sư trụ trì đã vẫy tay ra hiệu cho vị lãnh chúa vào trong đền Gōtoku-ji. Nhờ đó, ông được cứu một mạng vì ông vừa vào đền, cái cây kia đã bị sét đánh đổ.

Biết ơn chú mèo vì đã cứu mạng mình, Lãnh chúa Ii Naotaka đã phong nó làm vật bảo trợ cho ngôi đền. Người dân trong vùng tôn kính chú mèo và thường xuyên đến đền cầu may mắn.

Ngày nay, ngôi đền Gōtoku-ji vẫn đang được điểm xuyết bằng hàng trăm tượng mèo maneki-neko với đủ kích cỡ khác.

Tượng mèo maneki-neko thường được trưng bày ở lối vào của các cơ sở kinh doanh để cầu may và tài lộc. (Ảnh: Getty Images).

Cũng tại Tokyo, gần vùng Asakusa, người dân địa phương cũng truyền tai nhau một phiên bản khác về maru-shime no neko (tạm dịch là “mèo may mắn”) của đền Imado.

Năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến nỗi không thể nuôi chú mèo cưng của mình nữa và buộc phải cho đi. Đêm đó, con mèo xuất hiện trong giấc mơ của bà và nói: “Nếu bà làm búp bê giống con, con sẽ mang lại may mắn cho bà”.

Theo chỉ dẫn của chú mèo, bà lão đã làm những bức tượng nhỏ từ gốm Imado-yaki và đến cổng đền thờ để bán chúng. Con mèo giữ lời hứa và những bức tượng nhanh chóng nổi tiếng, giúp bà cụ thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Trong cùng năm đó, hoạ sĩ bậc thầy Hiroshige Utagawa đã đem câu chuyện của bà lão già và con mèo vào một bản khắc gỗ nổi tiếng của ông. Đây được cho là hình ảnh xưa cũ nhất của mèo thần tài maneki-neko.

Một phần bức tranh khắc gỗ theo phong cách ukiyo-e năm 1852 của hoạ sĩ bậc thầy Utagawa Hiroshige, mô tả cảnh người dân bán maru-shime no neko, một biến thể của maneki-neko. (Tranh:Utagawa Hiroshige).

Bất kể nguồn gốc chính xác của maneki-neko là gì, có một điều chắc chắn là người ta tin tưởng những bức tượng mèo này sẽ mang lại may mắn.

Giáo sư Yoshiko Okuyama tại Đại học Hawaii cho hay: “Người Nhật Bản có một niềm tin sâu xa vào sức mạnh của mèo: hãy chăm sóc chúng và chúng sẽ báo đáp bạn. Tầm quan trọng của maneki-neko có liên quan đến niềm tin này...”

Muôn hình vạn trạng

Chúng ta có thể biết được nhiều điều về một tượng mèo maneki-neko từ cử chỉ chân, màu sắc cùng những phụ kiện đi kèm với bức tượng.

Maneki-neko có thể giơ chân trái, chân phải hoặc đôi khi là cả hai chân lên cao. Vị trí của bàn chân không phải ngẫu hứng mà có, mà chúng được sắp đặt với ý nghĩa và niềm tin riêng biệt đằng sau mỗi cử chỉ.

Chẳng hạn, nếu bức tượng giơ chân phải lên thì nó sẽ giúp mang lại sự giàu có và may mắn cho gia chủ, trong khi giơ chân trái lại có thể giúp cơ sở kinh doanh thu hút khách hàng.

Nếu cả hai chân đều giơ lên, maneki-neko sẽ đem đến sự bảo vệ cho người nắm giữ bức tượng. Bàn chân nâng lên càng cao, vận may mà tượng mèo mang đến càng lớn.

Cửa hàng trưng bày tượng maneki-neko màu vàng, xanh lá, xanh dương, đen và trắng. (Ảnh: Getty Images).

Trong khi đó, gần một thế kỷ qua, màu sắc của tượng mèo thần tài đã đa dạng hơn rất nhiều. Nếu màu trắng tượng trưng cho sự tích cực và thuần khiết thì màu đen sẽ giúp chống lại cái ác.

Nếu bạn mong muốn có được trí tuệ và thành công, tượng maneki-neko màu xanh dương là lựa chọn phù hợp; màu hồng dành cho những người đang tìm kiếm sự may mắn trong tình yêu; màu vàng nổi tiếng mang lại tài lộc và thịnh vượng; màu đỏ dành cho tình yêu, hôn nhân và các mối quan hệ cá nhân; và màu xanh lá dành cho những ai đang mưu cầu sức khoẻ và học vấn.

Và, nếu quan sát kỹ các tượng maneki-neko khác nhau, chúng ta sẽ thấy một số vật dụng mà mèo thường mang hoặc đeo trên người.

Hiếm một tượng mèo thần tài nào không đeo vòng cổ trang trí. Thông lệ này bắt nguồn từ thời kỳ Edo, khi mèo cưng luôn đeo vòng cổ có gắn lục lạc để chủ nhân dễ dàng biết chúng ở đâu.

Maneki-neko cũng thường cầm koban, một đồng xu vàng được sử dụng trong thời Edo. Một koban bằng 10 ryo (tương đương 1.000 USD theo giá trị hiện nay). Thỉnh thoảng, tượng mèo thần tài còn cầm một đồng xu gọi là senman ryo, bằng 10 triệu ryo - một số tiền rất lớn, đặc biệt là ở thời kỳ đó.

Maneki-neko còn cầm một con cá koi hoặc một loài cá khác. Đây được coi là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng. Ngoài ra, chúng còn mang theo một túi tiền, tượng trưng cho sự may mắn và của nải.

Nếu móng vuốt của maneki-neko giữ một viên đá cẩm thạch hoặc đá quý khác, thì viên đá sẽ tượng trưng cho trí tuệ và sự giàu có. Bên cạnh đó, mèo thần tài cũng có thể mang quạt hoặc trống, biểu thị cho sự may mắn trong kinh doanh.

Hầu như tất cả tượng mèo thần tài maneki-neko đều đeo vòng cổ. (Ảnh: Getty Images).

Đồng thời, nó còn mang bên mình hyotan - những quả bầu rỗng để đựng rượu sake hoặc đồ uống. Fukurokuju, một trong 7 vị thần may mắn của Nhật Bản và đại diện cho trí tuệ cùng tuổi thọ, sẽ là người sử dụng rượu trong hyotan.

Cho đến ngày nay, các nhà sử học vẫn chưa làm rõ rằng bằng cách nào tượng mèo maneki-neko có thể ra khỏi Nhật Bản để trở nên phổ biến trên khắp châu Á và phần còn lại của thế giới.

Một số nghiên cứu cho rằng sự bùng nổ của văn hoá đại chúng Nhật Bản trong thời kỳ “Cool Japan” vào những năm 1980 - 1990, trùng với làn sóng nhập cư thứ hai của người Trung Quốc đến Mỹ, đã giúp maneki-neko thâm nhập vào văn hoá chính thống.

Giờ đây, ngoài những cửa hàng kinh doanh, tượng mèo thần tài này đã xuất hiện dày đặc hơn trong các sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, thời trang và thậm chí cả trò chơi điện tử, giúp quảng bá cho văn hoá Nhật Bản.

Chẳng hạn, trong bộ truyện tranh Pokémon, Meowth - một phần không thể thiếu của đội Hoả tiễn, được cho là đã lấy cảm hứng từ maneki-neko. Trên đầu Meowth có một đồng xu vàng và tuyệt chiêu của nó là “pay day” - đòn đánh tung các đồng xu vàng lấp lánh.

Khả Nhân