Cổ đông KIDO không thông qua thương vụ bán 24% vốn KIDO Foods
Sáng ngày 24/1, Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến về các vấn đề liên quan trong thương vụ bán cổ phần sở hữu tại CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods).
Tập đoàn đã chuyển một phần vốn trong KIDO Foods để giảm tỷ lệ sở hữu về 49%; trong khi CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) là bên mua vào để tăng nắm giữ lên 51% cổ phần.
Phía KIDO cho rằng đây là giao dịch trọng yếu và vì điều này chưa được quy định rõ ràng trên Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty nên cần được đại hội xem xét; trong đó có vấn đề khai thác và sử dụng nhãn hiệu Celano và Merino chưa được làm sáng tỏ.
Mở 300 điểm miniBao
Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo KIDO cho biết năm qua đã phát triển thành công hệ thống bán bánh bao miniBao với 300 điểm bán mới trên toàn quốc, nhờ việc mở rộng ra được các thị trường miền Trung và miền Bắc có khẩu vị rất khác miền Nam.
Chuỗi tập trung chủ yếu trước cổng các trường học với lực bán rất tốt, cung cấp bếp ăn trường bán trú; ở trước các khu công nghiệp với số lượng công nhân đông; tập trung các khu đông dân cư và các khu vui chơi giải trí đông du khách…
Các điểm bán miniBao ghi nhận kết quả tích cực trong mùa bán bánh trung thu. Mùa 2024 chứng kiến nhiều hãng khác không tiêu thụ hết sản lượng nhưng lượng bánh trung thu và bánh Thọ Phát vẫn hết hàng trước mùa.
"Năm nay tập đoàn có kênh miniBao, dựa trên hệ thống sẵn có nên kiểm soát được nguồn cung hàng, dẫn đến không có tình trạng dư thừa nhờ tăng khả năng dự báo thị trường", lãnh đạo KIDO nói về thành công của mùa bánh trung thu và sự thay đổi cục diện kinh doanh.
Báo cáo chi tiết về kết quả kinh doanh vẫn chưa được công bố, phía tập đoàn cho biết vẫn cần thời gian để tổng hợp số liệu và công bố thông tin chính thức.
Khẳng định sở hữu 2 nhãn hiệu kem
Từ đầu năm 2022, KIDO Group đã tiến hành các thủ tục pháp lý để chuyển toàn bộ quyền sở hữu thương hiệu từ các công ty con về tập đoàn, bao gồm Vocarimex, Dầu Tường An, KIDO Foods và KIDO Nhà Bè.
Riêng KIDO Foods đã chuyển quyền sở hữu trí tuệ 34 thương hiệu, trong đó có Celano và Merino. Giao dịch giữa 2 bên được ký kết hồi tháng 6/2022, được Cục sở hữu trí tuệ xác nhận vào tháng 8/2022 và sửa đổi vào tháng 12/2023.
KIDO Group khẳng định hiện sở hữu và quản lý toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu tại các công ty con và công ty thành viên.
Tập đoàn này muốn giữ quyền sở hữu nhãn hiệu Celano và Merino; đồng thời xin ý kiến về quyền sử dụng/ủy quyền cho một bên thứ ba ngoài KIDO và công ty con sử dụng các nhãn hiệu này.
Tòa án nhân dân TP HCM mới đây cấm KIDO Foods sử dụng nhãn hiệu Celano do Cục sở hữu trí tuệ cấp vào năm 2008 và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2020; bao gồm các việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu...
Đồng thời buộc CTCP Dat Viet Media không được quảng cáo, quảng bá, giới thiệu đối với nhãn hiệu Celano trong chương trình "Anh Trai Say Hi" và chương trình "2 Ngày 1 Đêm", trên trang facebook "Anh trai Say hi Vie Chanel" và "2 Ngày 1 Đêm Vietnam", trên tài khoản tiktok có tên "VieON" và "2Ngay1DemVietnam".
Quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 17/1 và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Nhiều cổ đông không tán thành giao dịch
Tại đại hội, cổ đông được lấy ý kiến về 4 vấn đề quan trọng gồm: Không thông qua giao dịch bán 24,03% cổ phần tại KIDO Foods; Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Celano; Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Merino; Không đồng ý việc chuyển nhượng thương hiệu KIDO.
Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành nêu ý kiến doanh nghiệp muốn thành công thì ngoài sản phẩm tốt cần kênh phân phối mạnh và các vấn đề kỹ thuật, trong đó không thể thiếu về vấn đề thương hiệu.
Ông nói đây là tài sản mất nhiều thời gian, từ lúc khai sinh đến lúc được người tiêu dùng yêu chuộng là không hề đơn giản. Việc mua nhà máy là khác và mua thương mại là khác, hợp đồng bán có thương hiệu hay không có thương hiệu rõ ràng là khác nhau.
"Thời điểm bán KIDO Foods để chuyển thành công ty liên kết vẫn chưa được làm rõ, tài sản và thương hiệu chưa rõ ràng. Ngại nhất là nói về ý kiến cá nhân nên tôi muốn nghe ý kiến cổ đông về việc bảo vệ tài sản", ông Thành hạn chế nêu quan điểm cá nhân để ảnh hưởng đến quyết định của cổ đông.
