|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất giảm, nhóm ngân hàng sẽ được hưởng lợi ra sao?

10:42 | 12/07/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất điều hành giảm đi kèm với những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên nhiều khía cạnh từ khả năng sinh lời đến chất lượng tài sản.

Các ngân hàng hưởng lợi gì từ việc cắt giảm lãi suất?

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn cuối cùng của chu kỳ thắt chặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái nới lỏng chính sách với 4 lần liên tục cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm.

Động thái này đã kéo theo việc các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng mạnh tay thực hiện các chính sách cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định ngân hàng là một trong các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất hiện nay. 

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các đợt giảm lãi suất có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế, từ đó giúp mức tăng trưởng tín dụng đạt 13% trong năm 2023. Đồng thời, lãi suất giảm và các chính sách từ NHNN sẽ làm ổn định chất lượng tài sản của ngân hàng. Những yếu tố này đều sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng. 

 

Trong Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm 2023, Chứng khoán VNDirect cũng lập luận rằng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng đầu năm đều đã giảm đáng kể so với đầu năm. Tới cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng có thể giảm về mức 6-6,5%/năm, tạo điều kiện môi trường cho vay phù hợp hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup (công ty chuyên cung cấp dữ liệu), cho rằng lãi suất điều hành giảm, đi kèm với những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên nhiều khía cạnh.

Cụ thể, lãi suất điều hành đi xuống sẽ giúp giảm chi phí vốn liên ngân hàng, đồng thời tác động tích cực đến tâm lý toàn nền kinh tế và giảm kỳ vọng lãi suất huy động đầu vào của toàn hệ thống. 

 Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup. (Ảnh: DNVN).

Cùng với đó, theo ông Trần Ngọc Báu, việc giảm lãi suất sẽ làm tăng giá các tài sản chính, đặc biệt những tài sản có thu nhập cố định, các tổ chức tài chính trong nước đang sở hữu nhiều tài sản dạng này. Giá trị thị trường của tài sản phục hồi sau đợt sụt giảm năm ngoái cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho lợi nhuận của các tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng. 

Một yếu tố khác các ngân hàng dự kiến hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp là tình trạng nợ xấu. Khi tài sản tài chính hồi phục, chi phí vốn giảm, tình trạng căng thẳng thanh khoản biến mất sẽ hỗ trợ rất lớn cho sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Khi sức khỏe nền kinh tế phục hồi, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống. 

"Tuy nhiên, việc ngân hàng nào hưởng lợi, sớm hay muộn, nhiều hay ít sẽ còn phụ thuộc vào cấu trúc kỳ hạn và phân bổ tài sản. Trong thời gian tới sẽ có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận giữa các ngân hàng", ông Trần Ngọc Báu.

Ngân hàng nào sẽ hưởng lợi về NIM trong nửa cuối 2023?

Lãi suất huy động tăng nhanh từ quý IV/2022 làm cho chi phí vốn tăng nhanh trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh chậm hơn (3-6 tháng một lần) dẫn tới chi phí vốn tăng nhanh hơn lãi suất sinh lợi làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng trong quý I.

Giới chuyên gia nhận định việc giảm lãi suất điều hành 4 lần trong nửa đầu năm sẽ giúp cho NIM các ngân hàng ổn định trở lại và có thể tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2023.

Theo CEO Wigroup, trong trạng thái mà huy động và tín dụng tăng trưởng chậm như hiện tại, NIM sẽ được dẫn dắt chủ yếu bởi thu nhập lãi thuần. Vì vậy, muốn biết khi nào NIM phục hồi thì cần phải trả lời câu hỏi "Khi nào thu nhập lãi thuần tăng trở lại?".

Nhìn vào bối cảnh lãi suất huy động bình quân đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, ông Báu cho rằng NIM sẽ cải thiện dần từ quý IIII/2022.Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của NIM trong năm nay khá chậm, chủ yếu theo hướng ổn định, thay vì giảm mạnh như quý I/2023.

"Từ quý III,NIM của hệ thống ngân hàng sẽ ổn định lại, đi ngang. Có thể kỳ vọng sự phục hồi rõ ràng hơn vào năm 2024", ông Báu dự báo.

CEO WiGroup chỉ ra một loạt rào cản ảnh hưởng đến sự phục hồi của NIM như: tỷ lệ CASA thấp, một số quy định yếu cầu các ngân hàng tăng huy động vốn trung và dài hạn, giảm vốn ngắn hạn và vốn lên ngân hàng, nợ xấu cao khiến các ngân hàng thận trọng trong hoạt động cho vay và chi phí huy động vốn cần thời gian để giảm xuống.

NIM toàn ngành ngân hàng đã sụt giảm mạnh trong quý I/2023 (Ảnh: VNDirect ).

Chứng khoán VNDirect cũng đồng ý với quan điểm rằng NIM sẽ tăng trở lại nhưng quá trình này sẽ không diễn ra ngay lập tức, bởi các ngân hàng vẫn phải giảm lãi suất cho vay để phục hồi nền kinh tế.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định rằng xu hướng phục hồi NIM sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng, bởi cấu trúc của từng ngân hàng đối với nhu cầu tiền gửi và huy động vốn là rất khác nhau. 

Những ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, tỷ lệ cho vay/huy động thấp, dẫn đến chi phí vốn nhỏ có thể duy trì, cải thiện NIM. Ngoài ra, những ngân hàng có thế mạnh cho vay về tệp khách hàng cá nhân, phân khúc với lợi suất tài sản hấp dẫn, cũng có thể hưởng lợi. 

Minh Quang