Lai lịch công ty Việt Nam góp 30% vốn trong liên doanh với Mercedes-Benz
Theo Báo tuổi trẻ, trong cuộc làm việc với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo TP HCM dẫn chứng những vướng mắc khiến chưa gia hạn cho dự án Mercedes - Benz Việt Nam như là một điển hình rắc rối quy định pháp luật.
Dù có đóng góp lớn ngân sách cho thành phố và là thương hiệu có uy tín trên thế giới, liên doanh sản xuất xe hơi này đối diện thách thức khi vẫn chưa được cấp phép gia hạn thời gian đầu tư và gia hạn thuê đất.
Góp 30% vốn bằng đất công
Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) là liên doanh được thành lập vào tháng 4/1995 giữa Tập đoàn Mercedes-Benz AG (Đức) với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), trong đó tỷ lệ góp vốn của đối tác Việt Nam là 30% và đối tác Đức nắm 70%.
Đáng chú ý khi Samco lại góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng khu đất công 693 đường Quang Trung (quận Gò Vấp) có diện tích gần 10,5ha.
Thời hạn hoạt động của liên doanh là 30 năm, tức thời điểm kết thúc vào 14/4/2025. Năm 2021, công ty có văn bản đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án thêm 5 năm đến 2030. Dù đã được chính quyền TP HCM chấp thuận chủ trương gia hạn và thời gian thuê đất, nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa được hoàn tất.
Do Samco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất nên theo quy định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; sau khi kết thúc việc góp vốn, liên doanh, liên kết, khu đất trên phải được sắp xếp, xử lý lại bằng cách thu hồi và đấu giá.
Theo VnExpress, UBND TP HCM vừa có công văn gửi Thủ tướng về điều chỉnh thời gian hoạt động dự án cho Mercedes-Benz Việt Nam thêm 5 năm; đây là điều "rất cần thiết" và theo quy định thuộc thẩm quyền của người đứng đầu Chính phủ.
Việc chấm dứt ngay dự án theo thời hạn cũ được cho có nguy cơ giảm thu ngân sách địa phương. Các cơ quan cũng chưa chuẩn bị phương án thu hồi đất và lựa chọn nhà đầu tư, dự án còn có tác động lớn đến quan hệ đối ngoại với các quốc gia.
Mercedes-Benz Việt Nam có khoảng 800 lao động với công suất lắp ráp 4.000 xe/năm. Giai đoạn 2017-2021, mỗi năm công ty đạt doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 5.500 tỷ đồng.
Công ty chưa từng công bố doanh số tại Việt Nam. Theo dữ liệu từ Vietdata, hãng xe sang này đã bán được hơn 7.500 xe (đây là mức cao kỷ lục) trong năm 2020, trong đó có gần phân nửa là dòng xe GLC-SUV hạng F.
Doanh thu thuần được duy trì quanh mức 10.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2021 và tăng lên khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế có sự biến động khi đạt gần 1.000 tỷ đồng năm 2020, tăng gần 30% trong năm 2021 và lại giảm hơn 10% trong năm 2022.
Hiện Mercedes-Benz Việt Nam có vốn điều lệ 402,5 tỷ đồng. Ông Gerd Bitterlich (sinh năm 1963 - người Đức) đang là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Samco hoạt động ra sao?
Samco là công ty 100% vốn nhà nước thuộc sở hữu của UBND TP HCM, chính thức được thành lập từ năm 2004 và đến nay có vốn điều lệ 1.797 tỷ đồng. Hoạt động đa ngành trong mảng thương mại và sản xuất, nhất là lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Hệ thống tổng công ty bao gồm 9 công ty con đáng kể như Cảng Bến Nghé, Bến xe Miền Đông, Cảng Tôn Thất Thuyết, Xây dựng Giao thông Sài Gòn, Bến bãi Vận tải Sài Gòn, Bến xe Miền Tây, Vận tải biển Sài Gòn (quản lý bến xe An Sương), Giao nhận kho vận Bình Minh...
Samco còn hình thành hệ thống hàng chục công ty liên doanh liên kết lớn; đặc biệt là các đơn vị trong mảng xe như MBV, Toyotsu Samco, Kumho Samco Buslines, Toyota Tsusho, Isuzu Việt Nam... để phân phối hầu hết dòng xe Mercedes-Benz, Lexus, Toyota, Mitsubishi, FUSO, Nissan, Chevrolet.