Quỹ Star Pacifica đang nắm hơn 7% cổ phần cho biết khoản chuyển nhượng hơn 24% vốn KIDO Foods hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của HĐQT nên có thể quyết định được giao dịch này. Đại diện quỹ đầu tư không đồng tình với giao dịch này vì ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
"Để vận hành ngành kem hiệu quả, KIDO Group sẽ vận hành hiệu quả hơn bất kỳ doanh nghiệp nào và với những gì đã làm được suốt thời gian qua là minh chứng rõ nét, quỹ không đồng tình với giao dịch trên", quỹ ngoại nêu ý kiến.
Phó Tổng giám đốc Tài chính Nguyễn Công Hạo cho biết đúng là HĐQT có thẩm quyền quyết định, hiểu rõ các vấn đề pháp luật nhưng vẫn đưa ra đại hội để cùng có ý kiến, thể hiện sự tôn trọng đối với quyền lợi cổ đông; sẽ trao đổi với luật sư để làm rõ vấn đề và bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông.
Đại diện quỹ đầu tư ngoại khác cũng nói rằng khi mua cổ phiếu KDC đã rất tin tưởng sự điều hành của ban lãnh đạo. Việc chuyển nhượng 24% vốn KIDO Foods có ảnh hưởng đến cổ đông, quỹ hoàn toàn không đồng tình với giao dịch và cần công ty tiến hành biện pháp công khai đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Một cổ đông tổ chức đề nghị Ban kiểm soát kiểm tra đánh giá lại vấn đề theo đúng quy định để tham mưu cho HĐQT. Đại diện tập đoàn nói sẽ tuân thủ quy định và làm đúng theo quy trình pháp luật.
Kỳ vọng 2025 tăng trưởng
Chia sẻ về kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành cho biết những nổ lực thời gian qua vẫn chưa thể phản ánh được trong kết quả kinh doanh năm 2024.
Công ty Thọ Phát là thành viên mới gia nhập, tập đoàn phải nghiên cứu gần nửa năm cho ra chuỗi miniBao. Kế hoạch ban đầu là dự kiến mở 500 cửa hàng để rút ra mô hình, nhằm mở được với tốc độ nhanh hơn và chuẩn hơn.
"Tập đoàn triển khai các công việc đầu tiên từ tháng 7/2024 và sau 2 tháng có được 200 cửa hàng miniBao, sau đó thêm 100 cửa hàng khác. Mô hình tạo hiệu quả khi được người tiêu dùng rất ủng hộ", ông nói.
Vị lãnh đạo cũng xác nhận việc mở rộng miniBao là hướng đi đúng, năm 2025 sẽ tăng tốc nhanh hơn để đảm bảo hàng hóa đi đến khách hàng nhanh hơn; tăng cường mở điểm bán trong trường học, khu công nghiệp, khu đông dân cư…
Khi mở rộng thì cần phần mềm và hệ thống quản lý chất lượng, đây là ngàng hàng cần vận chuyển lạnh và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nhất.
Việc mở rộng đối với Tường An cũng được thị trường chấp nhận, công ty sau một thời gian dài tiếp cận được người tiêu dùng đã mở rộng thêm ngành hàng khác như ra nước mắt và gia vị. Các mặt hàng hiện tại đã được chấp nhận tại cáctạp hóa, khu chợ...
Ông Thành đánh giá khả năng sẽ mở rộng thêm nhiều mặt hàng khác để đảm bảo sự phong phú, khi khách hàng muốn mua sản phẩm Tường An thì công ty sẽ mở rộng khắp để phục vụ tốt hơn.
Biên lợi nhuận các sản phẩm dự kiến tốt hơn nhờ tăng tỷ lệ nguyên liệu trong nước, giảm chi phí vận chuyển và vận hành; từ đó "khả năng sinh lời sẽ khả quan hơn và hy vọng tốc độ tăng trưởng 2025 sẽ nhanh hơn".
Người đứng đầu tập đoàn nói đã chuẩn bị để đón đầu cho sự phát triển vươn mình của Việt Nam trong thời gian tới, kỳ vọng sự tăng trưởng sẽ tốt hơn nhiều với nhiều năm trước. Cuối năm 2024 là sự chuẩn bị cho 2025 và xa hơn nữa.
"Tương lai của công ty sẽ sáng sủa hơn rất nhiều so với các năm vừa qua, đã được thử nghiệm ở cuối 2024 nên kết quả năm 2025 dự kiến tốt hơn là điều đương nhiên", ông Thành kỳ vọng.
Kết quả biểu quyết
Theo báo cáo đến 11h21 ngày 24/1, số cổ đông tham dự và được ủy quyền đại diện cho khoảng 257,8 triệu cổ phiếu, chiếm gần 89% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của KIDO Group.
Kết quả biểu quyết cho thấy các nội dung đều được thông qua. Theo đó nội dung Không thông qua giao dịch bán 24,03% cổ phần tại KIDO Foods được thông qua với tỷ lệ tán thành là 91,3% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự hợp.
3 nội dung còn lại gồm Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Celano; Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Merino; Không đồng ý việc chuyển nhượng thương hiệu KIDO, đều được thông qua với tỷ lệ hơn 99,1%.
Đại hội kết thúc.