ĐHĐCĐ Vietcombank: Dự kiến chia cổ tức trong tháng 5, đang lựa chọn cổ đông nước ngoài cho kế hoạch phát hành riêng lẻ
Sáng 21/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2023 với nhiều kế hoạch quan trọng được đệ trình và xin ý kiến cổ đông.
Tính đến 8h00, số cổ đông tham dự đạt 101 cổ đông, tương đương 94,48% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trong năm 2023, Vietcombank cho biết sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính; Điều hành công tác huy động vốn linh hoạt và tăng cường công tác quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ ngoại bảng;...
Ngân hàng đặt ra định hướng một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023 - 2028 như sau: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm.
Ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT cho biết trên cơ sở chiến lược Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn 2030, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt gần 43.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%
Bên cạnh đó, Vietcombank đã trình NHNN và Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc một TCTD. Ngân hàng đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc và đang đợi cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng cũng đặt mục tiêu triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém theo định hướng chỉ đạo của NHNN.
Trong kỳ đại hội năm trước, ĐHĐCĐ Vietcombank đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém, tới thời điểm hiện tại tên của tổ chức này chưa được công bố chính thức.
Trong 5 năm 2017 - 2022, ngân hàng đã ghi nhận nhiều con số tích cực với mức tăng trưởng kép (CAGR) về tổng tài sản khoảng 12%/năm,tốc độ tăng trưởng kép dư nợ tín dụng khoảng 16%/năm.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,8 lần (tăng gần 800.000 tỷ đồng) so với thời điểm 5 năm trước.Dư nợ tín dụng đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với 31/12/2017.
Lợi nhuận trước thuế tăng 3,3 lần, từ 11.000 tỷ đồng năm 2017 lên gần 37.000 tỷ đồng năm 2022, tương đương với tốc độ tăng bình quân khoảng 29%/năm, liên tục dẫn đầu ngành ngân hàng về quy mô lợi nhuận.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ khoảng 1,11% cuối năm 2017 xuống còn 0,68% tại thời điểm cuối năm 2022.
Chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, lợi nhuận có thể phân phối là hơn 29.390 tỷ. Ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; 10% cho quỹ dự phòng tài chính; 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi (bao gồm quỹ thưởng người quản lý) và 9,8 tỷ đồng cho điều chỉnh giảm khác.
Sau khi trích lập đầy đủ các quỹ, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028
Tại kỳ họp này, Vietcombank sẽ thực hiện bầu HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới 2023- 2028.
Theo đó, ngân hàng dự kiến nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 lên 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Trước mắt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Vietcombank sẽ bầu 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với cơ cấu gồm 6 thành viên được tái cử và hai thành viên HĐQT độc lập (thành viên HĐQT đại diện vốn của Mizuho được tái cử).
Đáng chú ý, ông Trương Gia Bình, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2018 - 2023, sẽ không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này theo nguyện vọng cá nhân.
Thành viên HĐQT độc lập để thay thế ông Trương Gia Bình là ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viet Lotus, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank (hiện nay đã nghỉ hưu).
Về BKS, Vietcombank sẽ bầu tái cử 4 Thành viên Ban Kiểm soát đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 bao gồm ông Lại Hữu Phước (Trưởng BKS), bà La Thị Hồng Minh, bà Đỗ Thị Mai Hương và bà Trần Mỹ Hạnh.
Phần thảo luận:
-Kết quả kinh doanh quý I của Vietcombank?
Mặc dù có nhiều thách thức, kết quả kinh doanh quý I của Vietcombank rất khả quan. Tín dụng tăng trưởng hơn 2,5%. Huy động vốn tăng 3,2%, khả quan hơn toàn ngành ngân hàng. NIM của Vietcombank có cải thiện so với năm ngoái, tăng 0,04% so với cuối 2022. Lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.050 tỷ đồng.
Lợi nhuận hợp nhất đạt 11.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch năm 2023.
Diễn biến chất lượng tín dụng có suy giảm. Nợ xấu tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng đều nằm trong dự báo của hệ thống ngân hàng và đã được nhận diện từ trước.
- Tiến triển về việc kêu gọi vốn nước ngoài của Vietcombank?
Vietcombank đang triển khai ba nội dung tăng vốn. Nội dung thứ nhất theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, NHNN đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa sẽ hoàn thành.
Nội dung tăng vốn thứ 2 đã thông tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 đó là tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018. Vốn điều lệ dự kiến tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nội dung thứ ba là phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến trong năm 2023-2024.
- Xin ngân hàng chia sẻ về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất?
