Không phải ngẫu nhiên mà Top 3 nhà sản xuất smartphone đều 'đặt chân' đến Việt Nam
Mới đây, những lô hàng đầu tiên của hãng điện thoại thông minh Xiaomi sản xuất tại Việt Nam đã được xuất khẩu đi khắp toàn thế giới, minh chứng cho khả năng trở thành một trung tâm sản xuất của các mặt hàng điện tử, công nghệ cao. Trước Xiaomi, hàng loạt ông lớn như Samsung, Apple hay LG là những "ông lớn" công nghệ đã đầu tư vào Việt Nam.
Trên thực tế, có không ít nhà sản xuất các thiết bị điện tử đã thực hiện chiến lược chuyển khỏi Trung Quốc hoặc bổ sung thêm nhà máy ở các quốc gia lân cận để đối phó với những bất ổn đang ngày càng gia tăng tại quốc gia tỷ dân như: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay những biện pháp phong toả của Trung Quốc trong dịch COVID-19.
Top 3 nhà sản xuất smartphone đều đã "đặt chân" đến Việt Nam
Hiện tại, cả ba nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới gồm: Samsung, Apple và Xiaomi đều đã "đặt chân" đến Việt Nam.
Samsung Việt Nam vận hành 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi 128 quốc gia.
Trong năm 2021, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Samsung cũng duy trì mức tăng trưởng tới 16% so với năm 2020 bất chấp dịch COVID-19 cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định của Việt Nam.
Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Samsung toàn cầu, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D.
Bên cạnh Samsung, dù chưa sản xuất iPhone ở Việt Nam song ngay từ đầu năm 2021, Tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan) - đối tác sản xuất chính của Apple đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Bắc Giang với tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD. Dự án này chuyên sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay với công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.
Trước đó, tất cả sản phẩm iPad đều được lắp ráp tại Trung Quốc nhưng nay đã mở rộng sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Các sản phẩm quan trọng của Apple như iPad, AirPods, MacBook hiện đã được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Mới đây là Xiaomi, một công ty công nghệ của Trung Quốc - nơi vốn là trung tâm sản xuất của thế giới mở rộng sản xuất sang Việt Nam.
Nguyên nhân khiến DBG Technology Co, nhà sản xuất theo hợp đồng cho các thương hiệu điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Honor và Huawei Technologies Co., mở rộng sản xuất sang Việt Nam là do những lo ngại về thị trường nội địa bị gián đoạn bởi các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19.
DBG Technology Việt Nam, đối tác của Xiaomi hiện đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại Thái Nguyên, trị giá 80 triệu USD và đưa vào hoạt động từ tháng 6/2021. Nhà máy này được kỳ vọng sản xuất 20 triệu sản phẩm mỗi năm không chỉ điện thoại mà còn máy tính, điện tử gia dụng, linh kiện điện tử.
Ba yếu tố mới giúp Việt Nam thu hút FDI chất lượng cao
Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), ngoài những yếu tố mà Việt Nam đã có từ trước như: Ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn cho nhà đầu tư hay sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính có 3 điểm rất quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao, cụ thể là các công ty công nghệ trong thời gian gần đây.
Thứ nhất, Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là những nhân lực phù hợp với các dự án sản xuất smarphone, công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao, linh kiện điện tử,big data hay các dự án về công nghệ số.
Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đảm bảo và đáp ứng được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn công nghệ và dịch vụ hàng đầu thế giới. Gần đây, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới sau khi khảo sát, họ đánh giá rất cao nguồn nhân lực của Việt Nam, Chủ tịch VAFIE cho biết.
Thứ hai, Việt Nam là một trong những quốc gia có phản ứng với dịch COVID-19 nhanh chóng, linh hoạt. "Chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong việc phòng, chống dịch COVID-19 như tỷ lệ tỷ vong thấp, tỷ lệ tiêm chủng cao. Việc chuyển hướng từ phục hồi sang phát triển kinh tế của Việt Nam cũng được các doanh nghiệp FDI đánh giá rất cao", GS. Nguyễn Mại cho hay.
Trong giai đoạn hậu COVID-19, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát thấp, về cơ bản giá cả hàng hoá ổn định; Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam cùng với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh cũng là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư FDI.
Riêng với nhóm hàng smartphone, Việt Nam cũng đạt tỷ lệ người dân sử dụng ở mức cao trên thế giới, trung bình 1 smartphone/người. Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến Xiaomi xây dựng nhà máy sản xuất bởi Việt Nam là thị trường lớn của Xiaomi, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Thứ ba, chiến lược của Chính phủ trong việc tăng trưởng kinh tế xanh, chuyển đổi kinh tế số, Chính phủ số. Không phải nhiều nước trên thế giới có chiến lược như vậy, đây là ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện rất quan tâm đến yếu tố này.
GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh việc các công ty công nghệ như Xiaomi chuyển sản xuất sang Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà là nhờ sự chuẩn bị tốt từ trước đó. Với 3 ưu thế mới gắn với các ưu thế cũ, Việt Nam được khẳng định là sẽ trở thành điểm đến mới trong thu hút đầu tư năm 2022.