Hoạt động kinh doanh của Samco có sự trồi sụt liên tục trong những năm gần đây. Doanh thu đạt đỉnh hơn 8.200 tỷ đồng hồi năm 2016, sau đó xuống đáy 3.880 tỷ đồng trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Chỉ tiêu lợi nhuận đạt mức cao dao động 500-900 tỷ giai đoạn 2019 về trước, sau đó chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nên giảm sốc về 91 tỷ đồng năm 2021. Lợi nhuận năm 2022 hồi phục lên 670 tỷ đồng, để rồi lại lao dốc trong năm 2023 còn hơn 100 tỷ đồng.
Theo báo cáo nửa đầu năm 2024, tổng công ty ghi nhận doanh thu giảm nhẹ về khoảng 1.850 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lại nhích nhẹ 3% so với cùng kỳ đạt mức 90 tỷ đồng, thực hiện 46% kế hoạch cả năm.
Theo báo cáo đến hết quý II, Samco ghi nhận tổng giá trị đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 1.855 tỷ đồng.
Khoản đầu tư lớn nhất vẫn là cái tên Mercedes-Benz Việt Nam với giá trị 929 tỷ đồng (giảm 30 tỷ so với đầu năm nhưng vẫn chiếm 50% tổng vốn đầu tư của Samco). Nếu tính theo tỷ lệ góp vốn 30%, MBV có vốn chủ sở hữu gần 3.100 tỷ đồng (gần 125 triệu USD).
Trong nhiều năm về trước, nhóm công ty liên doanh liên kết đóng góp lợi nhuận chủ lực cho Samco với mức 40-60% trên con số lãi trước thuế mỗi năm, chủ yếu từ các liên doanh xe như MBV, Toyota, Isuzu...
Tuy nhiên, thực trạng đã thay đổi trong giai đoạn đại dịch, lợi nhuận liên kết trong năm 2020 và 2021 thậm chí còn bù đắp các phần thiếu hụt để giúp công ty vẫn duy trì có lãi. Sang năm 2022, nguồn thu này còn đạt mức kỷ lục 513 tỷ đồng.
Bối cảnh 2023 tiếp tục đảo ngược khi Samco chứng kiến khoản lỗ liên kết 29 tỷ đồng, con số này gây bất ngờ khi trước đó tổng công ty vẫn ghi nhận lãi hàng trăm tỷ từ nguồn thu này..
Điều này không loại trừ khả năng liên doanh lớn nhất là Mercedes-Benz Việt Nam đã thua lỗ trong năm ngoái. Số liệu tài chính càng củng cố khi Samco ghi nhận giảm giá trị khoản đầu tư vào MBV từ 1.028 tỷ đồng năm 2022 về mức 958 tỷ đồng cuối năm 2023.
Theo quy hoạch phát triển ngành, Samco là một trong 4 đơn vị đảm nhiệm vai trò nòng cốt phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, cùng với Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM Corp) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (Vinacomin -TKV).
Trong đó, Vinacomin định hướng vào mảng xe tải hạng trung và nặng, xe chuyên dùng và các thiết bị công tác kèm theo; có yếu tố hỗ trợ cho mảng kinh doanh chính ở lĩnh vực than-khoáng sản.
Vinamotor và VEAM Corp có cùng định hướng tập trung sản xuất, lắp ráp xe khách, xe tải cỡ trung và nhỏ, xe con, động cơ, hộp số, cụm truyền động. Trong khi Samco tập trung lắp ráp, sản xuất xe khách, xe chuyên dùng và một số loại phụ tùng ô tô.
Samco tính đến tháng 6 có quy mô tổng tài sản hơn 5.900 tỷ đồng; phần lớn là khoản đầu tư vào các liên doanh liên kết với 1.855 tỷ và tài sản dài hạn; đồng thời vẫn có lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lớn với hơn 800 tỷ đồng.
Tổng công ty tăng cường vay nợ tài chính với giá trị đã lên gần 1.640 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện gần 3.000 tỷ đồng.