Vietcombank luôn thực hiện chính sách áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng đối với khách hàng hiện hữu và vay mới. Trong năm 2022, ngân hàng luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp so với thị trường. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ tín dụng của ngân hàng trong năm 2022 tăng đến 19%.
Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng đã giảm đồng loạt 1% lãi suất trong 2 tháng cuối năm. Và bước sang năm 2023, Vietcombank tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Theo đó, ngân hàng giảm đồng loạt 0,5% cho khách hàng hiện hữu. Như vậy, quy mô dư nợ được giảm là trên 50% tổng dư nợ hiện hữu của Vietcombank.
Dự kiến trong thời gian tới, ngân hàng sẽ xem xét tiếp tục triển khai chương trình giảm lãi suất mà ngân hàng đã triển khai từ 1/1-30/4/2023. Đối với cho vay mới, ngân hàng đã giảm đến 2% mặt bằng lãi suất kể từ đầu năm.
Với chương trình giảm lãi suất 2% theo Nghị đinh 31 của Chính phủ và thông tư 03 của NHNN, doanh số dư nợ giải ngân và đã được giảm lãi suất đã lên đến con số 10.000 tỷ đồng.
- Kế hoạch trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu năm 2023?
Vietcombank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1% sẽ được triển khai các bước và thực hiện trong tháng 5/2023. Chương trình thứ 2 là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.
ội dung phân phối lợi nhuận, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế của năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng.
- Kế hoạch sáp nhập TCTD yếu kém đã được NHNN phê duyệt như thế nào? Vietcombank có ước tính gì vào 5 năm tới khi nhận TCTD này?
Ngân hàng đã trình và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ngân hàng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc và trình NHNN chờ phê duyệt. Hiện tại, Vietcombank đã chuẩn bị rất tích cực, chuẩn bị nhận chuyển giao. Đây một phần là trách nhiệm, cũng là cơ hội.
Vietcombank chưa đưa việc nhận chuyển giao vào kế hoạch năm 2023. Khi nào ngân hàng nhận chuyển giao mới đưa vào kế hoạch cụ thể.
- Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi của Vietcombank là bao nhiêu? mục tiêu 2023-2028 cụ thể là gì? Yếu tố thúc đẩy thu nhập ngoài lãi sẽ đến từ đâu?
Hiện Vietcombank đang tính cả thu từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vốn là thế mạnh của ngân hàngvào doanh thu ngoài lãi. Tuy nhiên, SBV khi đặt kế hoạch lại loại trừ khoản thu này khi tính tỷ lệ thu nhập ngoài lãi.
Cụ thể, ngành ngân hàng đặt mục tiêu là từ nay cho đến 2025, phấn đấu đạt tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, không bao gồm thu từ kinh doanh ngoại tệ, ít nhất là 16%. Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng Việt Nam, bao gồm cả Vietcombank vẫn chưa đạt mục tiêu 16%.
Vào năm ngoái, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, bao gồm cả kinh doanh ngoại tệ của VCB là xấp xỉ 22%. Vietcombank đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt, hoặc vượt tỷ lệ 16%, dù đây là một cột mốc rất thách thức.
Những động cơ giúp cho ngân hàng đạt được mục tiêu này bao gồm những thế mạnh như thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh cảng. Những lĩnh vực kinh doanh lớn như bảo hiểm cũng đang có tiềm năng rất lớn, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ. Một lĩnh vực khác cũng rất tiềm năng chính là quản lý tài sản cho khách hàng các nhân.
- Trong quý IV năm ngoái, Vietcombank đã trích lập một khoản tương đối lớn là 10.000 tỷ đồng cho vay tới các TCTD khác, vậy mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay đã tính đến khoản dự phòng năm ngoái hay chưa?
Với khoản trích lập hơn 10.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022, khách hàng đều có tài sản đảm bảo đầy đủ. Hiện Vietcombank đã thu hồi một phần, và hiện trích lập dự phòng chỉ còn khoảng 5.800 tỷ. Từ nay đến cuối năm nếu giảm được hết dư nợ với những khách hàng trên thì sẽ bù nhập được toàn bộ số tiền này. Hiện không hề có rủi ro gì liên quan tới khoản trích lập dự phòng trên.
- Liệu Vietcombank có đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao hơn mục tiêu 15% hay không?
Kế hoạch tăng trưởng đã được xây dựng rất kỹ lưỡng và hoàn toàn khả thi. Vietcombank sẽ cố gắng đạt hoặc vượt kế hoạch đã đề ra.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.