|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại có tuần mua ròng đầu tiên sau 5 tháng miệt mài bán ròng

19:33 | 28/07/2024
Chia sẻ
Sau chuỗi nhiều dài nhiều tuần bán ròng khối ngoại đã mua ròng trở lại trên HOSE với giá trị hơn 420 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, họ gom ròng gần 453 tỷ đồng.

Những phiên đầu tuần có lẽ là giai đoạn nhà đầu tư trải qua giai đoạn tiêu cực dài nhất từ tháng 4/2024 khi VN-Index liên tục có chuỗi 3 phiên giảm khá mạnh với mức trung bình gần 14 điểm mỗi phiên.

Từ mốc 1.275, VN-Index đã rơi về mức thấp nhất 1.218 trong phiên 24/7 và tại đây dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện. Trong 3 phiên cuối tuần, VN-Index đã hồi phục 24 điểm từ mức 1.218 để chốt tuần tại 1.242,1, nhưng so với tuần trước chỉ số đã để mất 22,67 điểm, giảm 1,79% so với tuần trước đó.

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 18.226 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 16.104 tỷ đồng, giảm 19,9% so với tuần trước và hụt 17,5% so với trung bình 5 tuần gần đây. Lực mua và bán chủ động thường duy trì ở mức thấp trong hầu hết các phiên giao dịch trong tuần (ngoại trừ phiên ngày 23/7).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Bên chiều giảm điểm, vị trí đầu tiên là HVN khi tiếp tục để mất hơn 20% trong tuần và khiến VN-Index giảm 2,64 điểm. Nhóm ngân hàng sau diễn biến khả quan tuần trước đã điều chỉnh trong tuần, có đến 6 mã cổ phiếu ngân hàng trong Top 10 ảnh hưởng tiêu cực, theo thứ tự lần lượt là BID, CTG, LPB, MBB, TCB và ACB. Tổng cộng nhóm ngân hàng đã lấy đi gần 9 điểm của VN-Index. Ở phía đối diện, BCM vươn lên trở thành “công thần” lớn nhất thị trường khi giúp VN-Index tăng gần 1,24 điểm.

Sau chuỗi nhiều dài nhiều tuần bán ròng khối ngoại đã mua ròng trở lại trên HOSE với giá trị hơn 420 tỷ đồng, đánh dấu tuần gom ròng đầu tiên sau 5 tháng miệt mài xả hàng. Tính riêng kênh khớp lệnh, họ gom ròng gần 453 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trong đó, KDC được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 481 tỷ đồng. Cùng chiều, SBT và VNM cũng được mua ròng lần lượt 438 tỷ và 232 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của MSN, BCM, VCB, BID, FPT, FRT, KBC với quy mô 44 – 112 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, cổ phiếu DGC bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 420 tỷ đồng, ghi nhận 3 tuần liên tục bị bán ròng. Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu SSI với 289 tỷ đồng. Dưới sức ép bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu của Chứng khoán SSI có nhịp giảm gần 7,8% so với tuần trước xuống 32.100 đồng/cp.

Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như MWG (289 tỷ đồng), VHM (170 tỷ đồng), VPB (120 tỷ đồng), DXG (106 tỷ đồng), TLG (67 tỷ đồng), TCH (53 tỷ đồng), VRE (49 tỷ đồng) và OCB (41 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 3/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư tiếp tục rút ròng với giá trị hơn 13 tỷ đồng với khối lượng gần 1,1 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao dẫn đầu bên bán với giá trị hơn 23,9 tỷ đồng. Mã DTD cũng bị rút ròng 12,1 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã TIG (11,6 tỷ đồng), SHS (9,5 tỷ đồng) và PVI (9,3 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, khối ngoại tiếp tục mua ròng 32,4 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là MBS (11,1 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như IDC (10,4 tỷ đồng), NTP (5,6 tỷ đồng) và TNG (4,2 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng cả 5 phiên liên tục. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng hơn 1,5 triệu đơn vị, tương đương quy mô hơn 54 tỷ đồng.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng gần 31,1 tỷ đồng ở cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã MCH (20,4 tỷ đồng), DGT (10,3 tỷ đồng), OIL (7,8 tỷ đồng) và VEA (6,7 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 10,3 tỷ đồng cổ phiếu PHP của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như QNS (8,9 tỷ đồng), DDV (2,9 tỷ đồng), LTG (2,8 tỷ đồng) và IFS (641 triệu đồng), VGG (544 triệu đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo